Chuyện tình cảm của gia đình khỉ

Google News

(Kiến Thức) - Khỉ hầu còn gọi là linh trưởng (Primate), một trong những nhóm loài có hình thái, cấu trúc cơ thể và gene giống người nhất.

Nhóm loài khỉ hầu này cũng có những tình cảm mẫu tử và gia đình rất cảm động. Qua lời chia sẻ của ông Vũ Ngọc Thành, chuyên gia linh trưởng, nguyên cán bộ Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã nhiều năm nghiên cứu và bảo tồn nhóm thú này đã cho chúng ta cái nhìn khách quan và hiểu rõ hơn về chúng.
Bất chấp nguy hiểm vì con
Hiện nay, ông Vũ Ngọc Thành đang theo đuổi các dự án bảo tồn và chăm sóc voọc Chà Vá, một loài thuộc nhóm khỉ hầu. Nhưng là người tìm hiểu kỹ về chúng, ông Thành cho hay, tình mẫu tử loài nào cũng có nhưng với khỉ hầu được đánh giá là cao nhất, sau người, và khiến nhiều người nghiên cứu chứng kiến phải xúc động.
Chuyen tinh cam cua gia dinh khi
Ông Vũ Ngọc Thành đang gỡ bẫy thú trong rừng. 
Ông chia sẻ, khỉ hầu có tập tính không bao giờ bỏ rơi con dù ở trong tình huống nguy hiểm nào. Một lần ông chứng kiến ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), khi đội kiểm lâm bắt và tịch thu của lâm tặc một số cá thể khỉ mặt đỏ. Trong quá trình thu nuôi họ phải cho vào chuồng rất bé, khiến chúng phải ngồi co ro, khó vận động. Nhưng một hình ảnh khiến mọi người ấn tượng nhất là do ngồi lâu nên khỉ không thể đi lại. Khi khỉ mẹ cố gắng lắm mới lết ra được khỏi chuồng một đoạn, thì vẫn quay lại ôm cứu khỉ con. Bởi một điều đơn giản, khỉ con không thể đi nên đã kêu lên. Ai cũng biết, chuồng nhốt là nơi nguy hiểm đến tính mạng tất cả các con thú nhưng tình mẫu tử đã khiến khỉ mẹ bất chấp tất cả quay lại cứu con. Lúc đó, cả đoàn bảo vệ động vật lẫn kiểm lâm đã rất xúc động.
Khỉ hầu (còn gọi là linh trưởng, tên khoa học là Primate) ở Việt Nam bao gồm họ culi, họ khỉ và họ vượn. Trong họ culi có 2 loài, họ khỉ có 14 loài và họ vượn có 6 loài. Trong 25 loài khỉ hầu sắp tuyệt chủng trên thế giới thì có 5 loài đặc hữu của Việt Nam nằm trong danh sách này, thậm chí có loài chỉ có 60 con như voọc Cát Bà…
Hay câu chuyện khác mà ông Thành chứng kiến khi đi vào rừng chính là khỉ con bị mắc bẫy bằng dây thọng lọng quấn quanh cổ. Khỉ mẹ thay vì bỏ chạy vẫn xoay quanh bẫy, kêu lên để cố cứu đứa con nhỏ. Khi nghe tiếng kêu đấy, ông Thành đã đến tháo bẫy và trao con cho khỉ mẹ. Khỉ mẹ ôm lấy con, chạy một đoạn rồi ngoái lại nhìn ông.
“Khi một con thú bị sập bẫy, các con thú khác sẽ chạy tránh xa cái bẫy đó theo bản năng sinh tồn. Cũng tương tự, khi thấy người đến chúng cần tránh xa vì sợ gặp phải thợ săn. Nhưng khỉ mẹ vì con không bỏ chạy cho thấy tình mẫu tử có thể khiến người mẹ chấp nhận hy sinh để bên con mình. Ngoài ra, khỉ mẹ không bao giờ bỏ rơi con, lúc nào cũng ôm con nên con càng nhỏ càng trong vòng tay mẹ. Các nhà nghiên cứu đã lấy yếu tố này để đánh giá về độ lớn bé của khỉ”, ông Vũ Ngọc Thành nói.
Cũng thuộc nhóm khỉ hầu, tình mẫu tử của loài vượn đã được các chuyên gia tính toán rằng, để bắt được con vượn con thì có đến 25 cặp bố mẹ chết. Tại sao? Bởi vượn là loài thú của rừng già, chúng sống trên cao nên khi bị bắn rơi xuống chắc chắn là chết. Trong 25 đôi đó thì may ra mới có một con con may mắn còn sống. Với lại, khi thợ săn bắn thường nhắm vào vượn mẹ, nhưng vì tình cảm nên vượn bố chắc chắn sẽ quay lại cứu con và “vợ” mình, vì thế cũng sẽ bị bắn tiếp.
Chuyen tinh cam cua gia dinh khi-Hinh-2
Ông Vũ Ngọc Thành (đội mũ cối) đang cùng đội kiểm lâm tuần tra rừng. 
“Đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh gene hay yếu tố nào quyết định bản năng bảo vệ con, tình mẫu tử của loài khỉ hầu. Cũng có những giải thích cho rằng, vì mỗi lứa chỉ sinh một con nên khỉ hầu thường bảo vệ con hơn khi có nhiều sự chọn lọc từ những đứa con khác. Hay khỉ hầu có thể không sinh con khi bị căng thẳng, lo lắng nên rất quý trọng tình mẫu tử cũng như sự duy trì nòi giống”, chuyên gia Vũ Ngọc Thành chia sẻ.
Nhiều người đang nuôi khỉ con cho rằng nhặt được chúng trong rừng do khỉ mẹ đánh rơi là hoàn toàn bịa đặt. Người bắt được phần lớn là thợ săn đã bắn chết hoặc bẫy được con mẹ mới bắt được con của nó. Bởi khỉ không bao giờ bỏ con, thậm chí vì lý do nào đó con chết khô thì khỉ mẹ vẫn còn ôm. Ông Ngọc Thành cũng đã chứng kiến cảnh một con voọc bị bắn, trước khi rơi từ trên cây xuống nhưng vẫn giằng con đang ôm trên ngực ra đặt lên ngã ba của cây rồi mới rơi xuống chết.

