Con người sống tối đa bao lâu?

Google News

(Kiến Thức) - Đó là câu hỏi luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Liệu con người có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi “sinh - lão - bệnh - tử”? 

Hiểu thế nào cho đúng về người cao tuổi?
Theo GS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì do trình độ phát triển khác nhau, sức khoẻ thể chất, tinh thần, tuổi thọ của người dân khác nhau nên các nước cũng có định nghĩa, cách phân loại người cao tuổi (NCT) khác nhau. Luật NCT của Việt Nam quy định: Những người từ 60 tuổi trở lên là NCT. Tiêu chuẩn này là chung cho cả nam và nữ. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Những người từ 60 - 74 tuổi là NCT, 75 – 90 tuổi là người già, trên 90 tuổi là người già sống lâu.
Người ta cũng tính “tỷ lệ người cao tuổi” trong tổng dân số và quy ước: Nếu quốc gia có “tỷ lệ người cao tuổi” đạt 10% tổng dân số thì quốc gia đó được gọi là bắt đầu bước vào “quá trình già hóa dân số”. Khi tỷ lệ này chạm ngưỡng 20%, quốc gia đó được gọi là có “dân số già”. Nếu đạt tới 30% là “rất già” và từ 35% trở lên là “siêu già”.
Còn theo TS.BS Bùi Nguyên Kiểm, Phó Chủ tịch Hội Nội khoa Hà Nội thì lão hóa là một quá trình sinh học mang tính quy luật diễn ra từ từ và không đảo ngược được, biểu hiện bằng việc giảm khả năng thích nghi của con người. Dù có “chuẩn” về NCT ở các nước, tuy nhiên ông Kiểm thừa nhận: Không phải ai ở vào tuổi 60 thì đều được coi là già mà trên thực tế, có những người đã “già hóa” từ 50 tuổi, lại có những người 70 tuổi vẫn chưa già, xét cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Lão hóa là một quá trình sinh học mang tính quy luật diễn ra từ từ và không đảo ngược được. 
Già sớm hay muộn do “quy tắc 4 không”
Loại trừ vấn đề về bệnh lý khiến con người bị lão hóa sớm, TS.BS Bùi Nguyên Kiểm cho rằng, đặc điểm của quá trình lão hóa giữa các cơ quan trong cơ thể không đồng thì, không đồng tốc, không đồng mức và không đồng hướng. Chẳng hạn, với một người, có thể cơ quan thận bị lão hóa trước, sau đó mới đến các cơ quan khác; lại có người hệ thần kinh bị lão hóa trước tiên. Giữa các cá thể cũng có sự khác biệt về quá trình lão hóa nên mới có chuyện người già trước, người già sau. 
Việc lão hóa sớm hay muộn có một phần nguyên nhân từ chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, môi trường sống, gen di truyền... tác động. Những người có xu hướng chăm chỉ vận động, tập thể dục thể thao đều đặn, ăn uống khoa học, tích cực tham gia các hoạt động và công tác xã hội... thì thường sự lão hóa sẽ đến chậm hơn. Điều đó lý giải cho việc vì sao có người chưa đến 60 tuổi đã bị lão hóa, nhưng có người quá 60 tuổi, thậm chí 70 tuổi vẫn còn trẻ, khoẻ.
Như vậy, về mặt thể chất, có thể nhận biết người lão hóa sớm, người lão hóa muộn thông qua những biểu hiện như da nhăn, tóc bạc, sự “xuống cấp” của các cơ quan trong cơ thể... Vậy về mặt tinh thần, thước đo nào để đánh giá người trẻ nhưng tính tình lại già và người già song tính tình lại trẻ?
Nhận biết người trẻ tính già, người già tính trẻ
