Phía sau chuyện phế hậu, lập phi khi Trần Anh Tông lên ngôi

Google News

(Kiến Thức) - Văn Đức Phu Nhân là chính phi được Trần Anh Tông cưới hỏi lúc ông còn là Thái Tử. Nào ngờ khi chồng lên ngôi, Văn Đức bị phế phi, em gái bà thế chân.

Thuộc vào hàng lá ngọc cành vàng của nhà Trần, Văn Đức Phu Nhân là chính phi được Trần Anh Tông cưới hỏi lúc ông còn là Thái Tử. Những tưởng ngôi Hoàng Hậu đã sắp đến tay, nào ngờ lúc chồng lên ngôi cũng là lúc Văn Đức phải đau khổ vì bị chồng phế bỏ. Đâu là sự thật đằng sau quyết định lạ lùng trên của Trần Anh Tông?
Nhập cung làm thái tử phi
Văn Đức Phu Nhân là tước hiệu được phong sau này, còn tên thật của bà là gì thì không sách nào chép lại. Bà vốn họ Trần, là trưởng nữ của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, cháu nội của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (cũng tức là Trần Hưng Đạo). Như vậy, bà là một thành viên trong tôn thất nhà Trần.
Nhà Trần là triều đại duy nhất trong lịch sử Việt Nam thực hiện chế độ nội hôn, tức là cho người trong hoàng tộc hôn phối với nhau. Lệ bất thành văn này được thực hiện liên tục trong suốt gần 200 năm triều Trần. Có thể nêu ra vài trường hợp tiêu biểu như: Trần Thánh Tông (là cháu gọi Trần Liễu bằng bác ruột) lấy con gái Trần Liễu, rồi Trần Nhân Tông (con Trần Thánh Tông) lại lấy con gái của Trần Hưng Đạo (con trai Trần Liễu)…
Phia sau chuyen phe hau, lap phi khi Tran Anh Tong len ngoi
Ảnh minh họa vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Anh Tông.  
Mối nhân duyên đồng tộc giữa gia đình vua Trần với gia đình Trần Liễu còn tiếp diễn đến đời thứ ba. Năm 1292, khi Hoàng Tử trưởng là Trần Thuyên đã 16 tuổi, Trần Nhân Tông đã lập Trần Thuyên làm Hoàng Thái Tử. Việc thứ hai là phải chọn phi cho Thái Tử trong số con gái của người tôn thất. Lúc bấy giờ, con gái lớn của Trần Quốc Tảng đã đến tuổi cập kê, vẻ người cũng xinh xắn hiền dịu, vả lại, giữa hai gia đình có tình thông gia bền chặt, nên Trần Nhân Tông quyết chọn người con gái ấy làm Hoàng Thái Tử Phi. Gia đình Trần Quốc Tảng đương nhiên đồng ý. Hôn lễ được cử hành nhanh chóng và Văn Đức chính thức trở thành Thái Tử Phi triều Trần. Sách Đại Việt sử kí toàn thư thuật lại sự việc này như sau: “Tháng 3, ngày mồng 3 (năm Nhâm Thìn – 1292), lập Đông Cung Thái Tử Thuyên làm Hoàng Thái Tử. Lấy con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng làm vợ cho Thái Tử”.
Trở thành Thái Tử Phi là một chuyện trọng đại và vinh hạnh đối với Văn Đức cùng gia tộc. Khi Thái Tử nối ngôi thì Thái Tử Phi sẽ trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ (Hoàng Hậu). Trần Quốc Tảng sẽ trở thành ngoại thích của Hoàng Đế, uy thế và địa vị do đấy sẽ được nâng lên rất nhiều. Niềm vui của Văn Đức và gia đình càng lớn hơn khi một năm sau, Thái Tử đã được truyền ngôi.
Ngôi hậu cận kề bỗng chốc về tay em gái
Ngày mùng 9 tháng 3 năm Qúy Tị (1293), Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con trai để lên làm Thái Thượng Hoàng. Thái Tử Thuyên lên kế vị, tức là Hoàng Đế Trần Anh Tông (1293-1314). Thái Tử Phi ngay lập tức được phong là Văn Đức Phu Nhân. Địa vị của Phu Nhân thấp hơn Hoàng Hậu, nhưng với vợ cả của Hoàng Đế, từ Phu Nhân thăng lên Hoàng Hậu chỉ là chuyện một sớm một chiều. Trước đó, bà nội của Trần Anh Tông (tức là Hoàng Hậu của Trần Thánh Tông) cũng ở hoàn cảnh tương tự. Vì vậy, Văn Đức Phu Nhân không cảm thấy lo lắng chút nào.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Một thời gian ngắn sau đó, Văn Đức bất ngờ bị phế. Ngôi Hoàng Hậu sắp đến tay bỗng trở nên xa vời đối với Văn Đức. Và người thay chỗ Văn Đức không phải ai xa lạ mà chính là em gái của Văn Đức. Cũng sách Đại Việt sử kí toàn thư đã xác nhận: Khi Trần Anh Tông nối ngôi, “phong cho Phi làm Văn Đức Phu Nhân, rồi lại phế đi, lấy em gái của Văn Đức làm Thánh Tư Phu Nhân”. Chính sử chỉ chép sự việc ngắn gọn như thế mà không cho biết nguyên nhân. Vậy rốt cuộc vì sao Văn Đức bị phế? Có uẩn khúc gì trong chuyện này chăng?
