Chuyện lạ khó tin quanh cây dầu rái trồng ngược

Google News

Theo người dân địa phương, cây dầu rái cổ thụ này đã có tuổi thọ khoảng 700-800 năm, gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ.

Tới đường Sơn Thông (phường 7, TP Trà Vinh) có lẽ không ai không choáng ngợp trước tán lá rợp trời của cây dầu rái cổ thụ nơi đây (dầu rái là loại cây gỗ lớn, thân tròn, thẳng, cao 40 – 50m, có thể đạt đến 70m, gỗ màu nâu đỏ nhạt, thớ thô, bền; đa tác dụng như làm nguyên liệu chế biến sơn, vecni, lấy bóng mát…).
Cây “mọc” ngược
Bà Kim Thị Hương (59 tuổi, ngụ phường 7) chia sẻ, từ khi sinh ra bà đã được các thế hệ trước kể chuyện về “cây thần”. Theo đó, trong một lần đi hành đạo qua nơi này, một vị cao tăng thấy địa thế đẹp, cao hơn xung quanh nên đã trồng nhiều cây dầu chính giữa khu đất cao.
Điều đáng nói, thay vì trồng như bình thường, vị cao tăng này lại cắm ngọn của cây xuống đất. Thấy cách trồng cây kỳ quái, nhiều người gặng hỏi thì vị cao tăng chỉ cười, nói đó là huyền cơ, sau này sẽ biết. Sau khi trồng cây, vị cao tăng bỏ đi không một lần trở lại.
Chuyen la kho tin quanh cay dau rai trong nguoc
Cây dầu rái hàng trăm tuổi. 
Theo người xưa kể lại, những cây dầu được trồng ngược đó chỉ có một cây duy nhất sống, đó chính là cây dầu rái hiện nay. Điều đặc biệt là cây dầu rái này tỏa bóng rộng chứ không thẳng vút như những cây cùng chủng loại khác. Một số người cho rằng có lẽ những cành cây khúc khuỷu, sần sùi vươn rộng như bộ rễ là lý do ra đời câu chuyện cây trồng ngược như trên.
Bà Hương cho hay, hàng ngày người dân địa phương đều tới chăm bón, tưới tắm cho cây, còn lập cả hàng rào bảo vệ. Trải qua hàng trăm năm, cây dầu rái ngày một to lớn, được người dân xem như một biểu tượng tâm linh. Ai đi đâu xa cũng tới khấn vái, xin “cụ” cây ban cho điều may mắn. Họ lập cả miếu thờ ông Tà (ông Địa) dưới gốc cây để cầu may, cầu an cho bản thân và gia đình.
Ông Thạch Phương (78 tuổi) kể: “Từ khi còn nhỏ tôi đã được kể về rất nhiều câu chuyện liên quan tới nguồn gốc của cây dầu rái này. Ngoài câu chuyện cây được vị cao tăng trồng thì có một số dị bản cho rằng cây là do một người dân địa phương trồng, cũng có người khẳng định là cây mọc tự nhiên. Dù còn nhiều tranh luận về nguồn gốc nhưng cây vẫn là một biểu tượng tâm linh trong lòng người dân địa phương”.
Chuyen la kho tin quanh cay dau rai trong nguoc-Hinh-2
Ông Khanh chia sẻ về “cụ” cây. 
Theo người dân địa phương, thời kháng chiến chống Pháp, các chiến sĩ cách mạng tại địa phương thường treo cờ trên ngọn cây dầu rái để phản đối thực dân Pháp xâm lược. Trước việc này, thực dân Pháp đã tới kéo cờ xuống và thuê hai người đốn cây. Biết tin, người dân trong vùng kéo ra bảo vệ cây nhưng không ngăn cản được lực lượng đông đang lăm lăm vũ khí.
Trong khi hai người đàn ông được thuê tới đốn cây tỏ ra hung hăng, lao vào chặt hạ thì một sự việc kỳ lạ xảy ra. “Người đàn ông kia trèo lên cây, chưa kịp chặt nhát nào thì ông ta hét toáng lên như nhìn thấy cái gì kinh hãi lắm.