 

Chuyện “vợ chồng” của khỉ đực và cái
Ở góc độ xã hội, ông Vũ Ngọc Thành cho hay, khỉ hầu sống theo đàn nhưng rất có thứ bậc trong xã hội. Trong đó có một con đực đầu đàn và chi phối các hoạt động, các con khác phải nghe lời con đầu đàn này. Nhưng trong gia đình, cũng như xã hội phong kiến cũ nước ta, một con khỉ hầu đực có thể có vài con cái. Các “bà vợ” khỉ này cũng luôn có các thứ bậc bà cả, bà hai… Nhưng trong đàn không bao giờ có hai con đực cùng quan hệ với một con cái… Vì thế, các khỉ con giống đực khi trưởng thành đều bị khỉ bố đuổi đi để gia nhập đàn toàn con đực với nhau hoặc đứng ra lập đàn mới và đi tìm khỉ cái để giao phối. Hoặc, có những con đực đi cùng đàn nhưng không thuộc biên chế quan hệ với các con cái trong đàn. Trong đàn khỉ không bao giờ có sự tranh giành con cái và tránh được tình trạng cận huyết thống. Nhiều người nuôi khỉ hầu trong chuồng không hiểu điều này nên đã giao phối các con khỉ đực cái cùng huyết thống với nhau , hậu quả là khỉ con sinh ra sức khoẻ rất kém.
Ông Vũ Ngọc Thành cũng cho hay, do phải khoẻ để đảm bảo việc bảo vệ đàn, tìm kiếm thức ăn và truyền giống nên con đực thường to gấp rưỡi con cái. Trong khi con cái luôn có xu hướng tìm con đực to để ghép đàn. Thậm chí, con cái cũng có những động tác như chải lông, ôm ấp, nhất là chủ động giao phối (đặc biệt là ở các loài khỉ đột, tinh tinh) để dụ dỗ bạn tình cũng như giảm stress ở con đực. Chỉ ở một số loài, con đực có thể ép buộc con cái quan hệ hoặc sinh con. Thậm chí, đôi khi con đực bắt ép con cái xa con để có thời gian sinh sản.
Thành viên trong đàn khỉ không bao giờ đánh nhau vì con, thậm chí khi khỉ mẹ chết thì khỉ bố chăm nuôi con rất chu đáo, hoặc bác, gì sẽ nuôi khỉ con giống như Việt Nam ta thường có câu “gà trống nuôi con” hay “sẩy cha có chú, sẩy mẹ bú gì”.
Ông Vũ Ngọc Thành là hội viên Hội Khỉ hầu Quốc tế (IPS). Ông được IPS trao giải thưởng về Bảo tồn Linh trưởng năm 2000. Ông cùng một số nhà khoa học khác còn được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình khoa học “Hệ Động, thực vật và Sách Đỏ Việt Nam” năm 2012.
Thu Hiền

Bình luận(0)