Đại Việt sử kí toàn thư cho biết thêm: Thánh Tư Phu Nhân được đưa vào cung thay chị năm 1293, nhưng mãi 16 năm sau, năm 1309, bà mới được phong làm Hoàng Hậu, hiệu là Thuận Thánh. Kết hợp chi tiết này với đoạn dẫn ở trên, chúng ta thấy có hai điểm nghi vấn trong cách hành xử của Hoàng Đế nhà Trần. Một là vì sao lấy em thay chị? Và hai là, vì sao phong Hoàng Hậu muộn? Hai điều này dường như liên quan mật thiết với nhau. Nếu có thể khám phá được điều ẩn sâu trong chúng, ta có thể bước đầu giải đáp được chuyện của Văn Đức.
Đối với vấn đề thứ nhất: vì sao lấy em gái thay chị? Khi phế Văn Đức, cha con Trần Anh Tông phải tìm chọn người khác thế chỗ. Nhưng lúc ấy, sức ảnh hưởng của gia tộc Trần Hưng Đạo – Trần Quốc Tảng trong triều rất lớn (cả nhà 5 cha con Trần Hưng Đạo đều mang tước Vương và đảm nhận những trọng trách của nhà nước. Họ lại được triều đình kính nể rất mực bởi những vũ công họ lập được trong hai cuộc vệ quốc chống Nguyên trước đó – năm 1285 và 1288). Đột ngột phế Văn Đức rồi lập một người con gái họ Trần khác sẽ khiến Trần Hưng Đạo phật lòng, không có lợi cho triều đình. Vả lại lúc ấy, em gái của Văn Đức cũng đã lớn và là người hiền đức dịu dàng. Có lẽ do suy nghĩ như vậy nên Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông đã quyết định phế Văn Đức mà như không phế, tức là lấy em gái của Văn Đức vào thay chỗ của chị. Điều này sẽ khiến Trần Hưng Đạo không thể nói gì.
Đối với vấn đề thứ hai: chuyện Thánh Tư được phong Hoàng Hậu muộn. Các Hoàng Đế nhà Trần trước Anh Tông khi lên ngôi đều lập ngay Hoàng Hậu. Vậy vì cớ gì mà Trần Anh Tông phá vỡ thông lệ ấy? Có thể lí giải được vấn đề này nếu đặt sự việc trong mối quan hệ với thế lực của gia đình Trần Hưng Đạo. Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông không muốn lập ngay Thánh Tư làm Hoàng Hậu cũng bởi e ngại thế lực của gia đình Trần Hưng Đạo ngày càng lớn, sẽ khó bề khống chế (tuy bấy giờ, họ không có biểu hiện gì của sự lạm quyền, cậy công). Phải mấy năm sau khi Trần Hưng Đạo mất (Trần Hưng Đạo mất năm 1300) thì Thánh Tư mới được phong Hậu, bởi lúc ấy (thời điểm năm 1309), gia tộc Trần Hưng Đạo chỉ còn Trần Quốc Tảng là có sức ảnh hưởng đáng kể nhưng không thể so với Trần Hưng Đạo, mà Trần Quốc Tảng cũng đã già yếu (ông mất năm 1313).
Như vậy, nếu xâu chuỗi hai vấn đề nêu trên vào trong thái độ và ứng xử của các Hoàng Đế nhà Trần đối với gia tộc Trần Hưng Đạo, chúng ta có thể vén được bức màn che lấp chuyện Văn Đức bị phế. Phế Văn Đức, vua Trần ngầm tỏ rõ uy quyền của mình đối với bên thông gia và bá quan trong triều. Lập Thánh Tư nhưng chậm phong Hậu, vua Trần cũng tỏ rõ sự khôn khéo trong giữ tình hữu hảo và kìm chế sức ảnh hưởng của gia đình Trần Hưng Đạo.
Bất ngờ mất ngôi Hoàng Hậu khi nó đã cận kề, số phận của Văn Đức Phu Nhân về sau thế nào, sử sách không hề ghi chép. Với Văn Đức, vui buồn hoán đổi cho nhau thật mau lẹ, khó mà lường được. Trước sau, bà chỉ là một nạn nhân đáng thương trong tính toán của vua Trần mà thôi.
Thanh Tuyền

Bình luận(0)