Chuyện ngạo nghễ, ngang tàng của Nguyễn Công Trứ

Google News

(Kiến Thức) - Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất của VN cuối thế kỷ XVIII nửa đầu XIX. Ông là người chí khí, thanh liêm nhưng cũng rất ngang tàng, ngạo nghễ, cuộc sống thăng trầm. 

Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Ông là một trí thức có tài, có trí, khao khát sự nghiệp công danh, làm quan nhiều lần bị thăng giáng nhưng vẫn trung thành phục vụ triều Nguyễn. Ông sống thanh bần, thích tự do, phóng túng và thái độ rất ngang tàng, ngạo nghễ ở đời.
41 tuổi mới ra làm quan
Nguyễn Công Trứ tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu Hy Văn; sinh ngày mồng một tháng mười một năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39, tức ngày 19/12/1778; quê làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh tại Địa Linh, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Ông là danh thần triều Nguyễn, nhà quân sự, kinh tế và là nhà thơ lỗi lạc đầu thế kỷ XIX. 
Chuyen ngao nghe, ngang tang cua Nguyen Cong Tru
Tái hiện danh nhân Nguyễn Công Trứ trên sân khấu. 
Cha Nguyễn Công Trứ là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm 24 tuổi, làm giáo thụ phủ Anh Sơn, Nghệ An, sau thăng Tri huyện Quỳnh Côi, rồi Tri phủ Tiên Hưng, Thái Bình. Khi Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Công Tấn xướng nghĩa Cần Vương chống lại không thành, bèn đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Mấy lần Nguyễn Huệ mời ra làm quan, Nguyễn Công Tấn đều từ chối. Mẹ Nguyễn Công Trứ là con gái quan quản Nội thị Cảnh nhạc bá, họ Nguyễn, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc tỉnh Sơn Nam nay thuộc Hà Nội.
Sống trong cảnh nghèo khó, nhưng ngay từ thuở hàn vi, Nguyễn Công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh sự nghiệp nên đã hăm hở đi học và đi thi. Ông quan niệm: “Làm trai đứng ở trong trời đất - Phải có danh gì với núi sông”. Tuy nhiên năm 1813, ông đỗ sinh đồ, nhưng phải đến năm 1819, mới đỗ giải nguyên và được bổ làm quan; lúc này ông đã 41 tuổi.
5 lần bị giáng chức
Thời kỳ làm quan cũng là thời kỳ đầy sóng gió của Nguyễn Công Trứ. Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ quân sự, kinh tế đến thi ca. Ban đầu được bổ làm Hành tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó liên tiếp giữ các chức Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823); ít lâu sau, vào Kinh thành Huế, dạy học ở Quốc Tử Giám (1824), được phong Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Tham hiệp trấn Thanh Hóa (1825), Thị lang bộ Hình (1826). 
Năm 1828 ông được thăng Hữu tham tri bộ Hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Năm 1832 ông được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri bộ Binh, giữ chức Tổng đốc Hải An. Sau nhiều thăng giáng, năm 1845, Nguyễn Công Trứ làm chủ sự bộ Hình, năm sau làm quyền án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên; năm 1847, thăng làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, ông tròn bảy mươi tuổi ta, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông được về hưu hẳn.
Cuộc đời Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm, 28 năm làm quan, Nguyễn Công Trứ được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; nhưng cũng nhiều lần bị giáng phát, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841, bị kết án trảm hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú. Tổng cộng ông bị giáng chức và cách chức đến năm lần, nhưng lúc nào Nguyễn Công Trứ cũng vẫn giữ được chí khí, sống thanh liêm, ngay thẳng. 
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

>> xem thêm

Bình luận(0)