“Nỗi buồn” Tô Vĩnh Diện

Google News

(Kiến Thức) - Ban thờ của người anh hùng Tô Vĩnh Diện, hy sinh thân mình chèn pháo trên trận địa Điện Biên Phủ, chỉ được đặt trong một ngôi nhà cấp bốn dột nát.

Lấy ảnh tặng người yêu làm ảnh thờ
Quá trưa chúng tôi hỏi thăm về nhà anh hùng Tô Vĩnh Diện, từ đầu xã nhiều người đã hăm hở dẫn đường người khách lạ. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, chị Lê Thị Tuyến cho biết: "Tôi là vợ anh Tô Vĩnh Châu, cháu ruột của bác Tô Vĩnh Diện, anh Châu đi làm xa nên mọi công lớn việc nhỏ trong gia đình đều do tôi đảm nhiệm".
Cũng trong ngôi nhà ngói đơn sơ chúng tôi may mắn được gặp cụ bà Tô Thị Ngoạn, người em gái ruột của ông Tô Vĩnh Diện (cụ Ngoạn lấy chồng và ở cùng xóm với gia đình chị Tuyến). Cụ Ngoạn năm nay đã bước sang tuổi 87 nhưng sức khoẻ vẫn còn khá tốt, cụ vẫn nhớ như in những ký ức về người anh của mình. 
Kỷ vật Nhà nước tặng cho thân nhân anh hùng Tô Vĩnh Diện. 
Cụ Ngoạn cho biết: "Bố mẹ tôi sinh được 8 người con (5 trai, 3 gái) anh Diện là người con thứ 3, tôi là thứ 4. Gia đình tôi trước đây đông anh em nên khổ lắm. Gia đình không có ruộng đất để làm, mấy anh em phải đi ở làm thuê cho nhà giàu. Khi đó anh Diện lên 8 tuổi đã phải đi ở cho một nhà địa chủ trong xã, anh làm tất tật các công việc của gia đình họ từ việc nhà đến việc đồng áng. Mỗi tháng anh ấy được họ trả cho 2 quan tiền (3 đấu lúa) về nuôi cả gia đình sinh hoạt trong tháng. Hằng ngày gia đình tôi phải độn ít gạo trắng ăn với củ khoai, củ chuối. Nhiều hôm không có khoai chuối mà ăn phải nhịn đói".
Cụ Ngoạn bảo, gia đình nghèo đói nên mấy anh em cũng không có điều kiện ăn học. Cố gắng lắm bố mẹ cũng lo cho ông Diện được đi học hết lớp 7. Khi đó ông Diện tầm độ mười tám đôi mươi, là một chàng trai vui tính khí phách hơn người. Sau khi thôi học ông đã tham gia đội quân du kích của xã, trong một lần hoạt động liên lạc ông đã bị bắt. Quân địch định xử bắn ông, nhưng nhờ có quân Việt Minh bí mật đến giải thoát trong đêm.
Chị Tuyến bên căn nhà cấp 4 dột nát thờ phụng ông Diện. 
"Năm 1949, anh Diện xung phong đi bộ đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi đi anh qua nhà bảo tôi nấu cơm cho anh ăn để anh lên đường. Tôi vừa kịp nấu bát canh, luộc con gà cho anh ăn thì anh đến báo lại đơn vị anh thay đổi giờ hành quân, anh phải lên đường ngay bây giờ. Khi đó vội vàng quá anh cũng không ăn được gì, anh chỉ bốc vội quả cà muối ăn lót dạ", cụ Ngoạn trầm buồn kể.
Sau này qua những lời kể của những người đồng đội ông Diện về thăm nhà, mọi người trong gia đình mới biết ông Diện vào quân ngũ được cử làm Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly (thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367). Ông đã cùng những đồng đội của mình hành quân đi bộ hàng trăm cây số vừa đi vừa kéo pháo tập kết lên Điện Biên Phủ. Trong quá trình kéo pháo qua đồi núi dây tời bị đứt sợ pháo rơi xuống dốc ông đã hy sinh thân mình để chèn pháo. Tấm gương của ông khi đó là biểu tượng, sức mạnh cho quân và dân ta đánh thắng giặc Pháp.
Cụ Ngoạn cho hay, ngày đó ông Diện đi bộ đội cũng ít khi thư từ về. Vào tháng 1/1954 có người trong đơn vị về báo tin ông đã hy sinh trong chiến trường thì gia đình mới biết. Lục đồ đạc tìm bức ảnh để lập bàn thờ ông nhưng không thấy. Sau này mọi người mới nhớ ra trước khi đi chiến trường ông Diện từng có người yêu ở làng bên, hai người từng thề non hẹn ước. Ông Diện có tặng cho cô gái đó một bức hình của mình. Nhờ thế người thân trong gia đình ông Diện mới sang nhà cô gái để xin lại bức hình đó. Hiện bức ảnh thờ của người anh hùng Tô Vĩnh Diện cũng được phác thảo dựa trên bức ảnh cũ đó.
