“Dũng sĩ diệt xe tăng” lận đận giữa đói nghèo

Google News

Sèn Vạn Vần, người đàn ông dân tộc Nùng đã chiến đấu dũng cảm, diệt xe cơ giới trong kháng chiến chống Mỹ nhưng lận đận đi "xin công". 

Sèn Vạn Vần, người đàn ông dân tộc Nùng ở xã biên giới Thèn Phàng (Xín Mần, Hà Giang) vẫn được đồng đội cũ nhớ mãi với những chiến công như “biểu tượng” hào hùng về tinh thần chiến đấu dũng cảm, diệt xe cơ giới trong kháng chiến chống Mỹ. Thế nhưng, chiến tranh đã lùi xa, người đàn ông này vẫn lận đận đi “xin công” cho mình.
Viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ
“Dung si diet xe tang” lan dan giua doi ngheo
Ông Sèn Vạn Vần say sưa kể lại chiến công của mình (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Chuyến đi Xín Mần, Hà Giang có lẽ sẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất trong hàng trình đến với các vùng, miền của tôi. Đáng nhớ không chỉ bởi đường đi khó khăn, bởi cảnh đẹp nguyên sơ nơi đây mà còn bởi tình người, bởi cái tên Sèn Vạn Vần, người đã nhận được rất nhiều huân huy chương, bằng khen về chiến công diệt xe cơ giới, chiến sĩ dũng cảm trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Vượt qua đường núi cao, trắc trở, chúng tôi dừng chân trước căn nhà bằng đất trát, đã cũ kĩ, sập xệ nằm trên đỉnh núi Thèn Phàng. Khập khiễng với cái chân khớp, ông Vần đón tôi cùng các đồng đội cũ trong sự hân hoan, xúc động. Rót chén rượu thơm lừng mời mọi người, ông Vần bắt đầu kể: Năm 1972, khi ấy tôi vừa 20 tuổi, vẫn đang đi học. Lúc bấy giờ, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc rất dữ dội. Thứ 2 đầu tuần, các thầy cô giáo đọc báo nghe tin thời sự cho học sinh nghe về tình hình chiến trường miền Nam. Nghe tin đồng bào bị chết nhiều mà tôi xót xa.
Vừa lấy xô hứng những giọt nước mưa dột từ mái nhà, người đàn ông gần 70 tuổi nghĩ lại về khí thế hứng hực muốn lên đường nhập ngũ. Tiếp chuyện, ông nói, tôi không nhớ nổi tên bài thơ là gì chỉ nhớ như in 4 câu thơ: “Đạn bắn nhà thờ, lửa thiêu trường học. Em bé ngây thơ chết ngục dưới mái nhà tranh. Lửa đỏ quanh mình, em gọi mẹ. Trên trang giấy trắng máu tươi vẫn còn đang chảy”. Từ những câu thơ này khiến tôi rất căm thù giặc, ghét chiến tranh nên đã làm đơn tình nguyện để lên đường nhập ngũ.
Vào quân đội, chàng trai 20 tuổi dân tộc Nùng này được phân công đóng quân tại sư 320, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Là người to cao và có sức khỏe, ông Vần được tin tưởng trang bị cho khẩu súng B41. Kể từ đó, súng trở thành bạn trên chiến trường với ông, được ông nâng lưu, giữ gìn. “Chúng tôi vẫn luôn tâm niệm trong đầu, mỗi khẩu súng, mỗi viên đạn là tài sản vô cùng đắt tiền, là công sức của nhân dân góp lại nên càng phải trân trọng. Làm sao để rèn luyện bản lĩnh chiến đấu thật vững vàng, đã bắn là phải diệt được giặc hoặc xe. Nếu mà bắn trượt ra ngoài thì đúng là có tội với dân”.
Một mình bắt 38 tên giặc
Được giao súng này, chiến sĩ Sèn Vạn Vần đã bắn được 4 xe tăng, xe cơ giới. “Với mong muốn làm sao diệt được nhiều giặc, mong sớm giải phóng cho đồng bào miền Nam, giải phóng đất nước càng sớm càng tốt, tôi không còn sợ cái chết”, ông Vần kể. Có sức khỏe, lúc đồng đội nghỉ ngơi để củng cố lại tinh thần, sức khỏe, người lính trẻ vẫn xin đơn vị để được đi đón đường bắn xe địch.
Nhớ về lần diệt xe tăng tại Cheo Reo - Phú Bổn, một mình một trận, ông Vần hào hứng kể. “Quả thực, lúc đó tôi cũng vẫn lo lắng thật, địch quân lên đến mấy chục người, đạn thì không đủ, tôi đành nghĩ cách nghi binh”. Vừa nói, đôi bàn tay chắc khỏe, thô ráp của người chiến sĩ năm xưa tái hiện cho chúng tôi khung cảnh đó. Sau khi bắn cháy xe tăng, ông nghĩ phải dùng kế nghi binh mới thắng được. Nghĩ là làm, chàng lính trẻ quyết bắn “phủ đầu”, rồi hô to: “Hàng thì sống, chống lại thì chết. Các đơn vị như bố trí ban đầu, sẵn sàng chiến đấu”. Sau khi thấy quân địch có biểu hiện sợ sệt, ông mạnh mẽ đi ra, cứ thế, lấy cuộn dây mang theo ra để trói từng người một, đến khi trói hết dây rồi vẫn chưa hết địch thì yêu cầu họ cởi dây giầy để trói tiếp. Trận đó, một mình ông Vần thắng lợi bắt được 38 tên giặc.
