Tận mục hai bộ xương cá Ông “độc nhất vô nhị” VN

Google News

(Kiến Thức) - Tại kho xương động vật khổng lồ ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, những chiếc xương cá voi dài hàng mét chiếm diện tích lớn nhất trong kho...

Thế nhưng, điều thú vị ở bộ xương cá voi này không chỉ vì là đôi cá voi độc nhất vô nhị tại bảo tàng mà hành trình tìm kiếm cũng rất phức tạp và tốn kém.
"Rình" cá ông
Cá voi được người dân ven biển miền Trung gọi là cá ông, tôn làm thần biển. Chính vì thế nên người dân rất kỵ việc bắt, giết cá voi. Khi phát hiện xác cá voi trôi dạt vào bờ thì người dân phải lượm xác rồi tiến hành chôn cất theo nghi thức trang trọng như đối với một vị thần. Sau khi chôn cá ông, 2 - 3 năm sau người dân lại tiếp tục cải táng và xây mộ to, hoành tráng hoặc đưa vào miếu thờ để dân chúng địa phương mãi mãi tôn thờ và cầu mong linh hồn cá ông phù hộ cho những chuyến ra khơi bắt được nhiều tôm cá, thắng lợi trở về.
Chính vì quan niệm này của người dân miền biển nên việc sưu tập các bộ xương cá voi về bảo tàng cũng rất khó khăn. Trong đó, khó nhất là việc vừa đảm bảo tôn trọng tín ngưỡng của người dân mà vẫn lấy được bộ xương cá voi về bảo tàng để trưng bày.
Đôi cá voi độc nhất vô nhị tại Bảo thàng Thiên nhiên Việt Nam. 
Theo PGS.TS Phạm Văn Lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thì để sưu tập được đôi cá voi này các nhà khoa học phải bỏ ra nhiều thời gian theo dõi, tìm kiếm thông tin của những vụ cá voi trôi dạt vào bờ biển các tỉnh trên cả nước. Khi biết thông tin rồi lại tìm cách đến để đàm phán, thỏa thuận với người dân để họ nhường lại bộ xương đem về Hà Nội trưng bày. Quá trình tìm kiếm này được bắt đầu từ khi Chính phủ có chủ trương xây dựng bộ sưu tập cấp Quốc gia về thiên nhiên năm 2006. 
Năm 2007, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam nhận được thông tin người dân ở Thừa Thiên - Huế phát hiện xác một con cá voi nặng gần 20 tấn dạt vào vùng biển cảng Chân Mây, thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Phú Lộc. Ngay sau đó, bảo tàng đã liên hệ với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh và cử cán bộ vào Huế trực tiếp đàm phán với tỉnh để tìm cách đưa bộ xương cá voi này về làm mẫu vật cho bảo tàng. Được UBND tỉnh và các cơ quan trực thuộc tỉnh giúp đỡ, bảo tàng đã hoàn tất thủ tục tiếp nhận phần mộ cá voi đã được chôn cất tại địa bàn xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc và chịu trách nhiệm quản lý phần mộ cá ông để sau 2 - 3 năm nữa sẽ khai quật đưa về bảo tàng.
Cũng trong năm 2007, tại địa điểm gần cảng Chân Mây, người dân lại phát hiện thêm một xác cá voi nữa trôi dạt vào bờ, nhưng trọng lượng nhỏ hơn con cá voi trước (dài khoảng 3m, nặng khoảng 700kg). Khi nhận được thông báo của người dân địa phương, giám đốc bảo tàng đã trực tiếp liên hệ và đề nghị địa phương chôn cất cá voi này ngay cạnh phần mộ của cá ông nói trên. Trong chuyến công tác vào kiểm tra phần mộ cá ông cuối năm 2008, đích thân Giám đốc Phạm Văn Lực và Phó Giám đốc Trần Văn Ý đã đàm phán với địa phương xin khai quật bộ xương đem về bảo tàng. Đây là bộ xương cá voi đầu tiên được thu thập về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. 
TS Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam kiểm tra kho bảo quản xương cá voi. 
Xác cá 2 năm chưa phân hủy hết
PGS.TS Phạm Văn Lực, người trực tiếp tham gia cuộc đàm phán lấy hai bộ xương cá voi ở Thừa Thiên - Huế kể lại: "Thông thường người dân địa phương ai phát hiện được xác cá voi đầu tiên thì trở thành chủ tang và nghi lễ chôn cất sẽ diễn ra ở nhà người đó. Khi chúng tôi vào đến nơi thì xác cá voi đã được người dân địa phương tổ chức tang lễ và chôn cất xong. Sau đó, được sự giúp đỡ của địa phương chúng tối đã hoàn tất thủ tục bàn giao, tiếp nhận phần mộ cá ông về cho bảo tàng. Theo đó, phía bảo tàng sẽ thanh toán toàn bộ chi phí trục vớt, vận chuyển và tang lễ cho cá ông. Sau khi được người dân đồng ý, chúng tôi đã tiến hành làm hợp đồng với chính ông Võ Văn Khế, người đã phát hiện xác cá ông ngoài biển và là chủ tang cho cá ông trông giữ phần mộ cá ông suốt từ đó cho đến khi cải táng".
Đến năm 2009, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã cử đoàn cán bộ vào Thừa Thiên - Huế khai quật mộ cá ông lớn. Đoàn phải thuê hàng chục nhân công địa phương lao động ròng rã suốt hai ngày trời mới lấy được toàn bộ xương của cá voi lên.
Theo lời một số cán bộ trực tiếp đi thu xương cá voi thì khi đào xuống độ sâu 2m bắt đầu gặp xác cá. Nhưng điều rất lạ lùng là mặc dù sau hơn 2 năm chôn cất nhưng xác cá voi vẫn chưa phân hủy hết, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi khiến nhiều người ngỡ ngàng, khủng khiếp, có người phải bỏ chạy. Sau đó, các nhà khoa học phải phun hóa chất lên xác cá để khử mùi, rồi những thanh niên trai tráng phải dùng cả dao để lọc thịt mới lấy được bộ xương cá. Cái khó nữa là những khúc xương này dài tới hàng mét, nên việc đưa lên khỏi miệng hố cũng rất khó khăn. Người ta phải buộc xương vào một sợi dây cho những người đứng trên mặt đất kéo lên. Riêng phần xương sọ thì phải thuê cả máy cẩu mới đem lên được.
"Khi chúng tôi đào mộ cá lấy xương thì thấy xác cá chưa phân hủy hết khiến người dân trong vùng rất ngạc nhiên. Họ nói, trước đây, người dân cũng đã từng chôn cá voi và sau 3 năm xác cá phân hủy hết chỉ còn lại xương nên việc xác cá không phân hủy hết là điều lạ lùng. Phía các nhà khoa học chúng tôi đã phải giải thích cho người dân hiểu đó chỉ là hiện tượng bình thường khi mà trọng lượng xác cá lên đến gần 20 tấn trong khi cá lại được chôn sâu trong vùng cát mặn sát biển, có thể lượng vi sinh vật không đủ để phân hủy xác cá trong vòng chưa đến 3 năm".
PGS.TS Phạm Văn Lực 
Quách Dương

Bình luận(0)