Trung thu về thăm xóm đèn lồng

Google News

Cứ mỗi dịp Trung thu, làng Báo Đáp lại rực sắc đỏ của các loại đèn lồng. Đây là một trong những cái nôi của nghề làm đèn lồng trung thu truyền thống.

Rồi những ông sao, những rồng, những phượng ấy sẽ tỏa đi khắp mọi tỉnh thành, thắp lên sự hân hoan của biết bao thế hệ trẻ thơ.
Nghề đèn cũng lắm công phu
Báo Đáp là một làng thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, cách TP. Nam Định hơn 10km. Đây là một trong những cái nôi của nghề làm đèn lồng trung thu truyền thống. Theo ông Nguyễn Văn Hùng (67 tuổi), một người có thâm niên gần 40 năm làm “thợ đèn” cho biết thì nghề làm đèn lồng ở đây có từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Khi đó, các sản phẩm của làng như hoa giấy, hoa nilon và đặc biệt là đèn ông sao đã có mặt tại các phiên chợ ở các tỉnh phía Bắc từ nông thôn đến thị thành. Hiện, cả làng Báo Đáp có khoảng hơn 1.000 hộ thì có đến gần 1/3 hộ làm nghề liên quan đến sản xuất đèn lồng. Tính trung bình mỗi năm làng sản xuất ra khoảng 1,5 triệu cây đèn bán khắp các miền Nam, Bắc.
Nhìn những chiếc đèn lồng mộc mạc và bình dị được làm nên bởi hai nguyên liệu chính là tre và giấy bóng kính nhưng mấy ai thấy hết được sự kỳ công từ quá trình chuẩn bị nguyên liệu cho đến quy trình sản suất đèn lồng. Theo một số nghệ nhân ở Báo Đáp cho biết thì tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt, người thợ phải nấu tre rồi ngâm 10 ngày trong nước muối, tiếp đến phơi khô, vót thành từng nan mỏng tùy theo mỗi loại đèn.
Có một điều đặc biệt là tất cả các công đoạn để sản xuất một chiếc đèn ông sao ở Báo Đáp hoàn toàn thủ công. Bắt đầu từ sườn khung làm bằng tre nứa cột kẽm lại với nhau, sau đó dán giấy bóng kính lên và sau cùng là công đoạn vẽ. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Do kích cỡ khác nhau nên khi chẻ nan, những người thợ phải phân loại rõ ràng.
Có lẽ, đây là một trong những nghề thủ công tỉ mỉ, tốn công bậc nhất. Nếu tính từ khi chọn nguyên liệu cho đến hoàn tất sản phẩm, có cả chục công đoạn: chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí… Yếu tố quyết định làm nên nét đặc thù của từng chiếc lồng đèn còn ở cách tạo hình, kỹ thuật dán giấy và vẽ họa tiết trang trí cho lồng đèn. Tất cả những công đoạn này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo trong từng nét vẽ, khéo léo trong cách bôi hồ, dán giấy thì mới có được những chiếc lồng đèn bắt mắt.
“Để hoàn thành một chiếc lồng đèn cỡ nhỏ cũng phải mất gần cả tiếng đồng hồ, mà mỗi mùa trung thu như vầy, gia đình tôi cung cấp khoảng hơn 10.000 chiếc lồng đèn nên trước rằm Trung thu gần 2 tháng, cả gia đình đã nhận đơn hàng từ các mối quen trong huyện hoặc các vùng lân cận và bắt tay vào làm từ sáng sớm cho tới tận khuya. Đúng là làm cực thật nhưng thấy rất vui, vì dù cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn giữ được chỗ đứng của mình”, ông Hùng cho biết.
Bên cạnh nghề làm lồng đèn, Báo Đáp từ xưa đến nay còn nổi tiếng về nghề nhuộm. Thế nên người dân ở đây thường mua những loại giấy bóng kính màu trắng về rồi tự tay ngâm, nhuộm giấy thành màu xanh đỏ, vàng quen thuộc. Nan tre dùng để tạo vòng tròn quanh ngôi sao cũng được quấn tua rua giấy nhuộm màu cẩn thận. Giấy bóng màu được cắt thành những cánh sao đều tăm tắp để sẵn thành từng bó. Người thợ chỉ cần quệt hồ dán lên bộ khung tre thật cẩn thận sao cho vừa khéo mà cánh không bị bong. Đèn sau khi dán, viền cánh xong thì dùng một thanh tre chống căng mặt đèn rồi dựng ở sân phơi cho khô, sau đó mới tháo ra bó thành từng cọc 100 chiếc mang đi bán ở khắp nơi, xuất đi khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Nam Định.
Trung thu ve tham xom den long
Lung linh đèn lồng Báo Đáp. 
“Thông thường thì các hộ chuyên làm đèn thì bắt đầu làm đèn từ tháng giêng, khung đèn được làm sẵn rồi ép lại chất trong bếp hoặc trên gác xép đến gần Trung thu thì mới dán giấy màu buộc vành đèn và gắn cán. Trung bình một hộ nếu làm từ tháng Giêng thì Trung thu xuất ra được khoảng 15-20.000 đèn các loại. Còn gia đình nào sát đến Trung thu mới làm thì chỉ xuất được khoảng 5-8.000 đèn”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Sức sống của một làng nghề
Có truyền thống lâu đời là vậy, nhưng nghề làm đèn lồng ở Báo Đáp cũng đã có lúc tưởng như bị mai một. Đó là cách đây khoảng vài năm, khi các loại đèn lồng Trung Quốc và đèn lồng xếp, được sản xuất công nghiệp tràn ngập thị trường. Làng nghề điêu đứng, nhiều hộ bỏ hẳn sang buôn bán, kinh doanh mặt hàng khác. Người đi làm công nhân, người thì mở cơ sở may mặc, giày dép, nhà cửa cho thuê. Ngày đó, cứ đến mùa Trung thu, Báo Đáp lại mất dần đi sắc đỏ.
