Bốn chiêu hối lộ rúng động lịch sử phong kiến Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Chiến thắng nhờ hối lộ, thậm chí xưng đế cũng nhờ hối lộ... là những quái chiêu đút lót làm rúng động lịch sử phong kiến Trung Quốc một thời. 

Trong giai đoạn triều chính loạn lạc, mua quan bán chức bỗng trở nên công khai. Đút lót, ăn hối lộ trở thành trào lưu của xã hội trong một số triều đại phong kiến Trung Quốc. Việc đút lót, ăn hối lộ phần lớn là những giao dịch quyền lực và tiền bạc. Có một số kiểu đút lót và ăn hối hộ thịnh hành trong xã hội cổ đại Trung Quốc sau. 
Chiến thắng nhờ hối lộ 
Trong “Tư chế thông giám” đã từng ghi chép rắng cuộc khởi nghĩa Hoàng Sào giành thắng lợi là nhờ hối lộ. Thời đó, Đường Hỉ Tông đang tại vị. Do bỏ bê triều chính, bá tính sống cảnh lầm than nên đâu đâu cũng oán thán. Hoàng Sào là cuộc khởi nghĩa của nhân dân nhằm chống lại triều đình. Nhưng lúc này, quân khởi nghĩa Hoàng Sào đóng ở Tín Châu đang bị bệnh dịch hoành hành. Số người tử vong vì dịch nhiều vô kể. Thực lực của quân khởi nghĩa suy yếu rõ rệt. Tinh thần của quân khởi nghĩa cũng lung lay. Trong lúc đó, quan quân Trương Lân đang truy đuổi rất sát. Tình thế vô cùng nguy hiểm. Để thoát khỏi tình trạng khó khăn trên, Hoàng Sào đã nghĩ ra kế hoãn binh.
Một mặt, ông ta sai người dùng vàng bạc mua chuộc Trương Lân - đại tướng quân nhà Đường. Mặt khác gửi thư đầu hàng tới Cao Biền thống soái quân đội nhà Đường. Ban đầu, Cao Biền không đồng ý nhưng nghĩ đi nghĩ lại vì tham của hối lộ nên định bụng cứ nhận rồi tìm cách diệt Hoàng Sào để tranh công đầu. Nghĩ thế Cao Biền đã chấp nhận thư đầu hàng của Hoàng Sào. 
Lúc này, binh mã trên mọi đường phố phiên trấn lục đục rút về phía Nam sông Tần để chuẩn bị hợp sức với Cao Biền vây đánh Hoàng Sào. Nhưng Cao Biền lo người khác tranh công bèn tấu lên triều đình rằng có thể tự đánh tan được Hoàng Sào trong một sớm một chiều mà không cần viện binh. Đường Hi Tông đã phê chuẩn tấu chương. 
Có được thời gian để chuẩn bị, dưỡng sức quân và củng cố lực lượng, khi biết triều đình không chi thêm viện binh nên Hoàng Sào đã tận dung cơ hội, tiến đến phía Bắc sông Tần cắt đứt liên lạc với Cao Biền và ra chiến thư. Cao Biền tức giận lệnh cho đại tướng quân Trương Lân nghênh trận. Thật không ngờ đội quân của Cao Biền đã bị Hoàng Sào đánh tan tác. Trương Lân chết trận. Quân khởi nghĩa Hoàng Sào đã giành chiến thắng.
Bon chieu hoi lo rung dong lich su phong kien Trung Quoc
Ảnh minh họa. 
Xưng đế nhờ hối lộ 
Theo “Tống sử kỉ sự bản mạt” có ghi chép, hoàng đế Lưu Dự đã dùng tiền đút lót để xưng đế. Lưu Dự khi còn niên thiếu, phẩm hạnh không đoan chính, đã từng làm “tam chích thủ”. Bắc Tống Tuyên Hòa năm thứ 6, quân đội Kim xâm lược phía Nam. Lúc này, Lưu Dự đang quản lý Tế Nam phủ. Khi quân đội nhà Kim đánh đến Tế Nam phủ cho người triệu hàng Lưu Dự. Lưu Dự thấy lợi vội quên nghĩa, bỏ mặc bách tính muôn dân một mình lén lút đầu hàng quân Kim. 
Năm sau, triều đình nhà Kim phái Lưu Dự đến quản lý Đông Bình phủ, bổ nhiệm làm an phủ sứ Kinh giao, Tần Nam … Nhận thấy đây là một cơ hội tốt có thể xưng đế một vùng, nhưng vì trên đầu là triều đình là Kim nên không thể tự quyết định, ông ta bèn sai con là Lưu Lân mang theo vàng bạc châu báu để đút lót Hoàn Nhan Xương Thát Lại tả giám quân, người có thực lực lớn nhất của nước Kim, khẩn cầu sự giúp đỡ lập ông ta làm hoàng đế dưới sự bao bọc của Kim quốc. Thát Lại sau khi nhận hối lộ lập tức giúp Lưu Dự toại nguyện. Lưu Dự được Kim quốc “sắc phong" làm hoàng đế nước “Đại Tề”.Vị “hoàng đế bù nhìn” này tại vị 8 năm.
