Phẫu thuật khối u lành tính có thể gây chết người?

Google News

(Kiến Thức) - Phần lớn bệnh nhân phẫu thuật khối u lành tính thường thành công, bệnh tiến triển tốt. Nhưng một số người bệnh có thể gặp những rủi ro hoặc tác dụng phụ nặng không lường trước được.

Ngày 6/10/2015, bà Vũ Thị  Tám (ở xóm 6, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội) tới Bệnh viện U bướu Hà Nội khám và phẫu thuật khối u lành tính
Bà Tám đã được các bác sĩ thăm khám hai lần và kết luận bà có một khối u lành tính ở mông
Để chữa trị khối u này, có thể can thiệp bằng cách tiểu phẫu bịt mạch máu không cung cấp nguồn sống của khối u. Bà Tám cũng được lên lịch tiểu phẫu vào 13h30 cùng ngày. Tuy nhiên, sau đó bà Tám đã tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, bệnh viện và các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân này. 
Thực tế, phẫu thuật khối u là phương pháp rất hiệu quả để chữa bệnh và có tỉ lệ thành công cao, nhưng người bệnh vẫn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
 Hình minh họa
PGS.TS Phạm Văn Bình – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV K Tân Triều từng cho biết: "Phương pháp phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh ung thư, khối u".
Khi khám chữa bệnh ung thư, khối u, các bác sĩ thường chia bệnh nhân thành hai nhóm: nhóm có thể phẫu thuật và nhóm không thể phẫu thuật. Nhóm bệnh nhân ung thư có thể phẫu thuật là những người bệnh mới phát hiện bệnh, tình trạng ung thư, khối u mới tiến triển và có cơ hội được chữa khỏi hoàn toàn với tỷ lệ cao nhất.
Theo Trung tâm nghiên cứu và phát hiện sớm ung thư, trong thực tế khám chữa bệnh, kết quả việc phẫu thuật ung thư, khối u đối với mỗi bệnh nhân là khác nhau. 
Kết quả này phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật, diễn biến của bệnh cũng như tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân có thể phẫu thuật thường thành công và bệnh tiến triển rất tốt. Một số người bệnh có thể gặp phải những rủi ro khi phẫu thuật hoặc những tác dụng phụ nặng không lường trước được.
Tác dụng phụ đầu tiên người bệnh tiến hành phẫu thuật khối u, chữa trị ung thư phải chịu là tình trạng nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể xảy ra do bệnh nhân giữ vệ sinh kém sau khi phẫu thuật, sức đề kháng cơ thể kém và việc chăm sóc người bệnh ở thời gian phục hồi sau phẫu thuật chưa tốt.
Tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u, ung thư, các bác sĩ thường phải loại bỏ kèm một phần cơ thể, điều này gây ảnh hưởng tới chức năng hoạt động một số cơ quan liên quan, dẫn tới tình trạng suy yếu cơ thể sau phẫu thuật.
Khi tiến hành phẫu thuật khối u, trong thời gian phục hồi sau phẫu thuật, người bệnh có nguy cơ hình thành các cục máu đông. Tuy nhiên, nguy cơ này không nhiều, chỉ một số trường hợp bệnh nhân gặp phải. Đây là biến chứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm. Cục máu đông thường xảy ra ở chân người bệnh và có thể gây ra tình trạng sưng và đau. Điều đáng nói, nếu cục máu đông máu vỡ ra và đi đến phổi được gọi là thuyên tắc phổi có thể gây nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong.
Những trường hợp bệnh nhân lười vận động nằm ì trên giường sau phẫu thuật, không uống đúng đủ các loại thuốc theo chỉ định có nguy cơ bị cục máu đông rất cao.
Ở nước ta, phương pháp phẫu thuật lạnh, phẫu thuật laser, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật rô bốt... là những phương pháp thường được sử dụng khi phẫu thuật ung thư, cắt bỏ khối u.
Phẫu thuật lạnh: Với phương pháp này các bác sĩ sử dụng vật liệu rất lạnh, như phun nitơ lỏng hoặc thăm dò lạnh, để đóng băng và phá hủy các tế bào ung thư hoặc tế bào mà có thể trở thành ung thư
Phẫu thuật Laser được sử dụng để điều trị nhiều bệnh ung thư. Với phương pháp này, các bác sĩ sử dụng chùm ánh sáng cường độ cao để thu hẹp hoặc làm bay hơi các tế bào ung thư.
Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp thường dùng để mổ khối u. Bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng nội soi để nhìn thấy bên trong cơ thể mà không làm cho vết mổ lớn. Thao tác phẫu thuật sẽ được thực hiện thông qua một màn hình lớn. Phương pháp này giúp làm giảm biến chứng và khả năng phục hồi của người bệnh cũng tốt hơn.
Phẫu thuật bằng robot thường được sử dụng khi phẫu thuật những vùng cơ thể khó tiếp cận, hoặc có tỉ lệ nguy hiểm cao cần độ chính xác tuyệt đối. Trong phẫu thuật robot, bác sĩ phẫu thuật ngồi từ bảng điều hành và một màn hình hình ảnh 3D của khu vực được vận hành. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng điều khiển tay cho robot để điều khiển các công cụ phẫu thuật thực hiện các hoạt động.
Thu Minh

Bình luận(0)