Cụ bà 60 năm làm áo tơi cọ

Google News

(Kiến Thức) - Theo thời gian, áo tơi lá cọ dần bị thay thế bởi những chiếc áo mưa làm bằng nhựa tiện lợi hơn. Nhưng có một bà cụ hơn 60 năm qua vẫn miệt mài làm áo mưa lá cọ...


Đó là cụ Nguyễn Thị Thêm, 78 tuổi, ở thôn Mã Sổ, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Những năm trước đây, gia đình cụ Thêm thuộc diện nghèo nhất nhì ở thôn Mã Sổ. Mấy mẹ con "chui ra, chui vào" trong túp lều lụp xụp. Không may, túp lều đó cũng bị sập sau một trận mưa to, gió lớn. 

"Bao nhiêu năm qua, mẹ con tôi phải đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác trong làng. Vay mượn khắp nơi mới làm được ngôi nhà nhỏ này, có chỗ che mưa che nắng cũng đỡ khổ hơn trước. Bốn mẹ con sống được đến giờ là nhờ vào nghề làm áo tơi. Áo tơi mang lại cơm gạo cho mẹ con chúng tôi", cụ Thêm cho biết.

 Cụ Nguyễn Thị Thêm với chiếc áo tơi lá cọ do bàn tay mình làm ra.

"Cả ngày chưa được 20 nghìn đồng"

Nghề làm áo tơi cọ cụ Thêm học được từ một người chị dâu và duy trì nghề này đến bây giờ. Thấy cụ Thêm thạo nghề, nhiều chị em đến nhà cụ để học, nhưng làm chưa được nửa buổi họ đã bỏ về. Ai cũng bảo nhìn cụ làm dễ, tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy nó quá phức tạp, nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi tay.

Cụ Thêm chia sẻ: "Làm áo tơi lá cọ tỉ mẩn và kỳ công lắm. Tôi phải đích thân lên tận Đoan Hùng, Phú Thọ chọn lá cọ. Lá cọ làm áo tơi không được già quá cũng không được non quá mà phải là lá bánh tẻ. Nếu lá già quá thì áo tơi sẽ bị giòn, còn lá non quá thì áo tơi dễ bị gãy. Một chiếc áo tơi trung bình phải khâu khoảng 10 hàng chỉ, cứ từng hàng, từng lớp nối liền với nhau thành một khối. Nhìn nó phải cân đối, vừa chắc chắn lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cao. Tấm áo tơi bằng lá cọ giống như người ta lợp ngói nhà, nó có tầng, có lớp để ngăn nước mưa, người mặc không bị ướt".

Trước đây, cụ vừa học vừa làm theo chị dâu phải mất vài năm trời mới thành thạo. Làm áo tơi vừa phải biết khâu các đường chỉ thẳng hàng, vừa phải vuốt nhẹ nhàng cho các lá cọ phẳng phiu. Phần đuôi của chiếc áo tơi làm cầu kỳ nhất, sao cho cân đối, có độ dốc, khi mưa nước chảy tuột xuống.  Áo tơi lá cọ không chỉ che mưa, mà người ta còn có thể dùng để làm quạt khi trời nắng.

Làm nghề này vất vả mà thu nhập lại thấp nên nhiều người chỉ làm thời gian ngắn rồi bỏ nghề. Khi được hỏi về ngày công, cụ Thêm cho biết, ngồi cả ngày, cọm xương sống, được chưa đầy 20 nghìn đồng.

Trông cho nắng gắt, mưa dầm

Nếu thời tiết không "ủng hộ", áo tơi lại chất đống trong nhà, không bán được. Cụ Thêm bảo: "Tôi làm áo tơi quanh năm, bán chủ yếu vào mấy tháng mùa hè. Những người làm nông nghiệp mong cho mưa thuận gió hòa, thời tiết mát mẻ để làm đỡ vất vả. Nhưng tôi lại trông cho thời tiết nắng gắt, mưa dầm, có thế mới bán được áo tơi. Có những năm, nắng gắt kéo dài, một vụ tôi bán được hàng nghìn chiếc áo tơi, làm không kịp bán. Cũng có lúc lại chơi dài".

Lúc nào hàng bán chạy, cụ cũng chỉ đủ ăn. Vì từ trước đến giờ cả vùng có mình cụ làm áo tơi, nhưng cũng chả ai nghèo bằng cụ. "Lúc nào đắt hàng, làm không kịp bán, lời lãi cũng không nhiều, vì giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng giá áo tơi chả tăng được mấy, lấy công làm lãi thôi. Đã gắn bó với nghề này hơn nửa thế kỷ, giàu đã giàu từ lâu rồi. Đắt hay rẻ, lời lãi nhiều hay ít, tôi vẫn làm, đã làm nghề thì mình phải sống chết với nó", cụ Thêm tâm sự.

 Áo tơi cụ Thêm làm ra được gia đình anh Toàn cùng thôn mua và mang ra chợ bán.

Con cháu không theo nghề

Hơn 60 năm làm nghề, áo tơi của cụ Thêm nổi tiếng khắp vùng. Nhiều người bảo, khoác chiếc áo tơi cụ làm ra nắng mưa đều có thể làm đồng. Giờ mỗi ngày đi làm thuê, công xá cũng tiền trăm. Trong khi đó, một ngày người nào làm nhanh cũng chỉ được 2, 3 chiếc áo tơi, mỗi chiếc lãi chỉ được hơn 10 nghìn đồng. Đó cũng là lý do mà không ai mặn mà với nghề, kể cả con cháu của cụ Thêm.

"Tôi già yếu rồi, muốn truyền nghề cho con cháu để giữ gìn cái hồn của làng quê nhưng không đứa nào hào hứng với nghề cả. Bốn cô con dâu của tôi đều bảo làm nghề này thì chết đói. Đời tôi đã nghèo túng, chúng không muốn sống khổ như tôi", cụ Thêm nói giọng buồn rầu.

Có người đến đặt vấn đề muốn nhờ cụ truyền nghề để họ thành lập tổ sản xuất nhưng cụ chưa nhận lời. Hiện nay, cụ chủ yếu làm áo tơi, bán cho người cháu để đem phân phối cho các chợ ở quanh vùng. Thu nhập thấp nhưng cứ làm ra cái nào là hết cái đó. "Còn người dùng, tôi còn làm. Âu đó cũng là lẽ thường và niềm vui sống",  cụ Thêm cho biết.

Ông Nguyễn Đăng Niên, Đội phó Công an xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội: "Xã tôi có truyền thống làm nghề quạt. Duy nhất có cụ Nguyễn Thị Thêm làm áo tơi. Gia đình cụ có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cụ vẫn duy trì nghề này hơn 60 năm qua. Trước đây, khi chưa đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì áo tơi bán chạy hơn, giờ ít người mua. Cụ vẫn cần mẫn làm để giữ nét truyền thống nghề từ xa xưa".


Đức Lợi

Bình luận(0)