Thái giám tham vàng làm dang dở một đời công chúa
Dưới triều Minh thời Vạn Lịch, công chúa Vĩnh Ninh em gái của Thần Tông hoàng đế Chu Dực Quân kén chồng. Lương Bang Thụy tử đệ phúc gia ở kinh thành đã được chọn làm phò mã. Ngày cử hành đại hôn lễ, Lương gia giăng đèn kết hoa, bày biện thịnh soạn làm náo động cả kinh sư. Khi hai người đang ở chỗ hành đại lễ thì xảy ra chuyện kinh động. Tự nhiên phò mã gia thở hổn hển rồi ngất lịm, máu mũi trào ra thấm đỏ cả bộ quần áo của tân lang. Tất cả quan khách sợ hãi tột độ. Lúc này một thái giám trong cung vô cùng bình tĩnh vội vàng bước ra nói rằng ngày hỉ mà nhuộm đỏ là điềm lành. Đây chính là đại phúc của phò mã và công chúa.
Lương Bang Thụy đã mắc bệnh lao. Bệnh tình rất nặng, bệnh đã ăn vào xương. Nhưng không hiểu vì sao người này lại được chọn làm phò mã. Hóa ra, vì Lương gia giàu có đã dùng tiền để mua thái giám Phùng Bảo. Cộng thêm sự ủng hộ đắc lực từ tể tướng Trương Cư Chính nên đã qua mặt được Từ Thánh hoàng thái hậu - mẹ đẻ của công chúa Vĩnh Ninh. 
Sau khi hôn lễ kết thúc, phò mã gia ốm liệt giường không dậy nổi được hơn một tháng thì chết. Công chúa Vĩnh Ninh đáng thương chưa hề được hưởng một phút giây vợ chồng thì đã phải để tang chồng sống kiếp quả phụ. Vài năm sau nàng cũng theo chồng. Điều đáng thương là đến chết nàng vẫn còn là một trinh nữ. Quả là bi kịch khi thái giám phát tài, công chúa trở thành vật hi sinh. Đây chính là bằng chứng về sự thối nát, vô nhân đạo. Vì hám lợi mà một đám người tham lam đã phá nát một đời công chúa.
Chuyên “trộm” của người, nuôi trộm trong nhà
Câu chuyện về quan tham và kẻ trộm. Truyện kể rằng, ở triều Thanh cách đây cả trăm năm, dưới thời hoàng đế Quang Tự, có một vị quân cơ đại thần vô cùng tham lam. Ông ta ăn đút lót, nhận hối lộ nhiều không kể xiết. Vàng bạc châu báu trong nhà lên đến hơn hàng ngàn hàng vạn lạng. Ông ta xây mật thất để cất giữ. Mỗi buổi thoái triều hồi phủ đều vào mật thất kiểm vàng, lòng vui mừng hoan hỉ. 
Nhưng một hôm sau khi kiểm kĩ thì thấy thiếu mất vài bao ước khoảng hơn một ngàn lạng thì tức giận vô cùng. Đây là mật thất chỉ có mình ông ta và lão bộc thân tín nhất trong nhà có thể vào được. Chắc chắn kẻ ăn trộm chính là lão bộc. Ông ta muốn truy hỏi ngay nhưng sợ bị lộ có mật thất nên nghĩ đi nghĩ lại bèn quyết định tạm thời để yên điều tra kĩ.
Một tháng trôi đi, một hôm chỉ còn lão bộc ở bên, quân cơ bèn sai ông ta lại dâng trà. Lão nô vì vội dâng trà nên khi bước đi đã làm rơi một chiếc chìa khóa. Quân cơ nhặt lên tra vào ổ thì mở được thùng đựng vàng bạc. Ông ta tức điên tiện tay đập vỡ cái điếu bát phỉ thúy để trên rồi sai gọi gia nhân bắt lão nô kia đưa giao cho quan phủ. Không ngờ lão nô bĩnh tĩnh đáp lại khiến cho quân cơ đại nhân tức nghẹn không nói được gì. “Đại nhân đừng nóng, chìa khóa thì đúng là do lão nô đánh. Nhưng vàng bạc của đại nhân đến từ đâu lão nô đều biết tường tận. Lão nô hầu hạ đại nhân bao nhiêu năm, thi thoảng có lấy vài thứ dùng cũng chả có gì là to tát. Nếu đại nhân giao lão nô cho quan phủ xử lý, lão cũng đành phải nhất nhất khai ra. Lão nô không thể giúp đại nhân giấu được mấy chuyện đâu. Đại nhân cứ suy nghĩ cho kĩ, không nên lỗ mãng kẻo lại ăn năn hối hận”. 
Quân cơ đại thần thấy những việc ăn đút lót xưa nay giờ bỗng bại lộ không những mất thanh danh mà có khi còn bị vạch tội, mất chức quan, tiền bạc lúc đấy cũng chả giữ được, tính mạng cũng bị đe dọa. Nghĩ vậy, ông ta dù tức hộc máu nhưng đành phải thả lão nô ra. Lão nô chắp tay hành lễ, thu dọn hành lý từ biệt đại nhân rồi lên đường.
Tuyết Mai (theo China)

Bình luận(0)