“Chung cư ma” hoang tàn rợn người giữa Sài Gòn

Google News

(Kiến Thức) - Ngay khi vừa đặt chân vào "chung cư ma" giữa Sài Gòn, cảnh tượng hoang tàn, u ám khiến người có thần kinh thép cũng phải rùng mình khiếp đảm.

Chung cư 272 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM được xây dựng từ năm 1960. Đến nay, sau hơn 50 năm nay, chung cư này đã quá cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 600 hộ dân với khoảng 2.500 nhân khẩu đã phải di dời khỏi chung cư này theo chủ trương của UBND TP HCM để giải tỏa, xây dựng lại. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 13 hộ dân “bám trụ” vì cho rằng chưa được đền bù thoả đáng. Mỗi ngày, hàng chục con người vẫn đang sống trong "chung cư ma" giữa Sài Gòn dù nó có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Ron nguoi
"Chung cư ma" 272 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM đã hơn 50 năm tuổi, quá cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng.
Chung cư "đầy ma”?
Kể từ ngày hàng nghìn người dân ở chung cư 272 nhận tiền đền bù và di dời, chung cư trở nên hoang vắng, và từ đó xuất hiện đầy rẫy tin đồn về những cái chết kỳ lạ, bí ẩn, ma mị ở đây.
Nhiều người dù chưa từng chứng kiến, chỉ nghe truyền tai nhau rồi mặc sức thêu dệt rằng, chung cư này từng có nhiều người tự tử hoặc bị nạn té lầu chết nên đầy rẫy oan hồn, ma quỷ.
Ron nguoi
Nhiều câu chuyện hoang đường được thêu dệt cho rằng chung cư 272 bị ma ám.
Có một câu chuyện hoang đường mà người dân từng sống ở chung cư vẫn còn kể lại cho nhau nghe. Đó là vào năm 2009, tại chung cư xảy ra vụ tai nạn khiến một thiếu nữ tử vong vì ngã từ tầng lầu xuống đất.
Sau đó, cứ đến mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng, khi trời mờ sáng thì xuất hiện một cô gái trẻ ra quán nước trước căn hộ của bà Tư (quê tỉnh Sóc Trăng) gọi ly nước cam uống. Lúc dọn hàng và đếm tiền, bà Tư tá hỏa nhìn thấy tờ tiền bằng vàng mã trong túi của mình.
Ban đầu, bà Tư nghĩ do mình già, mắt kém nên bị lừa. Tuy nhiên, sau đó bà nghi ngờ tờ vàng mã là do cô thiếu nữ uống nước cam trả cho mình. Thế là, mỗi khi vị khách này trả tiền, bà Tư đều để riêng ra, nhưng khi về nhà kiểm tra, bà Tư lại phát hiện tờ tiền vàng mã.
Quá hoảng sợ, bà Tư kể lại sự việc cho những người ở chung cư nghe và khi biết chuyện, người nhà của cô gái mời thầy đến cúng giải. Bà Tư cũng nghỉ bán nước về quê kể từ đó.
Trước những tin đồn trên, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Dũng, người đang quản lý chung cư 272, cười và nói: "Đúng là chung cư này trước đây từng có rất nhiều "ma”, nhưng chỉ toàn là "ma cô", ma túy... Giờ chúng đã bị công an triệt phá hết rồi".
Ông Dũng khẳng định mình ở đây hơn 30 năm, từng thức khuya dậy sớm bơm nước cho người dân khu chung cư sử dụng nhưng chưa từng thấy “con ma” nào.
Hiểm nguy rình rập trong "chung cư ma"
Chúng tôi tiến sâu vào khu chung cư từng một thời sầm uất nhất bậc nhất Sài Gòn. Nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo luôn nhộn nhịp, chung cư 13 tầng hiện ra với sự hoang tàn, xuống cấp như muốn đổ sập bất cứ lúc nào.
Men theo lối cầu thang chính dẫn lên chung cư, nhiều căn phòng bỏ trống, mái tôn mục nát, tường rêu loang lổ, khung sắt xiêu vẹo, rác rưởi ngổn ngang, mùi hôi nồng nặc bốc lên khiến người dù có thần kinh thép cũng thoáng rùng mình.
Ron nguoi
Nhiều căn phòng bỏ trống, rác rưởi ngổn ngang trong "chung cư ma".
Ron nguoi
Mái tôn mục nát, tiêu điều.
Trong căn phòng ẩm thấp, tồi tàn, bà Hồ Thị Kim Hồng (51 tuổi) than thở: “Có ai muốn sống cảnh ai nhìn cũng sợ như thế này đâu, nhưng giờ với số tiền đền bù chỉ 150 triệu đồng thì chúng tôi biết tìm đâu ra căn hộ khác để ở”.
Theo bà Hồng, hiện còn 13 hộ dân sinh sống ở đây, toàn là những người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng nên với số tiền chủ đầu tư bồi thường thì không ai có thể mua được căn hộ nơi khác. Chính vì thế, dù biết đang sống trong cảnh hiểm nguy rình rập nhưng họ vẫn phải bám trụ.
Ron nguoi
 Chung cư 272 đang xuống cấp vô cùng nghiêm trọng và nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Trần Đình Thọ, Phó ban Bồi thường Giải phóng Mặt bằng quận 5, cho biết: “Đa số các hộ dân ở chung cư 727 đã di dời hết và hiện chỉ còn 13 hộ chưa chịu di dời dù cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động”.
Theo ông Thọ, lãnh đạo UBND quận 5 đã giải quyết cho những hộ này mua căn hộ ở chung cư tại Bình Trị Đông B, quận 6 với giá 80% so với thị trường, đồng thời họ được trả góp trong 10 năm với lãi suất 6%/năm nhưng đến nay, các hộ vẫn chưa chấp nhận di dời.
“Sắp tới, nếu vẫn không vận động được thì quận sẽ xin ý kiến UBND thành phố để áp dụng biện pháp chỉ định nơi cư trú bắt buộc đối với những hộ dân còn lại này”, ông Thọ nói.
>>> Xem thêm clip "Bí mật Ngôi nhà ma ở Đà Lạt":

Nguồn clip: Vietnamnet.

Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)