Phải nộp hết lương cho mẹ chồng suốt 10 năm nay

Google News

(Kiến Thức) - Đi làm 10 năm, tôi phải nộp hết lương cho mẹ chồng, chỉ được cầm ít đồng tiêu vặt. Tôi có nên xin bà giữ lại lương của mình?

Tôi và chồng tôi lấy nhau là do sự mai mối của mẹ chồng. Lúc đó bố tôi ốm rất nặng, kinh tế khó khăn, mẹ chồng tôi đã như phao cứu sinh của gia đình tôi, bố tôi từ cõi chết trở về cũng là nhờ bà. Chính vì vậy khi chúng tôi lấy nhau, bà là mẹ chồng, cũng là ân nhân, tôi vừa kính nể, vừa có phần sợ bà. Nói chung tôi cũng không có gì phải phàn nàn về bà, ngoại trừ một việc đó là bà nắm giữ kinh tế vợ chồng tôi. Chồng tôi vốn con nhà giàu, thời thanh niên từng nhiều lần chơi bời, tiêu xài hoang phí. 
Khi chúng tôi cưới, mẹ chồng tôi yêu cầu hằng tháng chúng tôi nộp hết lương cho mẹ chồng, chỉ được cầm lại chút ít tiêu vặt, mọi thứ vật dụng bà sẽ sắm cho đầy đủ, còn tiền lương bà ghi lại, cái gì cần chúng tôi chi thì bà lấy, còn lại mua vàng, sau này trả cho chúng tôi. Chúng tôi sống đầy đủ, không thiếu thốn thứ gì, tôi biết mẹ chồng tôi làm thế là giữ hộ chúng tôi tiền. Nhưng tôi thực sự thấy buồn khi 10 năm đi làm, tôi không hề có quyền với đồng tiền mình làm ra, mỗi khi muốn biếu bố mẹ, các em chút ít cũng không thể, vì ngại ngửa tay xin mẹ chồng. Tôi có nên nói với bà từ giờ chúng tôi sẽ giữ tiền lương của mình không? Làm vậy tình cảm giữa tôi và bà có sứt mẻ không? - Trần Thu Mai (Phú Thọ).
Phai nop het luong cho me chong suot 10 nam nay
 Ảnh minh họa.
Thu Mai thân, qua tâm sự của bạn Tri Giao thấy mẹ chồng bạn là người rất thương con nhưng khá "độc đoán", "gia trưởng", thích thể hiện vai trò thống lĩnh, lấn át trong gia đình. Với người mẹ chồng như vậy, nếu bạn đơn phương "chống" lại, tất yếu sẽ gặp thất bại. Trong hoàn cảnh này cần có "đồng minh" bạn ạ. Và người đầu tiên đó chính là chồng bạn. Hai vợ chồng bạn cần có sự hợp tác, cùng nhau thuyết phục mẹ. 
Điều quan trọng là phải đưa ra được lý do chính đáng với bà, ví dụ ước muốn sống tự lập, trưởng thành, muốn tự mình sắp xếp cuộc sống... Đặc biệt cần chứng minh cho bà thấy chồng bạn đã thay đổi, xa rời những thói xấu cũ thế nào. Có thể các bạn xin bà sống "thử nghiệm" như thế vài tháng, nếu ổn thì bà sẽ chấp thuận ý kiến của hai bạn. Trong trường hợp bà không đồng ý, thì hai vợ chồng bạn cần lôi kéo thêm "đồng minh", là những anh em, họ hàng... những người có "tiếng nói" với mẹ chồng bạn. 
Đã gọi là đấu tranh thì tất yếu không tránh khỏi được tổn thất, mối quan hệ mẹ con chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng nếu bạn có thiện ý và tấm lòng hiếu thảo, tình cảm vơi rồi lại đầy, không dễ sứt mẻ đâu.
Tri Giao

>> xem thêm

Bình luận(0)