Cách dùng nước mía phòng bệnh ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài tác dụng bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ chữa viêm đường tiết niệu, cao huyết áp, chảy máu chân răng..., nước mía còn có tác dụng phòng bệnh ung thư.

Cách dùng nuóc mía phòng bẹnh ung thu
 
Giữa những ngày hè nóng nực, đang trong cơn khát, được thư thả uống một cốc nước mía vàng tươi nguyên chất ướp lạnh không chỉ thấy thú vị sảng khoái mà còn giúp trị nhiều bệnh.
Thông thường, để có một cốc nước mía chính hiệu và chất lượng, người ta chọn chừng 250 - 500g mía tươi, thân mập, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, dùng máy ép lấy nước cốt, đem ướp lạnh hoặc cho thêm một chút nước đá xay và một vài giọt nước quất tươi rồi uống. 
Theo dinh dưỡng học hiện đại, thành phần hoá học của mía khá phong phú, cứ mỗi 100g mía có chứa 84g nước, 0,2g chất đạm, 0,5g chất béo, 12g chất đường và nhiều các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt... các vitamin như vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, vitamin D... Ngoài ra, còn có các axit hữu cơ và nhiều loại enzym. Trong đường mía có sucrose (chiếm 70 - 88% chất rắn hoà tan trong dịch mía), glucose và fructose. 
Theo dinh dưỡng học cổ truyền, mía được gọi là cam giá, vu giá, thử giá, can giá, vu giá... vị ngọt, tính lạnh, vào được hai kinh Vị và Phế, có công dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân nhuận táo, hoà trung hạ khí, lợi tiểu giải rượu, tiêu trừ mệt mỏi, trợ giúp tiêu hoá, thường được dùng để chữa các chứng trạng bệnh lý như môi khô miệng khát, tân dịch bất túc (bệnh lý sốt cao gây mất nước), tiểu tiện bất lợi, đại tiện táo kết, phản vị ẩu thổ (chứng nôn mửa, ăn vào thì bụng đầy chướng, sáng ăn chiều mửa, chiều ăn sáng mửa, mửa ra thức ăn không tiêu hoá), sốt cao phiền nhiệt...
Phòng bệnh ung thư: Cà rốt 100g, mía 500g, chanh quả 80g, nước chín để nguội vừa đủ. Cà rốt rửa sạch, cạo vỏ, thái miếng, đem hầm thật nhừ, đánh nhuyễn rồi dùng vải lọc lấy nước. Mía róc vỏ, chẻ nhỏ, dùng máy ép lấy nước. Hòa nước cà rốt và nước mía với nhau, vắt chanh, quấy đều rồi chia uống vài lần trong ngày. Dịch thể thu được có màu hồng vàng, mùi thơm vị ngọt, dùng làm nước giải khát và bổ dưỡng khá tốt. Theo các nhà dinh dưỡng học Trung Quốc, loại đồ uống này có tác dụng phòng chống ung thư.
Ho, nôn và ngộ độc rượu: Mía 200g, dưa hấu 500g đường phèn 20g. Dưa rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; mía róc vỏ, chẻ nhỏ. Hai thứ cho vào máy ép lấy nước, chế thêm đường phèn, uống hằng ngày. Công dụng của nước mía dưa hấu: Thanh nhiệt lợi niệu, làm khoẻ thận, chống nôn và giải độc rượu. Đây là một thứ nước giải khát rất tốt và hấp dẫn vì vừa thơm vừa ngọt mát, tốt cho những bệnh nhân bị các chứng bệnh như say rượu, ho và viêm hầu họng do phế âm hư, nôn và buồn nôn do bệnh lý dạ dày tá tràng, táo bón...
Viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu: Mía tươi 500g, 500g củ sen tươi. Mía gọt vỏ, ép lấy nước. Củ sen gọt vỏ, cắt thành lát tròn mỏng. Cho nước mía và củ sen vào máy xay sinh tố xay uống 3 lần mỗi ngày. Công dụng: Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, bí tiểu, tiểu từng giọt.
Trúng nắng, chảy máu chân răng: Cà chua 200g, mía 150g. Cà chua rửa sạch, thái miếng; mía róc vỏ, chặt nhỏ; hai thứ dùng máy ép lấy nước, chia uống vài lần trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt, có tác dụng kích thích tiêu hóa, phòng chống hữu hiệu tình trạng miệng khô, lưỡi nhiệt, trúng nắng, trúng nóng, chảy máu chân răng...
Cao huyết áp, viêm thận mạn tính: Mía 350g, mã thầy 200g, đường phèn 80g, cà rốt 200g. Mã thầy rửa sạch, gọt vỏ, ngâm nước muối một lát rồi lại rửa sạch. Mía róc vỏ, chặt khúc, ngâm qua nước muối. Cà rốt rửa sạch thái miếng. Tất cả cho vào nồi đun trong 30 phút với lượng nước vừa đủ, để nguội uống trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt hóa đàm, tiêu tích hóa thực, sinh tân chỉ khát, lợi niệu hạ áp, dùng rất tốt cho những người bị viêm đường tiết niệu, viêm họng, tiểu tiện bất lợi, viêm thận mạn tính, cao huyết áp, say rượu...
Lưu ý: Mía và nước mía là đồ ăn thức uống rất tốt nhưng nếu để quá lâu hoặc bảo quản trong điều kiện không thích hợp thì rất dễ là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc. Đặc biệt, mía tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên những người tỳ vị hư yếu, hay đầy bụng đi lỏng và những người mắc bệnh tiểu đường không nên uống nước mía.
BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

>> xem thêm

Bình luận(0)