Cố GS Phạm Khuê, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương chỉ ra cách để “nhận biết” mang tính tương đối này. Theo đó, cần phải dựa vào bảng dự đoán tuổi tác tâm lý của tác giả Chu Quán Hồng, căn cứ vào tình trạng của bản thân mà trả lời “có”, “không xác định” hoặc “không” (mỗi phương án có một số điểm tương ứng), từ đó tính toán cộng điểm sẽ ra dự đoán tuổi tác tâm lý của bản thân. 
Người tham gia trắc nghiệm cần phải trả lời bằng việc lựa chọn các phương án định sẵn như trên cho 30 câu, cụ thể: Gặp việc gì sau khi hạ quyết tâm thì lập tức làm ngay (số điểm tương ứng với các đáp án “có” – “không xác định” – “không” là 0 – 1 – 2), Thường chỉ dùng kinh nghiệm cũ để làm (2 – 1 – 0), Có tinh thần tìm tòi sáng tạo (0 – 2 – 4), Nói chậm chạp lại dài dòng (4 – 2 – 0), Hay quên (4 – 2 – 0), Sợ phiền muộn, sợ làm việc, không muốn hoạt động (4 – 2 – 0), Thích tham gia các hoạt động (0 – 1 – 2), Thích tính toán những việc nhỏ (2 – 1 – 0), Ngày càng cố chấp (4 – 2 – 1), Đối với mọi việc đều có tấm lòng tốt (0 – 1 – 2), Có cuộc sống sôi động, ham tìm mục đích (0 – 2 – 4), Rất khó khống chế tình cảm (0 – 1 – 2), Hay đỗ kỵ, dễ bi đát hóa mọi việc (2 – 1 – 0), Thấy việc chưa rõ phải trái không dại gì phải bực tức (2 – 1 – 0), Không thích xem loại tiểu thuyết triết lý (2 – 1 – 0), Ngày càng mất hứng thú với điện ảnh và tiểu thuyết về tình yêu (2 – 1 – 0), Làm việc thiếu tính kiên trì (4 – 2 – 0), Không muốn thay đổi tập quán cũ (2 – 1 – 0), Thích nhớ lại việc cũ, ôn lại dĩ vãng (4 – 2 – 0), Cảm thấy khó khăn khi học cái mới (2 – 1 – 0), Hết sức chú ý đến sự thay đổi bản thân (2 – 1 – 0), Phạm vi sinh hoạt hứng thú đã bị thu hẹp (0 – 1 – 2),  Xem sách chỉ thích đọc lướt qua (0 – 1 – 2), Động tác thiếu linh hoạt (2 – 1 – 0), Gạt bỏ cảm giác mệt mỏi rất chậm (2 – 1 – 0), Đầu óc buổi tối không linh hoạt bằng sáng sớm và buổi sáng (2 – 1 – 0), Cảm thấy phiền muộn đối với những chèn ép trong cuộc sống (2 – 1 – 0), Thiếu lòng tin (2 – 1 – 0), Khó tập trung sức suy nghĩ (4 – 2 – 0), Làm việc gì hiệu suất cũng thấp (4 – 2 – 0).
Tổng điểm đạt được có thể dự đoán tuổi tâm lý của mỗi người. Theo đó, người có 75 điểm trở lên tương ứng tuổi tâm lý trên 60 tuổi, từ 65 – 75 điểm là tuổi tâm lý 50 – 59, từ 50 – 64 điểm là tuổi tâm lý 40 – 49, từ 30 – 49 điểm thì tuổi tâm lý là 30 – 39, từ dưới 29 điểm là tuổi tâm lý 20 – 29 tuổi. Như vậy, sẽ có người dù mới 52 tuổi nhưng lại có 76 điểm, chứng tỏ đây là người có tâm lý già trước tuổi. (còn nữa)
“Người có tuổi”, “người già” hay “người cao tuổi”?
PGS Trần Đức Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương nhớ lại: Ban đầu người ta cũng cãi nhau nhiều lắm về các tên gọi này. Lúc đầu gọi là Viện Bảo vệ sức khoẻ người có tuổi. Song thấy rằng gọi như thế là không ổn vì những thiếu niên, thanh niên… chả lẽ không có tuổi à? Có người đề xuất gọi là “người già” vì đúng là người ta già thật, nhưng nó lại ảnh hưởng đến tâm lý. Sau cùng quyết định gọi là “người cao tuổi”. Đó là cách gọi hợp lý và chuẩn mực hơn cả.
Thanh Thủy

Bình luận(0)