Những cuộc “đổi mới” quan trọng trong lịch sử Việt Nam (2)

Google News

(Kiến Thức) - Cải cách của Trịnh Cương dù không sâu rộng nhưng rất đặc biệt. Đó là cuộc cải cách tài chính duy nhất trong suốt thời kỳ Cổ-Trung đại của sử Việt.

Vua Lê Thánh Tông cải tổ tận gốc rễ thể chế

Trong thời đại trị vì của mình, vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam với cuộc cải cách toàn diện thiết chế chính trị - xã hội nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh.

Về phân cấp đơn vị hành chính, vào các thời kỳ trước đất nước còn chia thành “trấn, lộ, phủ, huyện, châu...” thì đến Lê Thánh Tông các đơn vị lộ, trấn được bãi bỏ, qua đó giảm nhẹ được sự cồng kềnh của bộ máy quản lý.

 Tượng vua Lê Thánh Tông.

Nhằm nâng cao quyền lực nhà vua, xây dựng nên bộ máy hành chính có hiệu lực, hạn chế đến mức thấp nhất sự phân quyền và sự lộng hành của các công thần, vua Lê Thánh Tông cho bãi bỏ ngay chức tể tướng, cùng các chức tả, hữu tướng quốc, bộc xạ, đại hành khiển... Đồng thời đặt ra 6 bộ, mỗi bộ do một thượng thư đứng đầu. Ngoài 6 bộ còn có các viện, các, giám, đài, ty coi sóc các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật... Qua đó một cơ chế nhà nước pháp quyền đã hình thành, tạo cơ sở cho cải cách trên các phương diện khác.

Về giáo dục, nhờ cải cách chế độ khoa cử nên trong 30 năm vua Lê Thánh Tông cai trị, triều đình đã chọn được 501 tiến sĩ trong đó có 10 trạng nguyên, mà nhiều người có tài năng đã cống hiến nhiều cho đất nước. Để không bỏ sót nhân tài, nhà vua còn quy định: "Lục bộ, lục khoa, ngự sử đài mà tiến cử bậy thì chịu tội giáng hay bãi chức, nếu tiến cử được người giỏi thì nhất định sẽ được khen thưởng".

Về luật pháp, nhà vua đã cho ban hành Bộ luật Hồng Đức còn gọi là Quốc triều hình luật, một bước tiến lớn của nền pháp trị phong kiến Việt Nam mà cho đến nay các nhà luật học thế giới còn đánh giá cao.

Nhìn chung, cuộc cải cách của vua Lê Thánh Tông đã đem lại sự thịnh trị cho nhà Lê cũng như để lại cho ngày nay nhiều bài học quý giá.

8 năm tỏa sáng của Đào Duy Từ

Đào Duy Từ (1572-1634) là nhà văn hóa, nhà quân sự và danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trong thời gian làm quan, ông đã thể hiện tài trí của mình qua các cuộc cải cách trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, Đào Duy Từ vừa khuyến khích phát triển công, thương, vừa cải tiến thu chi tài chính bằng các biện pháp cụ thể như giảm thuế thu bằng hiện vật, tăng thu thuế bằng tiền, bãi bỏ lệnh độc quyền của triều đình thu mua các sản vật công, nông nghiệp để nhân dân có thể tự do mua, bán với thương nhân trong và ngoài nước.

Các biện pháp này đã thúc đẩy sự phát triển của nền công, nông nghiệp và nội, ngoại thương. Trên cơ sở đó nhà nước tăng thu thuế khóa bảo đảm cho sự vận hành của thiết chế chính trị và quân sự.

Về giáo dục, tuy vẫn tuyển chọn nhân tài qua khoa cử, nhưng Đào Duy Từ thể hiện sự coi trọng ứng dụng thực tế bên cạnh việc thi văn sách truyền thống.

 Di tích Lũy Thầy ở Quảng Bình, một công trình quân sự độc đáo mang dấu ấn của Đào Duy Từ.

