Nam Định: Sự thật chuyện hai người đàn ông bị “yểm bùa“

Google News

Theo người dân trong làng đồn đại, 2 người này điên do bị "yểm bùa"...

- Làng Lang Xá, một ngôi làng nhỏ của xã Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định có hai người đàn ông bị điên loạn. Theo người dân trong làng đồn đại, 2 người này điên do bị người Mường "yểm bùa".

Hoài nghi gái Mường "yểm bùa"

Ông Trần Văn Bao, 73 tuổi, có người con trai tên Nội bị tâm thần cho biết: "Nội là người con trai thứ 2 trong gia đình. Năm 1985, Nội 20 tuổi lên đường nhập ngũ, làm lính trinh sát vùng biên giới Lạng Sơn. Đến tháng 3/1987, Nội ra quân. Tưởng rằng sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về gia đình Nội sẽ lấy vợ sinh con. Ngờ đâu...".

Người dân trong làng không dám nhìn mặt Nội, sợ bị đuổi đánh.
Người dân trong làng không dám nhìn mặt Nội, sợ bị đuổi đánh.

 

Khi ra quân trở về với gia đình, mọi người trong gia đình ông Bao hết sức bất ngờ khi thấy Nội bị tâm thần. Hỏi về nguyên nhân, Ông Bao nhớ lại: "Đi bộ đội được hơn một năm thì Nội về nói chuyện với tôi rằng nó đã yêu hai người con gái người dân tộc Mường gần đơn vị. Nó bảo tôi mua cho hai chiếc nón để tặng cho hai cô gái. Mua rượu để mời bạn bè uống uống mừng. Ngày đó Nội không có biểu hiện bệnh tật gì cả".

Ông tiếp lời: "Nhiều đêm nằm nghĩ, tôi cho rằng nếu nó lấy hai cô gái Mường đó thì có lẽ không bị như thế này. Vì ngày ra quân, cũng là ngày Nội chia tay hai cô gái đó. Chắc vì thế nên Nội đã bị họ trả đũa. Gia đình, họ hàng nhà tôi không ai bị bệnh giống Nội cả. Hồi nhỏ, Nội chỉ đi bệnh viện duy nhất 1 lần vì bị xuất huyết não, nhưng đã điều trị khỏi hẳn từ ngày đó".

Ngày Nội về nhà trên người chỉ mặc mỗi bộ quần áo rách rưới, ba lô mất hết quần áo, chỉ còn lại ít giấy tờ. Lúc đó Nội không nói câu gì, về sau gặng hỏi mãi mới nói là đi lạc đường 7 ngày 7 đêm mới về đến nhà. Ở nhà 5 ngày, Nội lên đơn vị để hoàn thành thủ tục ra quân. Trong giấy tờ, thủ trưởng đơn vị  chỉ nhận xét rằng Nội hay cãi, không nhận khuyết điểm khi sai phạm.
 
Tự đốt cháy ngón chân

"Thời gian đầu khi mới về quê, dù bị tâm thần nhưng Nội vẫn chăm chỉ làm việc. Nhờ một người họ hàng giới thiệu, Nội cưới một cô gái bên làng Xuân Mai, Vụ Bản, Nam Định. Hai vợ chồng sinh được hai người con trai đều khỏe mạnh. Từ khi bị tâm thần, Nội rất hay nhìn gườm gườm mọi người", ông Bao cho biết.

Sau đó, thi thoảng Nội gây sự với mọi người trong làng, thậm chí là nhảy vào đánh người. Hễ thấy người nào đội nón là Nội lao vào giằng lấy nón và xé nát. Mấy năm trước khi đi xem văn nghệ quần chúng ở làng, Nội gây sự với đám thanh niên, bị đâm vào lưng nhưng Nội cũng không thấy đau. Một lần, ở nhà một mình, Nội tự nấu cơm, nhưng đang đun bếp rạ thì đút chân vào lửa, hàng xóm đưa đi cấp cứu nhưng một bàn chân đã bị bỏng nặng hỏng hết các ngón.

Sau khi sinh người con thứ hai được vài tháng, vợ Nội bị bệnh hiểm nghèo và qua đời, để lại người chồng điên cùng hai đứa con thơ. Gánh nặng đè lên vai vợ chồng ông Bao. Vì gia đình khó khăn nên ông Bao đành gửi cháu trai thứ 2 sang bên họ ngoại. Từ đó, bệnh tình của Nội ngày càng nặng. Mọi người trong làng không ai dám nhìn Nội vì sợ bị đuổi đánh. Chỉ cần nhìn thấy Nội từ xa mọi người đã phải lảng đi lối khác. Một hôm, Nội đang ngồi ở bên đường thì một người hàng xóm đi qua nhìn chằm chằm. Nội liền ôm người đàn ông này quẳng xuống ao.

