Ly kỳ chuyện làm sang của cặp vợ chồng thương nhân Thăng Long xưa

Google News

(Kiến Thức) - Một cặp vợ chồng thương nhân Thăng Long họ Trần ở thế kỷ XVIII đã có quá trình trở nên quyền quý vô cùng ly kỳ, gian nan và hao tốn tiền của, tâm lực. 

Ở chuyện “Mượn tiếng tìm sách thuốc để cầu con” trong tác phẩm viết bằng chữ Hán có nhan đề Bà Tâm Huyền Kính Lục, tác giả Trần Tân Gia đã kể lại quá trình trở nên sang giàu, quyền quý của một cặp vợ chồng thương nhân Thăng Long họ Trần (Hà Nội) vào thế kỉ XVIII. Đó là quá trình dài lâu và hao tiền tốn của, với một cách thức thực hiện thuộc vào hàng độc đáo xưa nay hiếm, khiến cho bất cứ ai biết chuyện cũng đều ngỡ ngàng thán phục.
Theo lời kể của Trần Tân Gia, vợ chồng họ Trần sống dưới thời Hoàng Đế Lê Hiển Tông (1740-1786), xuất thân từ gia đình thương nhân chuyên nghiệp, định cư và hành nghề tại phố Hàng Bồ thuộc kinh đô Thăng Long. Kinh đô Thăng Long trong hai thế kỉ XVII-XVIII là một trung tâm thương mại sầm uất, hoạt động nội thương và ngoại thương đều phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Người người đua nhau đến với nghề buôn, những thương nhân giàu có nối nhau xuất hiện đã là một hiện tượng có thể thấy rõ ràng. Tổ tiên của họ Trần nhờ biết làm ăn tích lũy nên đã để lại cho con cháu một gia sản đáng kể. Thừa kế sản nghiệp của ông cha, vợ chồng họ Trần vẫn tiếp tục duy trì nghiệp buôn bán ngay tại đất kinh thành.
Ly ky chuyen lam sang cua cap vo chong thuong nhan Thang Long xua
Cảnh sinh hoạt của giới thượng lưu Thăng Long thế kỉ XVII-XVIII (Tranh cổ Việt Nam). 
Thuở ấy, thương nhân xuất hiện ngày càng nhiều và có thế lực kinh tế khá lớn nhưng họ không phải là những người được xã hội xem trọng. Tâm lí trọng nông khinh thương, xem thương nhân là những kẻ buôn gian bán lận, chuyên lừa gạt người khác để kiếm lợi bất chính đã ăn sâu bám rễ trong nhận thức của người đương thời. Bởi thế, các thương nhân đương thời nói chung và vợ chồng thương nhân họ Trần nói riêng dẫu có nhiều tiền lắm của nhưng lúc nào cũng canh cánh một nỗi bận tâm trong lòng. Họ trăn trở tìm cách hoá giải thành kiến của xã hội đối với họ và đau đáu tìm phương kế để trở nên sang-giàu song hành, nghĩa là vừa giàu có vừa có địa vị xã hội, được mọi người trọng vọng.
Trong quá trình tìm kiếm địa vị xã hội cao hơn thân phận thương nhân ấy, nhiều người làm nghề buôn bán đã bằng mọi cách để xâm nhập vào hàng ngũ quan lại – tầng lớp có địa vị cao quý, được toàn thể dân chúng tôn kính. Nhiều thương nhân Thăng Long đã chọn cách kết hôn với những người vừa đỗ đạt công danh. Họ làm thế vừa khiến bản thân được cao quý vì đã là thân thích của quan tân khoa, cũng vừa trở thành chỗ dựa kinh tế cho những người mới đỗ đạt để người này yên tâm tiến bước trên quan trường, từ đó lại khiến cho các thương nhân có điều kiện khẳng định được vị thế của bản thân. Tuy nhiên, cách thức này có lúc đã làm hại họ, khiến họ phải ngậm đắng nuốt cay. Một trong những chuyện cười ra nước mắt ấy đã được Phạm Đình Hổ thuật lại sinh động trong chuyện Mẹo lừa (Vũ Trung tùy bút).