Về văn hóa, Đào Duy Từ coi trọng phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian, đặc biệt là nghệ thuật tuồng. Bản thân ông cũng trở thành một trong những vị tổ sư của ngành hát tuồng, đồng thời còn là một nhà thơ mở đầu cho trào lưu sáng tác thơ quốc âm ở Đàng Trong, làm phong phú thêm cho văn học dân tộc.

Lĩnh vực quân sự ghi nhận nhiều đóng góp quan trọng của Đào Duy Từ. Trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Trần Hưng Đạo trong cuốn Binh thư yếu lược, ông còn bổ sung thêm nhiều yếu tố mới như làm sâu hơn tư tưởng lấy nhân nghĩa làm đầu, cập nhật các kỹ thuật quân sự mới mà thời trước chưa có, đề cao trí tuệ dân gian trong các ứng dụng quân sự. Không dừng lại ở lý thuyết, Đào Duy Từ còn giúp chúa Nguyễn đẩy mạnh cải tiến vũ khí, xây thành đắp lũy.

Dù chỉ làm quan trong 8 năm, nhưng các cải cách do ông khởi xướng đã giúp chúa Nguyễn có một cơ sở xã hội vững chắc và một quân đội hùng mạnh.

Cuộc cải cách “độc nhất vô nhị” của chúa Trịnh Cương

Cải cách của chúa Trịnh Cương (1716-1729) dù không sâu rộng nhưng lại hết sức đặc biệt, vì đó là cuộc cải cách tài chính duy nhất trong suốt thời kỳ Cổ đại và Trung đại của lịch sử Việt Nam.

Cuộc cải cách được tiến hành trong bối cảnh đất nước mới trải qua thời kỳ nội chiến kéo dài hơn 1 thế kỷ với những hậu quả kinh tế nặng nề, khiến đời sống của nhân dân cơ cực. Cải cách tài chính trở thành chìa khóa để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước hết, chúa Trịnh Cương đã cho thực hiện "Biến pháp" gồm 10 điều nhằm chỉnh đốn kỷ cương phép nước và 2 biện pháp quản lý kinh tế lớn. Hai biện pháp đó là định lại thể lệ quân cấp công điền và cấm quan viên chiếm hữu đất trái phép, cấp đất và khuyến khích dân phiêu tán khẩn hoang.

Sau 7 năm thực hiện các biện pháp trên, cuộc cải cách tài chính mới bắt đầu, gồm 10 hạng mục:

1. Xóa bỏ phép binh lệ, làm lại sổ hộ, bỏ tên người đã chết, thêm số người đến tuổi vào sổ hộ để chịu thuế.

2. Định phép chia đều thuế khóa và tạp dịch cho cả dinh và điền.

3. Đánh thuế ruộng tư.

4. Thu thuế khai thác và tiêu thụ đồng, quế, muối.

5. Giảm bớt viên chức để giảm bớt chi lương bổng.

6. Thi hành phép đánh thuế tô (thuế ruộng), dung (thuế thân), điệu (thuế sai dịch).

7. Đặt thêm sở tuần ty ở các trấn để tận thu thuế thương nghiệp.

8. Thu thuế các loại thổ sản khác.

9. Thu thuế đất ở đô thị.

10. Định ra các thể lệ giảm, miễn thuế...

Ngoài ra, chúa Trịnh Cương còn thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho cải cách như cấm uống rượu, tiến hành đán, phê bình quan lại địa phượng, cho phép dân nói về việc xấu của quan lại…

Cải cách tài chính của chúa Trịnh Cương đã tạm thời giải quyết được khó khăn về kinh tế, người nông dân có cuộc sống no đủ hơn. Tuy vậy, cuộc cải cách này nhìn chung vẫn chưa giải quyết được tận gốc của các mâu thuẫn cơ bản và cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội. Sau cái chết đột ngột của Trịnh Cương, quyền lực của họ Trịnh dẫn dần suy yếu và đi đến chỗ tiêu vong.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Hoàng Phương

Bình luận(0)