Những chuyện linh dị trong cuộc đời thiền sư Thủy Nguyệt

Google News

(Kiến Thức) - Các thiền sư đắc đạo thường có những khả năng thần thông nhất định và thiền sư Thủy Nguyệt – tổ đời thứ 36 tông Tào Động cũng như vậy.

Mời độc giả xem video: Nhà sư Thiếu Lâm luyện thiết đầu công như thế nào?
Vượt đường xa cầu đạo
Thiền sư Thủy Nguyệt là vị tổ đầu tiên của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam. Phái thiền Tào Động là do sư đi du học Trung Quốc mang về. So vào thế hệ truyền pháp của dòng Tào Động thì ngài là đời thứ 36.
Về lai lịch của sư, sách "Việt Nam Phật giáo sử luận" cho biết: Thiền sư Thủy Nguyệt sinh năm 1636, vốn tên là Đăng Giáp, quê ở làng Thanh Triều, Hưng Nhân, Thái Bình. Sư cùng với 2 đệ tử rời Đại Việt năm 1664 để sang Hồ Châu - Trung Quốc du phương học hỏi trong 3 năm. Đến năm 1667, sư trở về cư trú tại chùa Vọng Lão ở núi An Sơn, huyện Đông Triều, Hải Dương.
Tuy vậy theo Hòa thượng Thích Thanh Từ trong sách "91 thiền sư Việt Nam" thì sư Thủy Nguyệt sinh năm 1637, con nhà họ Đặng. Thuở nhỏ sư được học theo Nho giáo và năm 18 tuổi thi đậu Cống cử tứ trường. Hai năm sau, vì chán cảnh đời bèo bọt nên ngài bỏ nghiệp Nho đến chùa xã Hỗ Đội, huyện Thụy Anh xin xuất gia học đạo. Ở đây sáu năm học các kinh sách nhưng sư chưa thỏa mãn nên xin phép thầy đi du phương tham vấn.
Ảnh minh họa. 
Đi tham vấn hết các bậc tôn túc trong nước, mà tâm chưa sáng đạo. Lần lượt đã 28 tuổi đầu, sư quyết chí sang Trung Quốc tầm học. Tháng 3 năm Giáp Thìn (1664) niên hiệu Cảnh Trị triều Lê, Sư cùng hai đệ tử lên đường sang Trung Quốc.
Trên đường đi rất vất vả nhọc nhằn, vừa tới tỉnh Cao Bằng thì một người đệ tử mắc bệnh nặng, thuốc thang không khỏi phải chết. Sư chôn cất bên vệ đường và dặn rằng: “Nay ngươi sức mỏi không thể theo ta được, thôi tạm nghỉ nơi đây, khi ta ngộ đạo trở về sẽ tế độ cho ngươi.” Từ đây chỉ còn hai thầy trò vai mang bình bát chẳng quản ngại đường sá xa xôi, hăm hở tiến tới với tấm lòng vui với đạo.
Được thần nhân chỉ điểm
Năm 1665 sư và học trò đến đất Hồ Châu cũ, bèn lội lặn đến thăm các chùa danh tiếng mà túc duyên chẳng hợp. Đang lúc băn khoăn trong lòng, không biết phải tìm đến đâu thì một hôm sư lên núi nằm nghỉ trên tảng đá lớn, bỗng mộng thấy một cụ già khí sắc trang nghiêm, tinh thần thanh sảng, đi đến trước ngâm rằng:
Điểu hoàng phong hạ lưỡng miên man
Ly khảm gia phu hữu túc duyên
Tảo thoát dục thinh vô thượng khúc
Đãng nhai đảnh lễ yết tôn nhan.
Tỉnh dậy, sư đem việc này bàn với người cùng đi rằng: Ở trong câu phía trên chữ Phong có chữ Điểu chữ Hoàng, tức là Phượng Hoàng; câu giữa có chữ Ly chữ Khảm, Ly là hỏa thuộc về Nam, Khảm là thủy thuộc về Bắc, tức là Nam Bắc. Câu kết có chữ Đãng Nhai, chữ Nhai hai chữ Thổ chồng lên nhau, thêm chữ Thạch ở giữa Đãng, tức là núi cao. Đây đúng là thần nhân báo cho ta biết ta có duyên với núi Phụng Hoàng cao, muốn nghe tiếng pháp vô thượng phải lên núi ấy đảnh lễ bậc tôn túc.