Quan sát thế sự đang diễn ra, vợ chồng thương nhân họ Trần cũng thấy rằng, cách tốt nhất để họ có thể thay đổi thân phận là phải chuyển hóa vào đội ngũ quan lại. Họ đồng ý dùng hôn nhân để thực hiện điều ấy nhưng lại không muốn chuốc lấy đắng cay tủi hổ như một số thương nhân đã gặp phải. Tuy nhiên, tại thời điểm bàn tính với nhau, hai vợ chồng chưa có con cái thì biết làm thế nào để kết thân với giới quan chức? Hai vợ chồng sau khi bàn bạc kĩ càng, đã chọn được một giải pháp hoàn mĩ, vừa có thể tránh được rủi ro vừa đảm bảo sự vinh hiển của họ trong tương lai. Chỉ có điều, cách thức ấy vô cùng mất thời gian và phải được tiến hành một cách bền bỉ, công phu.
Thực hiện bước thứ nhất của kế hoạch dài hơi, hai vợ chồng đã chọn những thiếu nữ trắng trẻo, xinh đẹp để nhận làm con nuôi. Họ chọn được 17 cô gái tuổi chừng 16, 17. Các cô gái được bố trí cho ở phòng riêng, ban ngày thì buôn bán cho gia đình, đến đêm lại về chuyên tâm săn sóc cơ thể.
Sau đó, hai vợ chồng bỏ ra một số tiền lớn để thu mua những sách y học quý lạ ở khắp nơi, đem về tích trữ trong nhà. Xong xuôi, họ loan tin rằng tổ tiên họ Trần có để lại nhiều pho sách thuốc quý nhưng họ xem không hiểu, những mong các bậc tài cao hiểu rộng có thể chỉ bảo giúp cho. Tin tức truyền nhanh, nhiều văn nhân nho sĩ cùng những người am hiểu thi thư đã tìm đến tư gia họ Trần. Vợ chồng họ Trần tiếp đãi cơm rượu tử tế rồi lưu người ấy lại trong nhà, đến đêm sai gia nhân dẫn người ấy vào phòng của một cô con nuôi để nghỉ ngơi…
Sau nhiều trường hợp như thế, các cô con nuôi mang thai. Hai vợ chồng chăm sóc các con cẩn thận, chờ đến ngày họ chuyển dạ. Các cô con gái lần lượt hạ sinh những đứa bé khỏe mạnh, dễ thương. Vợ chồng họ Trần vô cùng mừng rỡ vì bước thứ nhất của kế hoạch đã thành công mĩ mãn. Họ lại tiếp tục nuôi dưỡng những đứa trẻ ấy, khởi đầu cho bước thứ hai cũng là bước cuối cùng quyết định đến hậu vận của họ.
Những đứa trẻ vừa trai vừa gái được di truyền sự thông minh của cha, vẻ xinh xắn của mẹ nên rất kháu khỉnh, đáng yêu và sáng dạ. Chúng được nuôi nấng chu đáo và cho ăn học đàng hoàng. Kiên nhẫn nuôi dạy đám trẻ với tất cả trông mong hi vọng, vợ chồng họ Trần hài lòng chứng kiến sự khôn lớn hàng ngày của chúng: trai thì ham học hiếu nghĩa, gái thì đài các dịu dàng. Bao nhiêu tâm huyết lao lực mà vợ chồng họ bỏ ra đang dần kết thành hoa thơm quả ngọt, chờ ngày báo đáp cho họ.
Gặp khi triều Lê tổ chức khoa thi, vợ chồng cho các con trai đi ứng thí. Không phụ sự kì vọng, họ đều đỗ đạt và được bổ dụng làm quan. Còn các con gái cũng được những gia đình quyền quý sai mối lái đến dạm hỏi, mong sớm đón về làm dâu. Như thế, từ chỗ chỉ là thương gia bình thường, vợ chồng họ Trần đã tiến một bước lớn, trở thành người thân của các quan tân khoa và thông gia với những nhà quyền thế. Về sau, họ lại được triều đình ban quan tước theo lệ con cháu làm quan, ông cha được vinh phong. Từ đó trở đi, vợ chồng họ vui hưởng giàu sang, tôn quý cho đến hết đời.
Ước mong gia nhập vào giới quan chức để được hưởng quý hiển dài lâu và được người đời nể trọng, vợ chồng thương nhân họ Trần đã sử dụng cách thức tiến thân phi thường hiếm có. Lối tiến thân độc đáo đến lạ kì ấy đã phát huy hiệu quả không ngờ, khiến khổ công của họ được đền đáp xứng đáng và cuộc sống về sau được bảo đảm chắc chắn. Tìm kiếm lợi nhuận là đặc tính chung của mọi thương nhân và vợ chồng thương nhân họ Trần đã mưu tính sâu xa để đạt được mối lợi bền vững dài lâu. Đó là điều cao minh của họ, khó có thương nhân nào sánh kịp.
Thanh Tuyền

Bình luận(0)