Ông Bao cho hay: "Từ khi Nội phát bệnh, gia đình đưa Nội đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Gia đình muốn lên trên Lạng Sơn nơi trước đây đơn vị Nội đóng quân, tìm lại hai người con gái Nội đã tặng nón, để tìm hiểu chuyện yêu đương của Nội thế nào. Nếu họ "yểm bùa" Nội thì xin thuốc giải nhưng không có tiền đi nên đành chịu".

Ông Bao vẫn tin rằng con trai mình bị "yểm bùa".
Ông Bao vẫn tin rằng con trai mình bị "yểm bùa".

Dính lời nguyền vì lấy trộm dép thêu hoa

Cụ Trần Thị Gái 75 tuổi, người dân làng Lang Xá, cho biết: "Làng tôi không chỉ có anh Nội bị điên do "yểm bùa". Còn có cả anh Trần Văn Thuận. Anh này sau khi lấy trộm đôi dép thêu hoa của một bà lang người Mường đã trở nên điên dại".

"Một hôm Thuận sang nhà hàng xóm chơi. Thấy 2 bà lang người Mường Hòa Bình trọ ở nhà này có đôi dép thêu hoa văn rất đẹp, anh đã lấy giấu đi với ý định trêu họ. Khi biết bị mất dép, một trong hai người đàn bà đó nói rằng: "Đứa nào trộm dép của bọn tao không trả, sau này sẽ bị điên", cụ Trần Thị Gái kể lại.

Không biết thực hư việc Thuận lấy dép của hai người Mường này thế nào, nhưng quả thực thời gian sau Thuận đã bị bệnh tâm thần. Từ một người đàn ông, hiền lành, chăm chỉ, yêu thương vợ con, Thuận trở thành người điên dại, đi lang thang và hay "giở trò" với đàn bà, con gái trong làng. Nhiều người dân ở đây cho rằng Thuận bị điên như vậy vì đã trúng lời nguyền của bà lang Mường kia.

Người làng thường gọi Thuận là điên tình, thường trêu ghẹo đàn bà, con gái trong làng, không từ bà già hay trẻ nhỏ, vì thế mọi người đều sợ. "Hắn rình rập nhà chị T.T.M. nhiều lần vì chị M. mất chồng từ lâu. Một lần, hắn lẩn vào nhà chị từ chập tối, đêm đến, hắn định giở trò với chị, nhưng chị M. đã kêu lên, hàng xóm chạy đến kịp thời nên Thuận chưa làm gì được. Mọi người vác gậy gộc đánh cho Thuận trận đòn thừa sống thiếu chết", anh Lê Ngọc Năm, em chị M. kể lại.

Người nhà cũng đã đưa Thuận đi chữa trị nhiều nơi, mời cả thầy cúng "cao tay" về nhà làm lễ mấy ngày, nhưng vẫn không khỏi.

Không biết thực hư hai người đàn ông trong làng Lang Xá, bị bùa ngải của người Mường thế nào, nhưng bao nhiêu năm nay họ vẫn cho rằng họ bị điên là do bị "yểm bùa", với những lời nguyền ai oán.

Anh Nội đi lính về thì bị bệnh, sau đó, anh lấy vợ có hai đứa con. Ngày nhỏ, anh ấy cũng đã có triệu chứng của bệnh tâm thần rồi, bệnh ngày càng nặng hơn. Ra quân, anh Nội làm mất hết giấy tờ nên không được hưởng chế độ gì.
Ông Nguyễn Hoàng Điệp (Trưởng thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến, Mỹ Lộc, Nam Định)
 
Tôi từng đọc tài liệu của một giáo sư người Pháp viết về bộ môn siêu cận tâm lý, có viết về hiện tượng yểm bùa, lời nguyền. Tôi cho rằng việc yểm bùa, lời nguyền không phải trong các truyền thuyết mà nó có thực trong đời sống. Người yểm bùa phải có khả năng dùng ý nghĩ, tâm lý của mình để để tác động đến người khác bằng ám thị từ xa. Những bài yểm bùa đó vẫn tồn tại ở các dân tộc miền núi nước ta.
Ông Nguyễn Phúc Giác Hải (Trưởng Bộ môn Thông tin Dự báo, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người)
Đức Lợi
 
Bài đọc nhiều:
 

Bình luận(0)