Theo một số nghệ nhân làm đèn lồng lâu năm ở Báo Đáp thì do sản xuất chiếc lồng đèn thủ công chi phí cao hơn chiếc lồng đèn xếp công nghiệp, khiến cho cuộc cạnh tranh về giá chiếc lồng đèn thủ công luôn tỏ ra yếu thế. Do vậy, các nghệ nhân không dám đầu tư kiểu dáng, mẫu mã vì bài học "đối đầu" với lồng đèn Trung Quốc, vốn đã tràn ngập thị trường trong nhiều năm trước vẫn còn đó, và nay là lồng đèn công nghiệp sản xuất trong nước cũng tỏ ra vượt trội lồng đèn truyền thống về mọi mặt. Vả lại, sau nhiều năm sản xuất không có lời, chán nản nên chẳng ai thiết tha sáng tạo càng khiến cho mẫu mã nghèo nàn, số lượng hạn chế.
Nghệ nhân Phạm Văn Tiến (65 tuổi, ở Báo Đáp), nhớ lại: “Những năm nghề làm đèn lồng còn thịnh, đến mùa trung thu, tôi phải huy động cả gia đình bắt tay làm việc từ sáng sớm đến tận khuya. Chồng chẻ nan, uốn khung, dán giấy; vợ sơn phết, con vẽ trang trí, cháu thì phụ việc lặt vặt. Những mùa lồng đèn tiếp theo thì chỉ làm tượng trưng cho đỡ nhớ nghề, số lượng không đáng kể. Một mùa lồng đèn chỉ có vài tháng nhưng lo lắng cả năm, đầu tư mấy chục đến hàng trăm triệu đồng, vậy chứ lời lãi chẳng bao nhiêu. Không bán được thì biết lấy gì để ăn. Cũng may, mấy năm nay tình hình có khác, khá khẩm hơn nhiều”.
Thời đó, một số nghệ nhân ở Báo Đáp đã có tâm trạng bỏ nghề, vì cho rằng lồng đèn giấy kính đã hết thời. Song, các nghệ nhân còn cố gắng giữ nghề cho đến ngày nay là do tiếc cái nghề của cha ông gầy dựng để rồi đeo theo như cái nghiệp. Bởi nhiều người cũng phải thừa nhận, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng lồng đèn giấy xếp, đèn nhựa có nhạc là khá phổ biến. Sự đa dạng về mẫu mã, phong phú về màu sắc, giá cả cạnh tranh đã đẩy lồng đèn giấy kiếng lùi dần về quá khứ là điều hiển nhiên.
Trung thu ve tham xom den long-Hinh-2
Báo Đáp có nghề làm đèn lồng từ rất lâu đời. 
Bà Nguyễn Thị Hiền, một thương lái lồng đèn ở Báo Đáp, chia sẻ: “Mấy năm trước, tự dưng các mối hàng ít về đây lấy lồng đèn giấy kính. Họ cho rằng vận chuyển cồng kềnh, tốn chi phí. Trong khi đó, lồng đèn xếp, lồng đèn điện tử có nhạc nhỏ, gọn, dễ vận chuyển mà giá cả lại phải chăng. Hơn nữa, ưu thế của đèn nhựa khó bị cháy, rách, đáp ứng được số đông phụ huynh có tâm lý "ăn chắc mặc bền”. Đây cũng là lý do khiến cho nghề làm nghề lồng đèn Báo Đáp không phát triển suốt một thời gian dài. Nhưng hai năm trở lại đây, người tiêu dùng có xu thế quay lại với các loại đèn lồng truyền thống. Nhờ thế mà làng nghề Báo Đáp cũng khấm khá dần lên”.
Giờ về Báo Đáp, người ta sẽ thấy cả làng nhộn nhịp làm đèn. Trong số những làng nghề làm đèn lồng truyền thống trên cả nước thì đèn lồng Báo Đáp được đánh giá rất cao. Bởi đèn lồng ở đây mang lại những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt, với nhiều kiểu dáng gồm các loại đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có những chiếc đèn lồng kéo quân, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc.
Mấy năm trở lại đây, bên cạnh việc được sử dụng trong mỗi dịp trung thu, đèn lồng Báo Đáp ngày càng trở nên gần gũi thân quen hơn với mỗi con người và còn được dùng như vật dụng trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được nét đẹp sang trọng và rực rỡ vốn có trong các gia đình Việt. Sử dụng đèn lồng trang trí trong các ngày Lễ Tết, tiệc cưới trở thành nét văn hóa của người Việt. Do sự gần gũi một cách mộc mạc nhưng không kém phần sang trọng mang phong cách cổ xưa, chúng ngày càng được xuất hiện như vật dụng trang trí nội thất trong các khách sạn, nhà hàng, quán café…
Đèn lồng Báo Đáp ngày nay không chỉ phô diễn màu sắc, hình dáng mà còn được biến tấu với nhiều kiểu như thêu ren gắn với biểu tượng, di tích văn hóa, lịch sử mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống Việt đến với mọi gia đình. Ngoài những sản phẩm đèn lồng theo cách truyền thống, giờ một số gia đình ở làng nghề này còn mạnh dạn đầu tư sản xuất những loại đèn lồng có thể xếp gọn để thuận tiện cất giữ và dễ dàng mang đi xa. Dù phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhưng sắc đỏ đèn lồng Báo Đáp đã và đang dần tái khẳng định vị thế của mình, điều đó minh chứng cho sức sống trường tồn của một làng nghề truyền thống.
Theo Công lý

Bình luận(0)