Quyết định khó khăn nhất trong đời Tướng Giáp

Google News

(Kiến Thức) - Đánh giá về quyết định thay đổi phương châm tiêu diệt địch sang "đánh chắc, tiến chắc", Tướng Giáp nói đó là quyết định khó khăn nhất đời cầm quân của ông.

Chiến thuật đầu nhọn đuôi dài
Bước vào chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng tham mưu của ta cử một đoàn cán bộ do đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ huy, đi trước chuẩn bị chiến trường. Cùng đi với đoàn còn có một đoàn cố vấn quân sự của CHND Trung Hoa.
Qua nghiên cứu lực lượng quân Pháp đổ xuống Mường Thanh, Đoàn công tác của ta và các cố vấn nước bạn nhất trí dùng phương án đánh nhanh thắng nhanh để tiêu diệt Điện Biên. Chiến thuật sử dụng trong trận đánh mang tên “đầu nhọn đuôi dài nở hoa trong lòng địch” – một chiến thuật của Quân Giải phóng Trung Quốc. Nét cơ bản của nó là tập trung lực lượng đột kích mạnh đánh thọc sâu vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên rồi từ trong trung tâm tỏa ra kết hợp với lực lượng bao vây bên ngoài đánh vào để tiêu diệt từng cứ điểm nhỏ.
 Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đang bàn kế hoạch tác chiến từng trận đánh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN. 
Kế hoạch tác chiến ban đầu dự định ngày 20/1/1954 sẽ là ngày nổ súng nhưng sau phải hoãn lại đến ngày 25/1 do pháo chưa kéo vào kịp. Trong thời gian này, Tướng Giáp luôn tự đặt câu hỏi về khả năng chiến thắng. Phải nói rõ rằng, khi Tướng Giáp đến mặt trận, kế hoạch tiến công Điện Biên như trên đã được hoàn thành và được cả cố vấn Trung Quốc lẫn các cán bộ ta rất tâm đắc vì chiến dịch này lần đầu có pháo binh tham gia.
Tuy nhiên, qua trực tiếp nắm tình hình, Tướng Giáp thấy quân Pháp đổ quân xuống Điện Biên ngày một nhiều hơn và đã vượt qua con số 12 tiểu đoàn. Công sự của chúng cũng đã xây dựng kiên cố chứ không phải là dã chiến nữa. Làm sao để đảm bảo chiến thắng trong trận này. Câu nói của Bác luôn nhắc nhở ông: “Phải thắng không được bại vì bại là hết vốn”.
Đêm 24, Tướng Giáp thức trắng. Những tình hình mới cho thấy khả năng chiến thắng với phương án chiến đấu cũ là không có. Trong hồi ký Tướng Giáp viết: “Ba khó khăn hiện lên rất rõ. Thứ nhất: - Bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều.
Thứ hai: Trận này đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn lần đầu, mà lại chưa qua diễn tập. Vừa qua, có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp thế nào. Thứ ba: Bộ đội ta từ trước tới nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng… Tất cả mọi khó khăn đó đều chưa được bàn bạc kỹ và tìm cách khắc phục”.
Quyết định khó khăn nhất
Thấy rõ khó khăn trong chiến đấu là như vậy, nhưng thay đổi phương án đã được cả tập thể thông qua không phải là đơn giản. Hơn thế nữa, hàng vạn bộ đội trong cả tháng qua đã tốn bao công sức để chuẩn bị chiến dịch. Đã có cả chiến sĩ hy sinh trong khi kéo pháo vào. Đó là một khó khăn nữa đối với tâm lý vị tướng. Tuy nhiên, để đảm bảo chiến thắng và không hy sinh máu xương chiến sĩ vô ích, tướng Giáp quyết định hoãn trận đánh dù phải đối mặt với khó khăn rất lớn là làm sao thuyết phục được Bộ chỉ huy chiến dịch.
Ngay sáng 25, Tướng Giáp đến gặp tướng Vi Quốc Thanh – Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc để thông báo ý định hoãn trận đánh lại. Là một sĩ quan dày dạn trận mạc, tướng Vi Quốc Thanh trong những ngày qua cũng đã nhận thấy nhiều yếu tố không đảm bảo chiến thắng nếu đánh theo phương án cũ nên cả hai vị tướng nhanh chóng nhất trí với nhau.
Kế đó, cuộc họp Đảng ủy mặt trận được tổ chức. Sau khi nghe Tướng Giáp trình bày những suy nghĩ của mình, nhiều sĩ quan bày tỏ những lo ngại. Đồng chí Lê Liêm – Chủ nhiệm Chính trị nói: ‘Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội làm sao?”. Đồng chí Đặng Kim Giang – chủ nhiệm Hậu cần thì cho rằng: “Hậu cần chuẩn bị tới bây giờ đã khó khăn, nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được”. Riêng đồng chí Hoàng Văn Thái thì nói: “Anh Văn cân nhắc cũng phải… Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 và pháo cao xạ lần đầu xuất hiện sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi”.
Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Ảnh: GDVN. 
Cuộc họp chưa đi tới được kết luận trong khi thời giờ thì rất gấp rút rồi. Cuối cùng, Tướng Giáp phải đặt câu hỏi “ Tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Hầu hết các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận đều nói “Làm sao dám đảm bảo như vậy”.
Những thảo luận tiếp theo, Đảng ủy mặt trận dần nhìn nhận là còn nhiều khó khăn trong trận đánh mà ta chưa có biện pháp khắc phục. Tướng Giáp liền kết luận: “Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Các tài liệu sau này cho biết Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc đứng trước quyết định thay đổi cách đánh của Tướng Giáp có điện về Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hỏi ý kiến. Sau khi thảo luận, Trung ương Đảng Trung Quốc cũng trả lời việc chuyển sang đánh chắc tiến chắc, bóc từng lớp vỏ của Điện Biên là hợp lý. Tuy nhiên đó là sau khi Tướng Giáp đã thay đổi rồi Trung Quốc mới có trả lời.
Đánh giá về quyết định lịch sử này, Tướng Giáp nói rằng đó là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông. Còn Tướng Lê Trọng Tấn, trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên thì nói với Tướng Giáp: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.
Vũ Tiến Đức

Bình luận(0)