Nghiệt ngã cảnh đời thanh niên mang “chân voi” hơn 22 năm

Google News

Từ khi sinh ra, Trương Văn Thưởng (22 tuổi, ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã bị dị tật, mang "chân voi" hơn 22 năm.

Từ khi sinh ra, Trương Văn Thưởng (22 tuổi, ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã bị dị tật. Chân trái của cậu dài và to hơn chân phải một cách bất thường. Thưởng đã phải mang "chân voi" hơn 22 năm.
Nghiet nga canh doi thanh nien mang “chan voi” hon 22 nam
Chân trái Thưởng to như chân voi khiến em đi lại rất khó khăn. Ảnh Đức Thuận 
Ông Trương Văn Thành (sinh năm 1970, bố của Thưởng) chia sẻ rằng, ngày trước không có điều kiện như bây giờ nên khi vợ mang bầu không được đi siêu âm để biết trước dị tật.
“Cả 2 vợ chồng quanh năm bán mặt cho 3 sào cà phê, 2 sào sắn và hơn 1 sào ruộng nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn chứ không có tiền đi khám thai” – ông Thành nói.
Đến khi Thưởng ra đời, các bác sĩ thông báo rằng cháu bị dị tật bẩm sinh. Vợ ông khóc rất nhiều, ông Thành cũng thương vợ xót con chẳng nói sao cho hết.
Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền để nghĩ đến chuyện sẽ phẫu thuật cho con, vợ chồng ông đành bế con về nhà chăm sóc. Những mong, tình yêu thương vợ chồng ông dành cho Thưởng sẽ bù đắp cho con bớt mặc cảm tật nguyền.
Càng lớn, cái chân dị tật của Thưởng ngày càng lộ rõ. Nó to và dài hơn rõ rệt so với cái chân còn lại. Chính vì thế, bước đi của em cũng “cà nhắc”, “chấm phẩy” không được như người bình thường.
Lên 6 tuổi, cái tuổi mà mọi đứa trẻ đều háo hức để bắt đầu đi học lớp 1, hành trình đầu tiên trong quãng đời học sinh đẹp đẽ của mỗi người, Thưởng cũng tự đeo cặp đi đến lớp, dù lúc này, cái chân trái của em bắt đầu có dấu hiệu to lên nhanh bất thường.
Ông Thành tâm sự, trường cấp 1 cũng ở ngay gần nhà nên gia đình đỡ phải đưa đón Thưởng mỗi ngày. Hơn nữa, cậu bé lại rất thích được tự mình cùng bạn bè đi đến trường, mặc dù, chẳng bao giờ Thưởng có thể đi kịp đám bạn vì đôi chân “chấm phẩy” của mình.
Vì ham học, Thưởng vẫn cố đi bằng chính đôi chân mình để theo học đến hết lớp 5.
Lên cấp 2, Thưởng không thể theo học được nữa vì trường xa nhà. Cậu bé lại không thể đi được xe đạp, bố mẹ bận tối mắt từ sáng sớm cho đến tối với việc ruộng vườn nên cũng không thể đưa đón Thưởng mỗi ngày. Vậy là ước mong đi học của em đành dừng lại. Thưởng ở nhà phụ giúp bố mẹ chăm 3 đứa em nhỏ, coi sóc nhà cửa trong lúc bố mẹ đi làm thuê kiếm tiền.
Cũng trong thời gian này, hy vọng có một đôi chân bình thường như mọi người lóe lên với Thưởng. Được sự giúp đỡ của địa phương, Thưởng được đưa đi phẫu thuật miễn phí ở bệnh viện tại Đắk Lắk.
Ông Thành kể: “Các bác sỹ tiến hành mổ để chỉnh lại khớp gối, cắt bỏ một đoạn xương rồi gắn lại bằng đinh vít để cho 2 chân bằng nhau. Nhưng sau ca mổ, vết thương của Thưởng bị nhiễm trùng, gia đình lại tiếp tục mang Thưởng về bệnh viện địa phương điều trị. Khoảng 1 tháng thì vết thương lành. 6 tháng sau, Thưởng được đưa đi mổ để rút đinh.”
Cũng theo ông Thành, kể từ đó chân của Thưởng cứ ngày một to dần, mức độ biến dạng nhanh hơn cả ngày trước. Chỉ sau vài năm, chân trái Thưởng to ra như “chân voi” và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thậm chí, từ khoảng năm 2009, trên lưng của Thưởng tự nhiên cũng nổi lên một khối u cứng. Cùng với cái chân trái to như chân voi, theo thời gian khối u trên lưng cũng to dần. Nó khiến lưng Thưởng gù đi, cong vống lên như mai rùa.
Hiện tại, Thưởng đã là một thanh niên 22 tuổi, thế nhưng em chỉ cao khoảng một mét mốt, nặng hơn 30 kg. Trong đó riêng trọng lượng cái “chân voi” của em đã ước chừng 15 kg, chiếm hơn 1 nửa trọng lượng cơ thể và vẫn đang ngày một phình ra.
Bà Phùng Thị Cảnh (mẹ của Thưởng) tâm sự: “Gia đình có 6 miệng ăn, anh em nội ngoại hầu hết ở Tam Thanh, Tam Kỳ, Quảng Nam. Ai cũng nghèo khổ, hàng ngày 2 vợ chồng quần quật với mấy sào cà phê với sắn.
Làm thuê đủ thứ việc nhưng cũng không đủ ăn, nên hơn 20 năm nay không làm sao có tiền để đưa con đi viện để chữa trị”.
Bằng sự giúp đỡ của nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm, ngày 16/4, Thưởng được đưa ra bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để khám bệnh.
Trao đổi với PV VTC News, ông Thưởng gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm mặc dù chưa một lần gặp mặt nhưng chứng kiến con ông chịu cảnh khổ cực như hiện tại đã dang tay cứu giúp.
Song bên cạnh đó, ông Thành vẫn canh cánh nỗi lo chi phí chữa bệnh cho con.
Ông nói: “Tôi thì ra ngoài Hà Nội chăm Thưởng, ở nhà vợ cũng đang chăm thằng con út bị u bướu ở cổ đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu phải nằm viện lâu thì mấy đứa con ở nhà không có ai chăm, không biết lấy gì mà sống.”
Hiểu được câu chuyện bố đang nói, Thưởng ngậm ngùi cúi gằm mặt suốt buổi nói chuyện. Em chia sẻ: “Lẽ ra ở tuổi này em phải giúp bố mẹ nuôi các em nhưng giờ lại thành gánh nặng.”
Nói xong, Thưởng khập khễnh lê cái “chân voi” nặng nề đi vào phòng bệnh nằm khóc.
Mời quý độc giả xem video:
Theo VTC News

Bình luận(0)