Xem nhẹ huyết khối, tính mạng bị đe dọa

Google News

(Kiến Thức) - Cứ mỗi 37 giây, có một người châu Âu tử vong vì huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi. 

Nguyên nhân và triệu chứng mắc bệnh
Huyết khối là sự hình thành cục máu đông bên trong lòng mạch, gây tắc nghẽn mạch (tĩnh mạch hoặc động mạch). Huyết khối xảy ra khi một vài hoặc tất cả các cục máu đông bong ra và trôi theo dòng tuần hoàn cho đến khi gây ách tắc các mạch máu nhỏ hơn. 
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE) xảy ra khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch sâu, chẳng hạn như ở chân (gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu, viết tắt là DVT) được đưa lên phổi, qua tim mạch, ngăn dòng cung cấp oxy. Tình trạng này gọi là thuyên tắc phổi (PE), có thể gây tử vong nhanh chóng. Nếu tình trạng này xảy ra tại một mạch máu cung cấp máu cho não, có thể dẫn đến đột quỵ, để lại hậu quả nghiêm trọng. 
Nếu tình trạng này xảy ra trong một động mạch vành, nó có thể dẫn đến hội chứng mạch vành cấp (ACS), là biến chứng của bệnh mạch vành, bao gồm các bệnh như nhồi máu cơ tim và đau thắt ngực, đòi hỏi phải điều trị tích cực hoặc phòng ngừa để tránh để lại hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân, hoặc thậm chí gây tử vong. 
Ảnh minh họa. 
Cần chung tay với các nỗ lực toàn cầu
Sự nghiêm trọng của huyết khối thường bị xem nhẹ và hiểu sai. Theo khảo sát của ICM Research (Anh Quốc) vừa qua, cứ 10 người thì chỉ có 1 người xem huyết khối là nguyên nhân đe dọa sinh mạng như bệnh AIDS, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến hoặc tai nạn giao thông. Trong khi đó, tại châu Âu, huyết khối lấy đi sinh mạng gấp ba lần so với tổng trường hợp tử vong do các nguyên nhân còn lại. 
Ông Nigel Key, bác sĩ huyết học tại trường Đại học Y khoa Carolina (Mỹ) và Chủ tịch Hội Huyết khối và Thuyên tắc Quốc tế (ISTH) cho biết: “Việc hạn chế tử vong do huyết khối đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ Hội đồng Y tế Thế giới đạt mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không truyền nhiễm trong đó có tim mạch, xuống còn 25% trước năm 2015”. 
BS Joerg Moeller, Thành viên Hội đồng quản trị Bayer HealthCare và Giám đốc Phát triển Toàn cầu cho hay: “Huyết khối là bệnh lý đe dọa sinh mạng và dẫn đến gánh nặng vô cùng nặng nề cho bệnh nhân, nhân viên chăm sóc, bác sĩ và hệ thống y tế”. 
Hội Huyết khối và Thuyên tắc Quốc tế (ISTH) và Bayer HealthCare - Đối tác Sáng lập Toàn cầu giới thiệu Ngày Huyết khối Thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam 13/10. 
Do đó, Hội nghị cầm máu và Huyết khối khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 đã được tổ chức tại Hà Nội với hơn 800 bác sĩ tim mạch, huyết học và bác sĩ đa khoa tại các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương góp mặt, trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Hội nghị Tim mạch Toàn quốc lần thứ 14 tổ chức tại Đà Nẵng đã thu hút sự tham dự của hơn 300 bác sĩ tim mạch trên cả nước. 
“Đồng hành cùng các chương trình toàn cầu, chúng tôi muốn tăng cường hiểu biết về gánh nặng huyết khối tại địa phương, cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị và dự phòng trong quản lý các bệnh lý huyết khối; đặc biệt thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch”, ông Manoj Saxena, Giám đốc Nhánh Dược phẩm kê toa, Đại diện Bayer HealthCare với tư cách là đơn vị tài trợ cho hay. 
13/10 hằng năm được chọn là Ngày Huyết khối Thế giới
Với vai trò là Đối tác Sáng lập Toàn cầu, Bayer HealthCare cùng với Hội Huyết khối và Thuyên tắc Quốc tế (ISTH) chính thức giới thiệu Ngày Huyết khối Thế giới được định vào ngày 13/10 hằng năm. Việc chọn ngày này nhằm kỷ niệm sinh nhật của Rudolf Virchow, bác sĩ kiêm nhà nghiên cứu bệnh học người Đức, người đầu tiên phát minh ra thuật ngữ “huyết khối” và là tác giả của nhiều tài liệu nghiên cứu giúp chúng ta nâng cao hiểu biết về huyết khối.
Mạnh Hùng

Bình luận(2)

Minh Hiền

Hoa

Ko biết nguyên nhân gây ra cái này ak. Thế thì làm sao phóng tránh nó!?

Minh Hiền

Trung Tam

Nên thể dục thể thao để cơ thể khoẻ mạnh, và hầu hết phòng tránh các bệnh.