Cứu sống bệnh nhi ho ra máu nặng, hiếm gặp

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện Phổi trung ương vừa cứu chữa thành công cho một bệnh nhi ho ra máu nhiều và phức tạp chưa từng có.

Ho ra nhiều máu, ngất khi đang múa
Cháu Nguyễn T.H. (10 tuổi ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đang biểu diễn múa tại trường thì đột ngột ho ra khoảng 300ml máu đỏ tươi có đờm, rồi đông ngay, cháu ngất, được các thầy cô trong trường đưa tới bệnh viện huyện cấp cứu. Sau 5 ngày nằm viện, bệnh nhân lại ho ra 500ml máu, cấp cứu cầm máu ổn định rồi chuyển lên Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi T.Ư (ngày 4/11/2014) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da niêm mạc nhợt, không sốt, không ho ra máu, không khó thở, rì rào phế nang giảm ở đáy phổi phải.
ThS Nguyễn Thị Ngoạn, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi T.Ư đã xác định đây là một ca nặng, cần được chẩn đoán, làm các xét nghiệm sớm. Ngay sau khi đó, cháu T.H. làm biện pháp cầm máu, lấy dịch dạ dày xét nghiệm vi sinh, chụp CT ngực, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm vi sinh đờm (vi khuẩn lao và ngoài lao, nấm) đều âm tính, chụp X-quang phổi thì thấy mờ 1/2 dưới phổi phải, dấu hiệu hình bóng dương tính với vòm hoành và bờ tim phải, rãnh nhỏ lồi lên trên, CLVT lồng ngực phát hiện đông đặc nhu mô thùy dưới phổi phải. 
Tại Khoa Nhi cháu được điều trị: Kháng sinh, truyền dịch, truyền máu, thuốc cầm máu, sau đó đã tạm ổn định, nhưng 5 ngày sau lại tiếp tục ho ra máu dữ dội khoảng 450ml và được chuyển tới Khoa Hồi sức cấp cứu. Các bác sĩ  thấy rằng theo chu kỳ (5 - 6 ngày) bệnh nhân lại xuất hiện ho ra máu 2 lần (500ml)/ngày. Tinh thần mệt mỏi, tim nhịp nhanh đều, huyết áp 100/70mmHg, rì rào phế nang giảm toàn bộ phổi phải. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh, nguy cơ tử vong cao, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn đưa ra phương án cứu chữa tích cực nhất cho bệnh nhân...
TS.BS Đinh Văn Lượng tái khám cho cháu T.H. 
Kết quả của sự phối hợp liên khoa
Dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện, thực hiện phối hợp nhiều chuyên khoa như gây mê, hồi sức cấp cứu, nội soi, khoa nhi, phẫu thuật lồng ngực... 
PGS.TS Nguyễn Chi Lăng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Nội soi cho biết, khi soi phế quản cho bệnh nhân phát hiện hình ảnh cục máu đông bịt kín phế quản gốc. Phổi phải xẹp hoàn toàn do bít tắc cục máu đông, bệnh nhi chỉ cần chảy máu vài chục ml nữa sẽ có thể tràn qua phổi trái mà gây tử vong. Tuy nhiên, nhóm nội soi quyết định không lấy cục máu đông tránh nguy cơ chảy máu gây tử vong mà tiến hành cùng một lúc nội soi để đánh giá nguyên nhân và phẫu thuật để giải quyết cục máu đông.   
TS.BS Đinh Văn Lượng, Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực đã mở ngực theo đường sau bên, vào khoang màng phổi qua khe liên sườn 5, thấy thùy phổi trên và dưới bình thường, thùy giữa tím đen toàn bộ. Phẫu tích bộc lộ phế quản trung gian, mở phế quản trung gian, dùng ống soi mềm đánh giá tổng thương để chọn phương pháp mổ tốt nhất. Qua nội soi thấy phế quản thùy dưới có ít dịch đen, không thấy tổn thương. Phế quản thùy giữa có dòng máu chảy ra. Bệnh nhân được xác định dị dạng mạch thể mao mạch, vỡ mạch gây chảy máu nhu mô phổi. "Chúng tôi quyết định cắt thùy giữa, khâu phục hồi lại phế quản trung gian; kiểm tra phổi nở tốt, đặt 01 dẫn lưu, đóng thành ngực theo lớp giải phẫu", TS.BS Đinh Văn Lượng cho biết thêm. 
Sau hai tuần bệnh nhân tái khám trong tình trạng toàn thân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, rì rào phế nang 2 phổi rõ, X-quang cho thấy phổi nở tốt. Đây là bệnh nhân nặng, được cứu sống trên sự mong đợi của tập thể bác sĩ và gia đình.
Ho ra máu là máu khạc ra từ dưới thanh môn trở xuống, một triệu chứng thường gặp nhưng có nhiều nguyên nhân. Đây thường là dấu hiệu của một bệnh nặng và có thể gây tử vong do ngạt và tắc nghẽn đường thở. Ho ra máu nặng chiếm khoảng 5% các trường hợp ho ra máu và tỷ lệ tử vong lên tới 80%. 
Phạm Hằng

Bình luận(0)