Ai soạn nên Quốc sử tục biên? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Tuy buổi triều chính có lúc thăng trầm, nhưng Nguyễn Hoàn vẫn được vua Lê - chúa Trịnh trọng dụng. Ông còn là người tham gia biên soạn bộ Quốc sử tục biên.

Là một đại thần của triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Hoàn đã cống hiến hết sức mình cho triều đình và cho xã hội lúc bấy giờ, được vua yêu chúa mến. 

Thầy dạy cho Thế tử

Nguyễn Hoàn, tự là Thích Đạo, sinh năm Quý Tỵ (1713) ở xứ Hàng Dầu, Kinh thành Thăng Long. Ông là con trai thứ hai của Nông quận công Nguyễn Hiệu. Nguyễn Hoàn sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm quan. Ngay từ nhỏ Nguyễn Hoàn đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, nhiều thày dạy khen là kỳ tài. Khoa thi năm Quý Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng thứ tư (1743) Nguyễn Hiệu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Tháng 2 năm Ất Sửu (1745), Trịnh Sâm, con trưởng của Ân Vương Trịnh Doanh (1740 - 1767) ra mở phủ riêng, đình thần sai Phủ doãn phủ Phụng Thiên là Dương Công Chú và Cấp sự trung Nguyễn Hoàn giữ chức Tả - Hữu tư giảng có trách nhiệm dạy văn, còn Tạo sĩ Nguyễn Đình Thạch là thầy dạy võ. 

Trong thời gian dạy học cho Thế tử, ý thức về việc mình đang phải đào tạo cho một người sau này nắm vận mệnh nước nhà nên Nguyễn Hoàn không bỏ lỡ các cơ hội mở rộng nhãn quan chính trị, rèn cặp về phép dùng người, phép điều hành đất nước... cho vị chúa tương lai của họ Trịnh.

Tranh minh họa. 

Được chúa tin cậy

Năm Mậu Thìn (1748), Nguyễn Hoàn được bổ làm Thiêm sai Phủ Liên có trách nhiệm giúp Bồi tụng trong việc khám xét, đàn hặc các vụ kiện tụng trong Phủ Liên. Năm Canh Ngọ (1750) khi bận đi dẹp loạn ở núi Ngọc Bội (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), Chúa Trịnh Doanh giao cho Nguyễn Hoàn trọng trách trông coi phủ chúa, đến năm 1752 chúa lại giao cho ông tham gia vào việc phúc khảo kỳ thi Hương năm đó.

Năm 1761, Nguyễn Hoàn được thăng làm Phủ doãn Phụng Thiên, rồi Đông các Đại học sĩ. Phủ doãn Phụng Thiên là chức quan đứng đầu của Phủ Phụng Thiên, tức kinh đô thời Lê. Chức vụ của Đông các thời Lê - Trịnh là: Phàm các bài chế, biểu, thơ, ca, văn thư đều phụng mệnh sửa chữa, cũng như sự bầu cử ở trong triều chưa được hợp đều làm tờ trình lên.

Năm Đinh Hợi (1767), Minh vương Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm vào hầu hạ ở cung Lạng Âm (nơi cư tang) nên đã giao cho Nguyễn Hoàn giữ Quốc phủ. Khi Trịnh Sâm nối ngôi, thăng và ban chức tước cho trăm quan, ông được thăng làm Tham tụng, phụng sự việc biên soạn Quốc sử. Khi Tĩnh Vương kế nối vương vị, Nguyễn Hoàn được thăng Hữu thị lang Bộ Binh, rồi Thượng thư Bộ Hình. Năm 1771, Nguyễn Hoàn được vào chầu kinh diên, lại kiêm Quốc Tử Giám. Khi làm quan, ông đặc biệt lưu tâm đến việc đào tạo nhân tài, luôn chú ý đến việc tu sửa nhà Thái học.

Đại Việt sử ký tục biên (1676 - 1789) ghi: "Lập bia Hạ mã ở cửa nhà Thái học. Ở cửa nhà Thái học có hồ lớn gọi là ao Bích Thuỷ. Trước kia người dân phố phần nhiều làm nhà ở dựa lưng về phía ao. Học quan xây bức tường bình phong để che xe ngựa. Đến khi ấy, Nguyễn Hoàn trông coi Quốc Tử Giám, chuyển phố xá đi mà mở rộng ra, trồng cây, lát đường, làm cho cảnh nhà Thái học được trang nghiêm. Nhà Thái học có bia Hạ mã bắt đầu từ đấy".

Năm 1777, Nguyễn Hoàn được thăng Thái phó, Quốc lão tham dự triều chính. Cũng năm đó ông được về trí sĩ, nhưng chỉ mấy tháng sau ông lại được gọi ra làm Tham tụng, Phụ quốc công thần. Năm 1786, khi Trịnh Tông bị bắt, Nguyễn Hoàn cáo quan về trí sĩ ở làng Đa Sĩ. Năm 1789, sau khi đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ vào Kinh thành Thăng Long và ra chiếu "chiêu hiền đãi sĩ" mời ông cùng một số nho sĩ ra yết kiến, ông viện cớ tuổi già sức yếu xin được nghỉ vui cảnh điền viên, lúc đó ông 77 tuổi. Năm Nhâm Tý, niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792), Nguyễn Hoàn mất tại làng Đa Sĩ, thọ 80 tuổi.

Trịnh Dương

Bình luận(0)