Đoán xong, sư cùng đồ đệ lại mang hành lý đi tìm các nơi hỏi thăm núi Phụng Hoàng, quanh quẩn mất hơn một tháng mới tới núi Phụng Hoàng. Ở đây chùa điện nguy nga, núi cao chót vót, tưởng chừng như núi Linh Thứu khi xưa hiển hiện nơi đây.
Tìm đến được núi Phụng Hoàng, sư còn mất mấy tháng nữa ở ngoài cổng chùa để học tiếng sau đó mới được gặp Hòa thượng Nhất Cú Tri Giáo là tổ sư đời thứ 35 tông Tào Động. Qua lần đầu vấn đáp, thiền sư Tri Giáo đã nhận thấy sư Thủy Nguyệt là hàng thượng căn nên cho phép cùng dự vào hàng chúng tăng trong chùa để nghiên cứu. Mấy năm sau, hòa thượng Tri Giáo gọi sư lên hỏi đã thấy tánh chưa? Sư trình chỗ kiến giải của mình và được Hòa thượng ấn chứng rồi cho hiệu là Thông Giác Đạo Nam và bảo trở về nước hoằng đạo.
Những giai thoại linh ứng
Sau khi được pháp, sư Thủy Nguyệt lại cùng đệ tử trở về nước. Đi bộ mất mấy tháng mới về tới Cao Bằng. Hai thầy trò liền đi vào đường cũ ghé lại mộ người đệ tử đã mất lúc trước. Thầy trò dựng tạm lều cỏ, lập bàn Phật tụng kinh siêu độ. Được 3 ngày thì bỗng nhiên trên mộ mọc một hoa sen.
Lúc đó nhân dân ở quanh vùng thấy điều lạ đua nhau đến xem. Nhiều người phát tâm thỉnh sư cúng dường trai phạn, hoặc cầu xin qui y thọ giới. Sau đó sư về Côn Sơn, đi khắp các danh thắng để tìm người khế hợp truyền pháp.
Sau tới Đông Sơn ở huyện Đông Triều, gặp một vị cao tăng trụ trì trên Thượng Long nên sư dừng ở Hạ Long để khuông đồ lãnh chúng. Từ đó sư thường lên núi Thượng Long đàm đạo với vị cao tăng này.
 Chùa Nhẫm Dương, nơi thiền sư Thủy Nguyệt từng hoằng hóa. Ảnh: Vietnamnet.
Một thời gian, sư lên Thượng Long nói với vị cao tăng kia rằng: “Nay tuổi của tôi đã già, năm tháng dài lâu, nay là thời thanh bình an ổn, tôi muốn cùng Thầy lên núi nhập Niết-bàn.” Vị tăng trả lời: “Đạo quả của huynh nay đã chín muồi xin hãy về nghỉ ngơi trước, tôi còn ở lại cõi đời để độ những kẻ có duyên, đến khi đạo quả viên thành, tôi sẽ cùng theo huynh chẳng muộn”. Chiều hôm ấy, Sư trở về chùa, cho gọi đệ tử là sư Tông Diễn đến nói kệ truyền pháp và bảo đại chúng rằng: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương nếu bảy ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”.
Các hàng đệ tử tín chúng bùi ngùi mà không dám theo. Đợi đúng bảy ngày không thấy sư trở về, tứ chúng cùng nhau kéo lên núi Nhẫm Dương nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, mọi người tìm đến một cái hang thấy sư ngồi kiết già trên tảng đá trong hang. Thân thể sư mềm mại, xông ra mùi thơm giống hương trầm bạch đàn. Bấy giờ là ngày 6 tháng 3 năm Giáp Thìn, niên hiệu Chính Hòa thứ hai mươi, đời vua Lê Hy Tông (1704), sư thọ 68 tuổi. Tứ chúng thỉnh nhục thân sư về hỏa táng chia linh cốt thờ hai nơi, một ở chùa Hạ Long, một ở hang núi Nhẫm.
Nam Khánh

Bình luận(0)