Cơ chế lây bệnh bò gạo, lợn gạo

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh bò gạo, lợn gạo xuất hiện trong thớ thịt của lợn, bò khi vật nuôi bị nhiễm bệnh. 

Bệnh gạo vật nuôi phát triển từ sán 
Cả thịt bò và thịt lợn đều có thể bị nhiễm "gạo" (là nang có chứa ấu trùng của hai loại sán khác nhau). Thịt bò bị nhiễm gạo, khoa học gọi là cysticercus bovis, thịt lợn nhiễm gạo được gọi là cysticercus cellulosae. Sở dĩ gọi là "gạo" vì trong bắp cơ của bò có những nang hình giống hạt gạo, màu trắng hoặc màu vàng nhạt, bên trong có chứa đầu sán. Đó là ấu trùng của sán dây taenia saginata ký sinh trong ruột non của người. Bò là ký chủ trung gian, người là vật chủ cuối cùng. 
Bệnh lợn gạo, cũng có hình dạng giống hạt gạo dài 6-15mm, rộng 3-5mm. Ngoài cùng là lớp màng mỏng, bên trong là lớp dịch trong suốt, trong đó có một chấm trắng đó là đầu sán, ấu trùng của sán dây taenia solium ký sinh trong ruột non của người. Lợn là ký chủ trung gian, người là vật chủ cuối cùng. Vòng đời của sán dây taenia solium tương tự với vòng đời của sán dây taenia saginata.
Người bị nhiễm sán dây taenia solium hoặc sán dây taenia saginata, sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non của người. Nếu người phóng uế bừa bãi, những đốt sán dây theo phân người ra ngoài, trứng của sán dây có thể sống sót hàng tháng. Lợn ăn phải trứng sán dây taenia solium, hoặc bò ăn phải trứng sán dây taenia saginata, khi trứng sán vào tới ruột non của lợn, của bò, chúng được giải phóng và xâm nhập vào mạch máu, rồi đi tới các cơ quan. Khoảng 40 - 50 ngày sau sẽ hình thành một nang gọi là gạo ở những nơi như cơ hoành, cơ liên sườn, cơ thăn, cơ cổ, cơ lưỡi. 
Kể từ khi lợn, bò ăn phải trứng sán thì 2 - 4 tháng sau sẽ phát triển thành gạo hoàn chỉnh trong cơ. Do lợn, bò chỉ là ký chủ trung gian nên khi vật nuôi này bị bệnh gạo thường không biểu hiện triệu chứng gì ra bên ngoài.
Lợn, bò đều có thể bị nhiễm bệnh "gạo", không nên ăn sống hoặc tái thực phẩm từ thịt vật nuôi.   
Bị lây bệnh gạo do ăn thịt sống, tái 
Người lây bệnh gạo qua hai trường hợp, đó là khi người ăn phải thịt lợn hoặc thịt bò có chứa các nang ấu trùng (gạo) chưa được nấu chín hoặc ăn tái. Khi vào tới dạ dày, lớp màng ngoài của "gạo" sẽ bị phá vỡ, đầu sán được giải phóng và bám vào niêm mạc ruột non và phát triển thành sán trưởng thành chỉ sau 2 - 3 tháng. Sán taenia solium trưởng thành dài khoảng 2 - 7m. Sán taenia saginata trưởng thành dài khoảng 4 - 10m. 
Sán trưởng thành sản xuất ra khoảng 1.000 đốt sán dây, mỗi đốt chứa xấp xỉ 50.000 trứng. Sán trưởng thành tồn tại trong ruột non nhiều năm. Vòng đời của ký sinh trùng được hoàn tất. Người bị sán dây có thể có các triệu chứng như đau bụng, ói, buồn nôn, ngứa vùng quanh hậu môn, suy nhược, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy hoặc táo bón, ăn không ngon miệng, giảm cân.
Trường hợp thứ hai là khi người ăn phải thức ăn, nước uống có chứa trứng sán dây hoặc bằng cách tự nhiễm. Tự nhiễm là hiện tượng một người đã có sán taenia solium trong ruột non và trứng sán hoặc những đột sán dây được đưa trở vào dạ dày từ ruột non do sự nhu động ngược. Lúc này những trứng sán được ăn vào hay do sự tự nhiễm sẽ bám vào ruột rồi di chuyển đến mô cơ, não, gan và những mô khác trong cơ thể. Ở đó chúng sẽ phát triển thành bệnh gạo. Sự hình thành gạo ở người là nguy hiểm nhất, vì nếu bệnh này khu trú ở não sẽ gây ra hiện tượng động kinh và có thể đưa đến tử vong.
Nên ăn chín, uống sôi, không nên ăn thịt tái (không những chỉ đề phòng "gạo" mà còn phòng ngừa các bệnh khác có thể lây từ thú sang người). Rửa tay kỹ bằng xà phòng trước khi ăn. Không nên phóng uế bừa bãi ngoài đồng mà phải đi vệ sinh trong nhà cầu.
Như vậy, bệnh "bò gạo", "lợn gạo" lây sang người là thông qua con đường ăn thịt bò, thịt lợn bị nhiễm "gạo" mà không được nấu chín chứ không liên quan gì đến sự tiếp xúc với thú trong quá trình chăn nuôi. 
Ở Việt Nam, tình hình nhiễm bệnh "gạo" trên vật nuôi tùy theo khu vực, nơi nuôi nhiều bò, lợn hay ăn thịt bò tái có tỷ lệ cao. Vật ký chủ trung gian nhiễm bệnh gạo không những ở bò, lợn mà còn ở trâu, dê, cừu, hươu. 
PGS.TS Lê Văn Thọ (Khoa Chăn nuôi thú y, trường Đại học Nông Lâm TPHCM)

Bình luận(0)