Người đàn ông say sưa tả lại những trận đánh của mình, từng trận, từng trận một. Khi chiến sĩ Vần lập được chiến công đó, thủ trưởng đơn vị đã trang bị cho ông khẩu khác, bảo rằng để ông có khẩu súng tốt hơn. Mãi sau này ông mới biết, khẩu súng đó được trưng bày tại Bảo tàng quân đội. Nhắc về súng, ông chợt bùi ngùi. Gần đây, ông được mời về Hà Nội và có dịp gặp lại khẩu súng của mình sau 40 năm. “Cảm xúc như ùa về trong tôi, vẫn nguyên vẹn sự trân trọng như trước đây: Súng là vợ, đạn là con. Tôi không cần ai chỉ cũng nhận được ra khẩu súng đó. Lúc chiến đấu, tôi bị ngã, khẩu súng bị tróc sơn, cái dây tôi buộc ngày nào vẫn như thế”.
“Dung si diet xe tang” lan dan giua doi ngheo-Hinh-2
Giấy chứng nhận thành tích của ông Vần được ông giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Huyên Nguyễn. 
Nói rồi, ông cầm đèn pin đi vào nhà. Một lúc lâu sau mang ra một chiếc túi nhựa nhỏ nhỏ, được gói kỹ càng và một hộp nhựa đầy huân chương. Ông đưa ra chục tờ bé như bàn tay. Thì ra, đây là những bằng chứng nhận thành tích trong chiến tranh, thứ mà ông nâng lưu cất giữ và thi thoảng chỉ đem cho khách quý xem. Với nhiều thành tích trong chiến đấu, ông được trao hai bằng dũng sĩ cấp ưu tú và cấp 2 năm 1974, hai bằng dũng sĩ năm 1975 đều cấp ưu tú, một bằng dũng sĩ diệt xe cơ giới cấp ưu tú, một huân chương chiến công hạng 3, một huân chương chiến công hạng 2, còn lại là bằng khen.
Lận đận đi “xin công”
Tham gia chiến tranh từ 1972 đến 1977, với nhiều chiến công nhưng hiện nay cuộc sống của gia đình người chiến sĩ dũng cảm rất vất vả. Ông không được xem xét bất cứ chế độ gì chỉ bởi nộp hồ sơ không đúng thời gian.
Sau ra quân, ông Vần lấy vợ và sinh sống tại quê hương. Cuộc sống nơi núi cao, khó khăn, vất vả, ông dắt díu vợ con về Chiêm Hóa, Tuyên Quang kiếm sống. Chuyển qua nhiều nơi sinh sống khác nhau, đến giữa năm 2014, gia đình ông chuyển về lại quê hương cũ tại xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Khi ông nộp hồ sơ làm chế độ người có công với cách mạng thì nơi đây đã hết hạn.
“Đồng đội tôi, cùng chung chiến hào, cùng ăn, cùng ở thì được hưởng chính sách đãi ngộ của nhà nước hết rồi.. chỉ còn lại tôi thôi”, ông Vần nghẹn ngào.
Ông Sùng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Thèn Phàng (Xín Mần, Hà Giang) cho biết: Sau ra quân, gia đình ông Vần chuyển xuống Chiêm Hóa, Tuyên Quang làm ăn, sinh sống. Đến năm 2004, gia đình mới chuyển lại về Thèn Phàn, Xín Mần, Hà Giang. Thời điểm huyện Xín Mần rà soát, điều tra và làm chế độ chính sách cho người có công là trước năm 2004 thì ông Vần hiện cư trú tại địa phương khác, đến khi quay trở về thì đã hết thời gian theo quy định. Kiểm tra hồ sơ, ông Vần vẫn còn đủ giấy tờ theo quy định. Trước việc trên, UBND xã đã đứng ra giúp đỡ ông Vần làm đơn đề nghị, các thủ tục giấy tờ gửi lên UBND huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nhưng hiện nay vẫn chưa được hưởng bất cứ một chế độ nào.
Với bao nhiêu năm công tác trong chiến trường, số chiến sĩ được ghi công là rất nhiều nhưng với Trung tướng Khuất Duy Tiến - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, chiến sĩ trẻ Sèn Vạn Vần lại là người để lại trong ông nhiều ấn tượng. Trung ướng Khuất Duy Tiến cho biết, chiến sĩ Vần thuộc một trung đoàn trong đơn vị tôi quản lí. Lúc đó, tôi không biết đồng chí Vần là ai nhưng được nghe báo cáo về những chiến công của anh ấy. “Đồng chí này lừng danh chiến đấu tốt lắm. Trong khi đơn vị đang họp để bình bầu chiến sĩ thi đua, Vần chiến đấu bắn cháy xe của địch ở ngoài. Khi nghe tin, đồng chí chủ nhiệm chính trị tuyên bố phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua luôn mà không cần bình xét từ cấp dưới. Gần đây, nhân kỉ niệm 65 năm thành lập Trung đoàn, chúng tôi mới tìm lại được đồng chí Vần sau bao năm mất liên lạc. Chúng tôi đã lên tận nơi để thăm và động viên anh Vần. Với hoàn cảnh đó, rất mong các cơ quan chức năng có những biện pháp hỗ trợ và động viên đối với những thành tích mà anh Vần đã cống hiến”, Trung tướng Khuất Duy Tiến tâm sự.
Theo Lao động

Bình luận(0)