Giải mã “bảo bối” của thiếu nữ cổ đại trong kỳ “đèn đỏ”

Google News

(Kiến Thức) - Vào thời cổ đại, khi con người chưa phát minh ra thứ “thầm kín” dành riêng cho phái nữ, chị em đã nghĩ ra “bảo bối” độc đáo gì để đối phó với kỳ “đèn đỏ” hằng tháng? 

Trong xã hội nguyên thủy, vào mỗi kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ chỉ biết dùng cỏ khô, lá cây hoặc rong biển để xử lý vấn đề “đến tháng” của mình. Ở châu Phi, phái yếu cũng từng tận dụng các bó cỏ khô để làm băng vệ sinh. 

 

Điều kỳ diệu là người Ai Cập cổ đại có những bước tiến dài trong việc này. Thời đó, họ đã sáng tạo ra một loại “bảo bối” tương tự như tampone dùng trong kỳ “đèn đỏ” của phụ nữ hiện đại. Chỉ có điều, nguyên liệu tạo nên loại tampone đặc biệt này là sợi cói. 

 

Trong khi đó, người Hy Lạp cổ đại dùng vải bao quanh một chiếc que nhỏ để sử dụng. Đây là cách cải tiến tampone “made in Ai Cập” cực thông minh. 

Tới thời kỳ quá độ sang chế độ nô lệ, xã hội dần văn minh hơn. Lúc này, phụ nữ đã biết dùng vỏ cây hay da thú khâu thành quần áo lót để che đậy những phần nhạy cảm trên cơ thể mình. Tới kỳ “đèn đỏ”, họ lót thêm đồ khô để hút máu bẩn. Trong thời kỳ này, phái yếu còn biết dùng nước sạch để rửa ráy bộ phận sinh dục ngoài nhằm đảm bảo vệ sinh cá nhân. 

Trong xã hội phong kiến, con người dần phát minh ra tơ lụa, vải vóc và từ bỏ thói quen sử dụng vỏ cây, da thú làm quần áo. Cũng trong thời kỳ này, trước khi phát minh ra giấy, người phụ nữ dùng vải sạch khâu thành một chiếc túi nhỏ dài để sử dụng. Tới kỳ kinh, họ sẽ nhét tro sạch vào trong túi để dùng. Khi đã bẩn, tro sẽ được đổ đi, túi vải cũng được giặt sạch phơi khô để tái sử dụng. Trong trường hợp cấp bách, “khổ chủ” còn đem hong dưới lửa cho nhanh khô. 

 

Trong một số gia đình giàu có thời ấy, người ta còn chuẩn bị bông sạch để nhồi vào túi vệ sinh, nhưng do loại bông mới rất khó thấm nước nên tro vẫn được phái nữ thời ấy ưa dùng. 

Sau khi nhân loại phát minh ra giấy, các loại giấy bối dễ thấm nước đã được sử dụng vào mục đích trên. Người ta dùng trực tiếp giấy hoặc kẹp chúng vào giữa lớp túi để dùng. Một số gia đình dư giả tiền bạc thời ấy lại tận dụng giấy trắng làm túi vệ sinh, bởi loại giấy này ngoài đặc tính rất dai còn tương đối sạch, đảm bảo vệ sinh hơn nguyên liệu kể trên. Nhưng loại giấy này rất đắt đỏ, nên không phải gia đình nào cũng có thể mua dùng. 

 

Trong xã hội cổ đại, phụ nữ thường lấy chồng, sinh con từ rất sớm. Thông thường, khi dậy thì và xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, các thiếu nữ sẽ được người mai mối rồi rục rịch chuyện kết hôn. Tuy nhiên, việc chăm chút vệ sinh cá nhân vào mỗi kỳ kinh nguyệt chỉ phù hợp với những phụ nữ có gia cảnh giàu có. Với các cô gái thường dân, giải pháp tối ưu là phải tự tìm cách đối phó. Một số người dùng bông để nhét vào âm đạo nhằm ngăn máu kinh chảy ra ngoài. Thậm chí, có người cả đời chưa từng sử dụng túi vệ sinh. Vì vậy, thời kỳ mang bầu sinh nở luôn là quãng thời gian tuyệt vời với những phụ nữ có gia cảnh nghèo khó. Bởi khi này, họ không phải đau đầu tìm cách đối phó với chuyện “đèn đỏ”. 

 

Xã hội cổ đại bị bó buộc bởi những quan niệm truyền thống khắt khe. Vì vậy, túi vệ sinh rất hiếm khi được bày bán công khai ngoài chợ. Nếu có cũng chỉ là bán rong hoặc trong những cửa hàng bán son và bột màu. Vì vậy, loại “bảo bối” này hầu hết đều do “khổ chủ” “tự biên tự diễn” theo hình thức: lớn bảo bé, chị dạy em cách làm. Thậm chí, một số phụ nữ khéo tay còn thêu hoa văn lên trên mặt túi.

Về màu sắc, những loại vải màu xanh hoặc đen được chị em rất chuộng dùng. Một số ít người sử dụng vải thô màu trắng chưa nhuộm để khâu túi. Vải màu đỏ về cơ bản không được chọn dùng. Trong một số gia đình đế vương, đôi khi người ta sử dụng vải màu vàng, nhưng cơ bản mọi người vẫn thiên về sắc vải đen và xanh. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, phụ nữ xưa sẽ quyết định tần suất thay mới hoặc số lượng “bảo bối” chuẩn bị sẵn cho những lần sau. Thậm chí, vài người cả đời chỉ dùng duy nhất một chiếc trong mỗi kỳ “đến tháng”. 

 

Tới đầu thế kỷ 20, vải màn, vải xô dần trở thành “bảo bối” bất khả khuyết của người phụ nữ để giải quyết vấn đề hằng tháng. Thậm chí, trong những năm 1920, vải màn được bày bán công khai tại các cửa hàng bách hóa và quảng cáo trên tạp chí. Để cố định loại “bảo bối” này, người ta dùng kim băng để gài nó vào quần “chip” hoặc nối với dây thắt trên eo. 

Hiện nay, chỉ còn rất ít phụ nữ giữ thói quen dùng vải màn khi “đến tháng”. Băng vệ sinh xuất hiện và độc chiếm thị trường. Các loại băng vệ sinh hiện nay rất phong phú về chủng loại, hình dáng. Không chỉ đòi hỏi sự thoải mái, dễ chịu, thân thiện với môi trường khi sử dụng, nhiều khách hàng nữ còn yêu cầu cao về mặt thẩm mỹ với sản phẩm đặc biệt này. Đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế” khó tính, nhiều nhà sản xuất còn tung ra thị trường những loại băng vệ sinh có kiểu dáng độc đáo và tỏa hương…

Hải Dịu

Bình luận(0)