Cụ Ngoạn kể ký ức về anh trai. 
"Gia đình chỉ mong có một nơi thờ riêng cho ông"
Chị Tuyến cho biết: Trước đây do gia đình nhà ông Diện nghèo, không có nhà để ở nên mọi người cho ở nhờ nhà thờ họ Tô Vĩnh. Khi ông Diện mất cũng được thờ cúng chung tại nhà thờ họ. Sau này nhà cửa hư hỏng UBND xã Nông Trường mới cấp cho 400.000đ để cho gia đình làm lại nhà. Trải qua thăng trầm của thời gian, giờ căn nhà cấp 4 của gia đình chị Tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Vợ chồng tôi cùng hai đứa con vẫn sống trong căn nhà này. Mỗi khi trời mưa xuống, tôi phải lấy chậu để hứng nước. Hai cánh cửa chính thì bị hư hỏng hết. Vợ chồng tôi muốn sửa sang lại để ở kiên cố, lấy nơi thờ cúng cho ông bà và bác Diện nhưng vì không có điều kiện nên chưa làm được. Hai vợ chồng làm 3 sào ruộng chỉ đủ cho hai con ăn học. Mấy mẹ con tôi lại bị bệnh tật hay phải ra Hà Nội để khám chữa, nên phải vay mượn nhiều. Đến năm nay gia đình tôi mới được chuyển sang danh sách những hộ cận nghèo, còn những năm trước nghèo toàn tập", chị Tuyến buồn bã nói.
Cháu dâu Lê Thị Tuyến chỉ mong rằng ngày nào đó bác của mình có nơi thờ riêng. 
Chị Tuyến kể: Trước đây có nhiều đoàn thể các nơi về thăm gia đình, nhìn thấy nhà cửa dột nát, ông Diện không có nơi thờ riêng họ nói về sẽ đề xuất để xây dựng nơi thờ tự riêng cho ông Diện. Nhưng rồi cũng không thấy họ quay lại nữa. Hồi năm ngoái có tổ chức đoàn viên thanh niên trong tỉnh Thanh Hóa kêu gọi mọi người đóng góp, ủng hộ để xây dựng nhà thờ cho ông Diện. Họ về nói với gia đình rằng họ sẽ nhờ đất của gia đình đang ở để xây dựng nhà thờ cho ông Diện. Ngôi nhà đó chỉ để thờ phụng ông Diện. Nhưng gia đình chị Tuyến không nhất trí, bởi nếu làm như vậy gia đình họ sinh sống nơi đâu? Vì thế, họ thiết tha khẩn cầu chính quyền xã Nông Trường tạo điều kiện cho gia đình một diện tích đất nhất định để các tổ chức xây dựng cho ông Diện một nơi thờ cúng riêng.
Tôi kính cẩn nghiêng mình cúi xuống thắp cho người anh hùng Tô Vĩnh Diện một nén hương mà lòng thấy buồn. Bao nhiêu năm qua người anh hùng ấy vẫn chỉ được người thân hương khói chung cùng với ông bà tổ tiên.
Ông Lê Văn Son, người hàng xóm ông Diện, tính tuổi đời là em ông Diện cũng từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ bùi ngùi nói với chúng tôi: "Xã hội mình đôi khi vẫn còn thiếu công bằng, những người hy sinh cả cuộc đời, nổi tiếng như anh Diện mà vẫn chưa được tôn vinh xứng đáng. Khách xa gần về thăm nhà anh Diện họ đều bất ngờ, bởi người ta tôn vinh cao xa nơi đâu chứ đến làm một nơi thờ phụng riêng cho anh Diện cũng không có".
Trước khi chúng tôi ra về chị Tuyến tâm sự: "Bao nhiêu năm gia đình tôi làm đơn đề nghị các cấp chính quyền với mong muốn sẽ có một nơi thờ tự  riêng cho bác Diện, nhưng vẫn phải đợi. Có cơ quan hứa rồi để đó. Gia đình tôi mong muốn ngoài quà lễ Tết hằng năm được hưởng cho đối tượng liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà nước sẽ cấp thêm một phần tiền hương khói hằng ngày".
Vợ chồng anh Tô Vĩnh Châu là cháu ruột của anh hùng Tô Vĩnh Diện. Vợ chồng anh Châu hương khói cho ông Diện. Mỗi dịp lễ Tết hằng năm gia đình đều nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, hiện gia đình đang mong muốn sẽ được Nhà nước xây dựng một nơi thờ tự riêng cho ông Tô Vĩnh Diện.
Ông Lê Văn Thạch (Trưởng thôn 5, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa)  
Đức Hồng

Bình luận(0)