Việt Nam... qua nét bút chì

Google News

(Kiến Thức) -Với cây bút chì và hành trang là những chuyến đi, GS.TSKH Lê Đức An, đã vẽ nhiều tấm bản đồ địa mạo Việt Nam.

Với cây bút chì và hành trang là những chuyến đi, GS.TSKH Lê Đức An, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã vẽ nhiều tấm bản đồ địa mạo Việt Nam. Từ những bản đồ này, Việt Nam hiện lên thật đẹp đẽ, đầy ắp sắc màu.
Mỗi nét vẽ một giọt mồ hôi
GS.TSKH Lê Đức An cho biết, tính đến nay ông đã có đến 50 năm nghiên cứu về địa mạo Việt Nam. Ông cũng không nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu tờ bản đồ địa mạo với các tỷ lệ khác nhau. Tuy nhiên, có 2 bản đồ mà ông nhớ mãi, không phải là vì cả hai có liên quan trực tiếp đến hai cụm công trình khoa học cùng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, mà vì chúng gắn bó với nhiều kỷ niệm đặc biệt của người làm khoa học.
Điều tôi trăn trở nhất lúc này là khu vực cát đỏ Phan Thiết, chúng xứng đáng được xếp vào hàng các di sản địa mạo - địa chất hoặc công viên địa chất của Việt Nam, thậm chí của thế giới. Vậy mà giờ vùng này đang và có thể sẽ ngày càng gia tăng việc khai thác tài nguyên một cách thô bạo. Tôi sợ rằng di sản địa mạo và địa chất của vùng cát đỏ độc nhất vô nhị này sẽ bị phá vỡ, như thế chúng ta sẽ lại mất đi một di sản có giá trị khoa học và thực tiễn lớn của Việt Nam, mà thiên nhiên qua nhiều triệu năm mới tạo ra được.

 

