Già làng tặng nhà mồ cho bố vợ

Google News

Ngày khiêng ngôi nhà mồ lên nhà bố vợ, ông Đinh Văn Đeng vỗ đùi đen đét khen con rể khéo tay, ngôi nhà đẹp đến hoàn hảo.

- Đối với đàn ông Cơ Tu (Quảng Nam), một trong những việc quan trọng nhất là làm nhà mồ tặng bố vợ. Nhà mồ càng đẹp, vai trò vị trí của họ càng lớn, càng uy tín.

“Ping a chua” (ngôi nhà mồ đẹp nhất) hả? đến thôn A Liêng, xã A Ting (Đông Giang), hỏi nhà Briu Ngà, khắp vùng này chẳng có ngôi nhà mồ đẹp hơn của già đó”, Briu Băm (42 tuổi), người vá xe đầu tuyến quốc lộ ĐT 604 hồ hởi chỉ đường. Không phải ngẫu nhiên khắp dân bản Đông Giang đâu đâu cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện ngôi nhà mồ kiểu mẫu của cả huyện. 

Độc nhất vô nhị

Nhà  Briu Ngà, già làng A Liêng nằm ngay sát đường chính. Ưu thế về nghề mộc khiến kiến trúc ngôi nhà bằng gỗ, hai tầng, bên ngoài dùng gạch vữa trông bắt mắt. Phải chờ gần hai tiếng đồng hồ, khi già Briu Ngà phải băng qua vài quả núi, cắt rẫy về nhà. Bù lại, chúng tôi được mục sở thị và nghe những chuyện hiếm có về phong tục tập quán của người Cơ Tu giữa đại ngàn thăm thẳm. Già Briu Ngà khề khà vài chén rượu, hồ hởi dẫn chúng tôi băng qua đoạn đường lên phía sườn đồi.
 
Nhà mồ đẹp nhất huyện do chính già làng Briu Ngà làm
Nhà mồ đẹp nhất huyện do chính già làng Briu Ngà làm


Khu “rừng ma” của người dân bản A Liêng nổi bật với ngôi nhà mồ bề thế. Nhà mồ có đến 6 cột, 4 kèo, 4 đầu trâu hai bên, một hình rồng trên nóc được chạm khắc hoàn hảo, đặc biệt bên trong nhà mồ, tấm nhà múa (đông pa giắc) dù khá nhỏ được chạm khắc tinh vi với nhiều chi tiết độc đáo: heo rừng, cá, cua, rắn, ngựa, hai bên là hai đầu trâu húc nhau.
 
Nhà Múa (Đông pa giắc) thể hiện nhiều chi tiết trạm khắc độc đáo, sắc sảo
Nhà Múa (Đông pa giắc) thể hiện nhiều chi tiết chạm khắc độc đáo, sắc sảo


Có cái thì đục như phù điêu, có cái thì đục xuyên qua như chạm lộng. Hình rau dớn, người cưỡi ngựa, cưỡi rồng, người ngồi khóc. Ở giữa thì có chim Tring, bốn đầu đòn là hình người đánh trống đánh chiêng. Bốn cái trụ là hình bốn người ngồi dâng rượu, thuốc lào, cơm, trầu cau, chim Tring... cho vong trong mộ. Ngoài những điêu khắc được chạm trổ khá công phu ở phần bên ngoài, bên trong nhà mồ còn có những hình tượng nghệ thuật được chạm khắc rất tinh vi, thể hiện tài năng của đôi bàn tay vàng, tài hoa của người nghệ nhân dân gian với các kiểu đục nổi như phù điêu, đục xuyên qua như chạm lộng...
 
Giọng già Briu Ngà hào sảng: không chỉ kết cấu, chi tiết, từng chiều cao rộng của nhà mồ phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, theo quan niệm của người bản địa. Trong đó chiều cao 2m, dài 2m, rộng 1,8m. Khó nhất trong việc tạo nhà mồ chính là khâu chạm khắc, đục đẽo các đường nét, chi tiết tinh xảo, tỷ mỉ. Đặc biệt ở tấm nhà múa đòi hỏi kỹ thuật và sự am hiểu sở thích của người được tặng nhà mồ. Khi họ sống, họ thích ăn gì thì mình phải thể hiện trên nhà múa những đồ, con vật tượng trưng như thế.