Ông ta vội bò xuống rồi chạy một mạch không dám ngoái đầu trở lại. Khi mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì người đàn ông còn lại đã vung búa chặt vào gốc cây. Dù cây rất lớn nhưng nhát búa ấy khiến cây rung lên dữ dội, từ vết chặt ấy chảy ra một chất mủ màu đỏ tươi. Quá sợ hãi, người này cũng ba chân bốn cẳng chạy khỏi khu vực cây”, bà Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, trước sự việc trên, thực dân Pháp cũng “ngán” nên đành rút lui, không đòi đốn cây nữa. Còn hai thợ chặt cây kia sau hôm đó về bỗng nhiên đổ bệnh rồi cùng qua đời. Sự trùng hợp ngẫu nhiên khiến nhiều người mê tín đồn đoán nhiều chuyện như “cây thần báo oán”. Cũng từ ngày đó, người dân trong vùng ít ai dám tìm đến khu vực cây, trừ một số cao niên đến thắp hương vào những ngày rằm, mùng một.
Ông Thạch Hùng (78 tuổi) chia sẻ, trước đây khu vực này không có đường nên rất hoang vu, người dân đi qua thường không dám nhìn thẳng vào cây. Sau đó, thực dân Pháp cho mở đường tại đây, ban đầu con đường dự tính băng qua cây dầu rái nhưng vì nhiều lời đồn thổi kỳ quái nên họ không dám chặt mà cho đường vòng qua cây.
Bỏ vàng mua cây
Sau ngày giải phóng, một gia đình dân tộc Khmer đã được cấp đất tại khu vực có cây dầu rái để canh tác sinh sống, nhưng vì nghe những lời đồn thổi như trên cũng không dám trồng trọt hay sinh sống tại đây. Tới năm 1994, trong một lần đi tìm đất canh tác, ông Thái Huy Khanh (53 tuổi) ngang qua khu vực cây dầu rái, nhìn thấy hình thù kỳ lạ của cổ thụ nên quyết mua khu đất này.
Ông Khanh cho biết, ngay khi nhìn thấy cây dầy rái có hình dáng lạ, ông đã thấy có một sự thân thuộc tới khó tả. Vì thế, ông đã dùng 8 cây vàng để mua lại mảnh đất có cây dầu rái. “Khi biết tôi có ý định mua lại mảnh đất này, người nhà, bạn bè tôi đã kịch liệt phản đối, can ngăn vì cho rằng đó là đất thiêng, không thể ở cũng không thể canh tác được. Vậy nhưng tôi đã gạt bỏ tất cả và quyết mua khu đất này”, ông Khanh chia sẻ.
Chuyen la kho tin quanh cay dau rai trong nguoc-Hinh-3
Cây dầu rái mọc ngược. 
Sau khi mua đất, ông Khanh cũng chỉ cải tạo lại khu đất hoang này sạch sẽ, không có ý định canh tác. Vì thế nhiều người lại cho rằng ông “ném” tiền qua cửa sổ. Ông Khanh chia sẻ: “Hàng ngày không có việc tôi vẫn chạy xe tới khu đất này chỉ để nhìn ngắm cây. Tới nay tôi vẫn thấy việc mua cây của tôi là hoàn toàn đúng đắn”.
Cũng theo ông Khanh, trước đây khi tới thăm cây, một số người mê tín cho rằng cây toả linh khí, có khả năng chữa bách bệnh nên mỗi lần đến lại bóc một mảnh vỏ cây mang về, xem như điều may mắn.
“Tôi không tin vào những chuyện mê tín, nhất là cây không hề có khả năng chữa bệnh gì hết nên khi thấy nhiều người bóc vỏ, tôi đã phải đóng bảng cấm bóc vỏ cây. Nếu có quá nhiều người bóc vỏ, cây sẽ chết”, ông Khanh cho biết.
Chia sẻ về “cụ” cây này, ông Khanh cho hay, cây “nổi tiếng” đến mức năm 2015 có một vị giáo sư người Úc tìm tới xem xét về giống và nguồn gốc cây. Sau khi thăm cây, giáo sư này khẳng định đây là cây dầu rái đặc biệt, có khả năng tự tái sinh khi bị sét đánh hay bị bóc vỏ.
Thời điểm vị giáo sư trên tới xem cây cũng là lần đầu tiên ông Khanh có đo đạc về cây. Theo lần đo năm 2015, cây có chiều cao khoảng 25m, gốc cây có bề ngang khoảng 7m. Cái độc đáo của cây này là gỗ xoắn từ gốc lên tới các nhánh, trong khi các cây cùng chủng loại khác đều mọc thẳng.
Theo Báo Pháp Luật

>> xem thêm

Bình luận(0)