Dịch đau mắt đỏ tăng rầm rộ ở Hà Nội

Google News

(Kiến Thức) - Dịch đau mắt ở Hà Nội đang lan nhanh chóng mặt, số ca mới mắc chỉ trong tuần qua đã chiếm gần 70% tổng số bệnh nhân kể từ đầu vụ dịch. 

Tính từ đầu vụ dịch đến ngày 14/9, chỉ hơn 1.870 ca đau mắt đỏ được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội. Nhưng trong vòng một tuần từ 15/9 đến 21/9, số ca bệnh được phát hiện đã là hơn 4.100, rải đều tại các quận, huyện, thị xã. Theo báo cáo chiều 22/9 của Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) đang có xu hướng gia tăng mạnh do thời tiết chuyển mùa từ nắng nóng sang mưa nhiều, độ ẩm tăng tạo điều kiện thuận lợi cho virus Adenovirus phát triển và gây bệnh. 
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, theo bác sĩ Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, số ca khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng rất cao, chiếm khoảng 25%-40% tổng số bệnh nhân.
Trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp đau mắt đỏ vì trẻ thường nhạy cảm với các loại virus nói chung nên dễ bị bệnh này. Theo bác sĩ Hoàng Cương, người già ít bị đau mắt đỏ, có lẽ mô kết mạc đã xơ và lão hóa, không thích hợp cho virus phát triển. 
Đau mắt đỏ gây dịch quy mô nhỏ, dễ lây lan, gần như đã thành thường niên vào mùa thu ở Hà Nội. Tuy vậy, tùy từng năm, cũng có những khác biệt nhất định. Năm 2013, khi ở đỉnh dịch, bệnh gần như xuất hiện mạnh trên toàn quốc, kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Năm nay bệnh xuất hiện muộn hơn, ít rầm rộ hơn. Theo đánh giá của bác sĩ Cương, tình hình dịch năm nay chưa đáng gọi là “nguy hiểm” hay “báo động”.
Để ngăn dịch bùng phát mạnh, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị, tăng cường hướng dẫn vệ sinh phòng chống bệnh trong trường học và tại cộng đồng. Sở cũng yêu cầu trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện rà soát, thống kê chính xác số ca mắc đau mắt đỏ; theo dõi chặt chẽ diễn biến để phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời ổ dịch.
Về cách phòng trị đối với cá nhân, bác sĩ Hoàng Cương khuyến cáo, đau mắt đỏ lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng, vì vậy để phòng tránh, cần chặn những đường lây này. Việc nhìn nhau không gây lây truyền đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau 7 đến 10 ngày. Bệnh nhân không nên xông lá thuốc có tinh dầu như trầu không vì sẽ làm tăng nặng triệu chứng, nặng hơn có thể gây bỏng mắt. Theo kinh nghiệm của một số người, việc xông các loại thảo dược tính mát như lá dâu, hoa cúc, lá tre ở khoảng cách an toàn, khi bệnh đã ở giai đoạn lui giảm... có thể làm mắt dễ chịu, đỡ vướng cộm.
Lệ Hà

Bình luận(0)