Già làng Briu Ngà cho biết: “Theo phong tục của người Cơ Tu: làm nhà mồ không phải thích làm như  thế nào cũng được. Muốn chạm bao nhiêu đầu trâu, phải giết bấy nhiêu con trâu để cúng thần linh và mời dân làng đến chứng kiến mới được làm. Do đó, để làm được nhà mồ phải cần có cả kinh phí. Với các gia đình Cơ Tu phải có điều kiện kinh tế mới dám nói đến chuyện làm nhà mồ.
 
 Đầu trâu bốn góc  được chạm khắc tinh vi
Đầu trâu bốn góc được chạm khắc tinh vi


Tặng nhà mồ cho bố vợ

Hơn 20 tuổi, Briu Ngà như bao thanh niên trai tráng trong làng, sớm chiều bên ruộng nương, canh tác. Chưa bao giờ là một thợ mộc chuyên nghiệp, nhưng một ngày cuối năm 1989 Briu Ngà được bố vợ Đinh Văn Đeng kêu lên tâm sự về ước vọng muốn có được một ngôi nhà mồ trước khi qua đời. Thấy cụ ở tuổi gần đất, xa trời, Briu Ngà gật đầu nhận lời.
 
Theo già Briu Ngà: Đối với đàn ông Cơ Tu, một trong những việc quan trọng nhất là làm nhà mồ cho bố vợ. Nhà mồ càng đẹp, vị trí của họ càng lớn, càng có uy tín. Nói là làm, Briu Ngà nhớ lại những câu chuyện kể về nhà mồ được truyền miệng từ thủa nhỏ rồi dùng than vẽ nghệch ngoặc hình dáng lên đất. Để làm các kèo, cột đến hình đầu trâu, bò, Briu Ngà phải dùng thân gỗ đến cả người ôm rồi miệt mài tự mày mò, tính toán. Hơn 5m3 gỗ được ông dùng trâu kéo từ khu rừng già cách nhà đến hàng chục cây số.
 
Già làng Briu Ngà  giới thiệu những chi tiết  được trạm khắc trên nhà  mồ
Già làng Briu Ngà giới thiệu những chi tiết được chạm khắc trên nhà mồ


Hì hục hơn ba tháng trời mới tập kết được nguyên vật liệu. Bỏ thêm gần năm trời đục đẽo, dựng lắp... cuối cùng ngôi nhà mồ mới hình hài trước mắt. Ngày khiêng ngôi nhà mồ lên nhà bố vợ, ông Đinh Văn Đeng vỗ đùi đen đét khen con rể khéo tay, ngôi nhà đẹp đến hoàn hảo. Từ đó, chàng rể trẻ được bố vợ giao toàn quyền quyết định mọi việc lớn nhở trong nhà từ dựng vợ gả chồng đến làm nhà cho các cô em gái của vợ.

“Đó là một vinh dự lớn dành riêng cho những ai làm nhà mồ đươc bố vợ ưng ý. Ngày ông mất, chúng tôi thấy ông ra đi đầy thanh thản, yên cái bụng” - già làng bộc bạch.

Theo già làng Bh’riu Prăm (86 tuổi, thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang), nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang: người Cơ Tu trên địa bàn từng có một ngôi nhà mồ to đẹp như của Briu Ngà nhưng bị tàn phá trong kháng chiến chống Pháp. Đến thời điểm này, kiến trúc nhà mồ của già làng Briu Ngà được xem là đẹp và công phu nhất của đồng bào Cơ Tu, cần có chính sách bảo tồn, giữ gìn phù hợp.

Già  Briu Ngà tự hào: gần 5 năm trước, Viện Bảo tàng dân tộc học vào tận nơi thăm thú rồi “đặt hàng” cho Briu Ngà làm ngôi nhà mồ đem ra trưng bày tại viện Bảo tàng. Tôi phải làm gần năm trời, tất cả kiểu dáng, gỗ đều phải bảo đảm nguyên mẫu. Làm nhà mồ người Cơ Tu để đem giới thiệu với người dân cả nước đó là một vinh dự lớn. Dịp triển lãm tại Viện Bảo tàng dân tộc học này cũng là thời điểm Briu Ngà được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian.

Xuân Tuyết

Bình luận(0)