Chuyện tình cổ tích cô gái mù và tình trẻ giữa đại ngàn

Google News

Cứ ngỡ suốt cuộc đời phải sống lủi thủi một mình trong tăm tối, nhưng một ngày nọ, tình yêu đã đến với cô gái mù Rơ Châm Bôm khi nhận lời cầu hôn của chàng trai kém mình 15 tuổi.

Về làng A Mơng (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, Gia Lai), hỏi gia đình anh Rơ Châm Hyac (1984) và chị Rơ Châm Bôm (1969), không ai là không biết.
Khi trời đã sẩm tối, vợ chồng chị mới chở nhau từ trên rẫy về. Rồi trong ngôi nhà sàn nhỏ, ọp ẹp cùng với vốn tiếng Kinh bập bẹ, chuyện tình cô gái mù và chàng trai kém mình 15 tuổi khiến người nghe rưng rưng niềm thương cảm.
Chuyện tình “cổ tích” giữa đại ngàn
Sinh ra trong một gia đình J’rai nghèo ở làng A Mơng, lại bị khiếm thị bẩm sinh, chị Rơ Châm Bôm không có nổi cái tên cho riêng mình. Cái tên Bôm của chị trong tiếng J’rai có nghĩa là “người mù”.
Chuyen tinh co tich co gai mu va tinh tre giua dai ngan
Mỗi lần nhắc lại quyết định táo bạo của mình, hai anh chị đều cười ngượng ngùng. 
Từ khi biết chị bị khiếm thị, dân làng ai cũng gọi người con gái mù bằng cái tên đó. Dần dần, cái tên Bôm trở thành tên chính, được ghi lại trong giấy tờ tùy thân như một lời minh chứng về sự thiệt thòi, bất hạnh sẽ đeo bám chị đến cuối đời.
Nhưng đó chưa phải là tất cả sự thiệt thòi của chị. Trong khi những đứa bạn gái cùng tuổi với chị lấy chồng từ thưở 16, Rơ Châm Bôm vẫn lủi thủi một mình. Chị kể: "Nhiều lúc nghe có lễ hội, đám cưới trong làng cũng muốn chạy đến xem cả làng đông vui, nhưng lại nhớ ra mình chẳng thấy gì ngoài một bức tranh đen tối".
Dù bị khiếm thị nhưng với niềm yêu đời lạc quan, chị vẫn cố gắng làm bớt việc nhà để giúp đỡ bố mẹ. Rơ Châm Bôm kể những lần đầu đi cõng nước giúp bố mẹ, vì đường làng gồ ghề lại lắm sỏi đá nên chị bị ngã, trầy xước nhiều.
Chuyen tinh co tich co gai mu va tinh tre giua dai ngan-Hinh-2
Rơ Châm Bôm luôn khao khát một lần được làm mẹ. 
Những tưởng chị rồi sẽ phải sống quãng thời gian tăm tối, đơn độc đến cuối đời, nhưng vào một ngày đầu năm 2012, tình yêu đã đến với cô gái mù như món quà của tạo hóa.
“Mình gặp Bôm trong một lần đi chơi, tự nhiên thấy thương rồi mình ngỏ lời thôi”, anh Hyac bộc bạch. Chính nụ cười vui vẻ, biết cố gắng trong cuộc sống của chị đã để lại trong lòng chàng trai trẻ ấn tượng khó phai.
Thế rồi, bất chấp những lời dị nghị của người làng về việc cô gái mù lấy chồng kém 15 tuổi, họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Đám cưới của đôi vợ chồng nghèo được tổ chức vào tháng 3/2012.
Đám cưới rất đơn sơ, chỉ có rượu ghè và một con heo để mời làng, vì gia cảnh của cả hai anh chị đều nghèo. Nhưng không vì vậy mà đám cưới ít đi tiếng cười. Giữa tháng 3 đầy nắng, gió đậm “mùi” Tây Nguyên ấy, đám cưới của hai người vẫn đầm ấm mà sôi nổi với sự chúc mừng của làng bản.
Sau đám cưới, anh đến nhà chị ở rể để tiện chăm sóc cho cả bố mẹ vợ khi các anh chị của Rơ Châm Bôm đều đã chuyển ra ở riêng. Đến khi mẹ vợ mất, bố vợ ngày càng già yếu, một mình anh gánh vác, lo toan mọi việc trong nhà.
Vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ anh thấy hối hận: “Mình thương nó (chỉ chị Bôm - PV) nên chỉ cần được sống với nó là mình vui”, chồng Rơ Châm Bôm nói. Tình cảm của anh chị êm đềm trôi qua như sự minh chứng mãnh liệt cho quyết định táo bạo ngày nào của anh.
Chuyen tinh co tich co gai mu va tinh tre giua dai ngan-Hinh-3
Đàn bò dưới nhà là toàn bộ hi vọng để thực hiện ước mơ chữa mắt cho vợ của Hyac. 
Ước mơ làm mẹ của cô gái mù
Ngày nhỏ, Rơ Châm Bôm có ước mơ là một ngày mắt sẽ sáng để nhìn thấy vạn vật xung quanh. Nhưng từ ngày có chồng, chị lại có một khao khát lớn hơn là có một đứa con cho vui cửa vui nhà. Ước mơ làm mẹ của cô gái mù càng lúc càng cháy bỏng khi các anh em trong nhà đều đã lên chức ông, chức bà.
Chị cười gượng gạo tâm sự: “Nghe tiếng con nít mình thích lắm, ước có một đứa để bế ẵm, yêu thương. Nhưng đi khám nhiều mà không có kết quả, lại tốn kém nên mình đành phó mặc cho ông trời".
Còm anh Hyac chồng chị thì lại ước làm sao để chữa mắt cho vợ. Có lần, anh chở chị Bôm đi bệnh viện tỉnh Gia Lai khám mắt nhưng các bác sĩ cho biết, muốn chữa khỏi thì phải vào Sài Gòn, chi phí cỡ vài trăm triệu đồng. “Mình đang gắng nuôi mấy con bò để bán lấy tiền đi chữa cho nó”, anh Hyac chia sẻ.
Ngoài mảnh vườn đang trồng cà phê ra, anh chị cũng có ít ruộng lúa nước và vài sào rẫy trồng mì. Tuy nhiên, vì thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên nhiều rẫy phải bỏ hoang, kinh tế gia đình anh chị vì thế cũng rất khó khăn.
Mỗi tháng, chị Bôm được trợ cấp 300 ngàn, cộng với số tiền anh đi làm thuê làm mướn cũng chỉ đủ những bữa cơm đạm bạc trong nhà. Mấy con bò là niềm hi vọng duy nhất để chồng Rơ Châm Bôm thực hiện được mơ ước cả cuộc đời của anh là chữa mắt cho vợ.
Nhưng chẳng biết đến bao giờ hai anh chị mới dành dụm đủ tiền để thực hiện được những ước mơ tưởng như rất bình thường ấy.
Theo Nhật Linh/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)