Đầu tiên là tờ bản đồ địa mạo toàn quốc tỷ lệ 1:500.000 ra đời sau khi thống nhất đất nước. Ông kể, trước năm 1975, bản đồ địa mạo miền Bắc mới được đo vẽ tỷ lệ 1:200.000 một số vùng, nhưng chưa có ở tỷ lệ 1:500.000. Sau khi đất nước thống nhất, ông được phân vào miền Nam để cùng một số cán bộ khoa học của Đoàn 500 vẽ bản đồ địa mạo và bản đồ trầm tích Đệ Tứ (một phần của bản đồ địa chất) cho toàn miền ở tỷ lệ 1:500.000. Đó là những ngày sống xa nhà, rong ruổi lên rừng, xuống biển, là những ngày ngủ rừng, ăn lương khô... Ông bảo, mỗi nét vẽ là mỗi giọt mồ hôi nhỏ xuống. Cuối cùng sau 3 năm bản đồ hoàn thiện và cùng với việc vẽ tiếp bản đồ phần miền Bắc trên cơ sở các tư liệu đã có, một bản đồ địa mạo thống nhất toàn quốc ở tỷ lệ 1:500.000 đã được hoàn thành mà ông là chủ biên. Là người trực tiếp vẽ những nét chì đầu tiên trên tấm bản đồ này, GS.TSKH Lê Đức An kể, ông cảm thấy tự hào vô cùng bởi, lần đầu tiên đã thể hiện được những nét cơ bản nhất về địa mạo của đất nước hoàn toàn thống nhất.
 Với cây bút chì thân quen, GS.TSKH Lê Đức An đã vẽ nên hình đất nước.
Kỷ niệm thứ hai là khi ông đang làm luận án TSKH tại Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây. Ngày ấy trong nước, GS.NGND Nguyễn Văn Chiển, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực địa chất và địa lý ở Việt Nam đang chủ trì Chương trình Atlas Việt Nam. Bản đồ địa mạo (ở tỷ lệ 1:2.500.000) là một bản đồ chính trong Chương Địa hình của tập Atlas đó. Đầu tiên bản đồ này được giao cho một viện thành lập, nhưng rất tiếc là sản phẩm cuối cùng đã không được hội đồng khoa học thông qua. Trong một chuyến sang Mát-xcơ-va công tác, GS Nguyễn Văn Chiển đã nhờ ông giúp đỡ, trong điều kiện thời gian không còn là bao. Ông kể nếu nhận lời thì quả là “thách đố” bản thân và tự đặt mình vào thế khó, nhưng ông vẫn quyết làm, bởi “chẳng có sự thành công nào mà mồ hôi không đổ xuống”.
GS.TSKH Lê Đức An cho hay, mặc dù luận án TSKH lúc đó cũng đang ở giai đoạn nước rút, nhưng ông đã tập trung thời gian làm ngày, làm đêm, quên ăn quên ngủ cho tờ bản đồ này. May mắn nhờ sự hỗ trợ của một đồng nghiệp người Nga, chỉ trong vòng 1 tháng (thay vì 1 - 2 năm) bản đồ đã hoàn thành đúng “hạn” yêu cầu. Sau này bộ Atlas Việt Nam đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là sự đánh giá cho công sức của những nhà khoa học Việt Nam trong điều kiện nghiên cứu còn nhiều khó khăn, gian khổ.
Đẹp nhưng mà buồn
GS.TSKH Lê Đức An đùa vui rằng, điều nuối tiếc nhất của mình là ông không phải là nhà văn, nhà thơ để có thể diễn tả hết vẻ đẹp của đất nước Việt Nam. Nhưng qua mỗi chuyến đi, qua mỗi nét vẽ bằng bút chì, ông luôn thấy Việt Nam mình đẹp quá bởi sự đa dạng và phong phú của các kiểu và dạng địa hình, và hơn thế nữa chúng còn phân hóa mạnh mẽ theo không gian. Ông kể, ông đã được đi khảo sát một số vùng ở Liên Xô trước đây, ở Trung Quốc, Lào, Malaysia, đã được thấy nhiều cảnh quan địa mạo hùng vĩ, độc đáo, mới lạ. Tuy nhiên, khi quay về Việt Nam, nghiên cứu địa mạo trên toàn lãnh thổ ông vẫn cảm nhận được nhiều nét đặc sắc, mà nguyên nhân cơ bản là từ vị trí đặc thù của Việt Nam trong bình đồ kiến tạo địa chất Đông Nam Á với những đặc điểm riêng về thành phần đất đá, chuyển động phá hủy của đứt gãy, nâng hạ và dịch chuyển của các khối, mảng... kết hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa phân hóa mạnh. Ông cho biết, nếu ai đã từng đến Bangladesh nơi chủ yếu là cảnh quan đồng bằng, hoặc đến Lào, nơi chủ yếu cảnh quan núi non... mọi người sẽ thấy tuy cảnh quan có đẹp nhưng mà đơn điệu. Còn ở Việt Nam thì khác, chỉ trong một ngày xe rong ruổi là có thể chứng kiến nhiều phong cảnh địa mạo khác nhau.
Tôi là người bình thường như bao nhiêu người khác, chẳng qua là tôi may mắn vì có cơ hội được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực này. Công việc vất vả nhưng đó là công việc mà tôi yêu thích.
Ông tâm sự: “Phần lục địa nước ta với một diện tích không phải là lớn lắm, mà đã có đầy đủ các kiểu địa hình núi cao, núi trung bình, núi thấp, rồi đến các kiểu đồi dạng dãy, dạng bát úp, còn đồng bằng thì thật đa dạng, với nhiều di sản địa mạo nổi tiếng cấp quốc gia và thế giới. Trong khi đó, ở đới bờ biển Việt Nam rất phong phú các kiểu cửa sông, đầm phá, vũng vịnh, bãi biển. Việt Nam còn có gần 3.000 hòn đảo ven bờ cũng vô cùng đặc sắc, đa dạng về kiểu loại... Đặc biệt, trên vùng biển rộng lớn đến 1 triệu km2, Việt Nam có hàng trăm đảo, đá, bãi ngầm, thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với nhiều dạng cao nguyên, núi ngầm, vực sâu, trũng chậu... Chúng thật sự là những công trình tuyệt tác của thiên nhiên vùng biển nhiệt đới...”.
Ông kể, có lẽ ông là người may mắn vì được tận mắt chứng kiến hết những nét đẹp, phong phú của địa mạo Việt Nam và may mắn hơn khi ông lại biết được bản chất vật chất của các giá trị thẩm mỹ đó, và được cầm bút để vẽ chúng lên những tấm bản đồ. “Đó là niềm hạnh phúc lớn lao”, GS.TSKH Lê Đức An xúc động. Nhưng rồi ông lại bảo, thỉnh thoảng ông lại buồn vì thấy sự tàn phá của con người đối với các cảnh quan Việt Nam. Biết bao nhiêu tai biến địa mạo đã xảy ra do chính bàn tay của con người. Và mỗi lần nghe tin hay tận mắt nhìn thấy cảnh quan bị phá vỡ, địa hình địa mạo bị biến dạng bởi lòng tham của con người ông lại cảm thấy buồn, nhiều hơn là cảm thấy đau xót và bất lực.
Nghỉ hưu về mặt “hành chính”
Ở tuổi chạm mốc 80, GS.TSKH Lê Đức An cho biết, ông đã nghỉ hưu trên 13 năm nay, nhưng ông chỉ nghỉ hưu về mặt “hành chính” chứ tâm ông không nghỉ. Tại Viện Địa lý, ông vẫn có “chỗ ngồi” để làm việc. Rồi ông viết sách. Ông cho chúng tôi xem rất nhiều sách do ông biên soạn, có những cuốn cũ, nhưng cũng có những cuốn còn thơm mùi giấy. Ông bảo thời gian này ông đang nghiên cứu về một hướng tương đối mới của địa lý học, đó là đề tài về “tài nguyên vị thế”, trong đó có vấn đề về vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Những nghiên cứu về hướng này hy vọng sẽ được nhiều nhà khoa học cũng như các nhà hoạch định chính sách quan tâm.
Huy Khánh

Bình luận(0)