Cay đắng số phận người chuyển giới trên hành trình mưu sinh

Google News

Ngoại hình khác biệt với giấy tờ khiến tìm được một công việc ổn định đối với người chuyển giới trở thành một vấn đề nan giải.

Đi xin việc, rớt từ vòng gửi xe
Một đêm Sài Gòn mưa tầm tã, Dung (26 tuổi, người chuyển giới nữ), ngồi một quán cóc ở Bến xe Miền Tây, uống vội ly sữa đậu nành sau một buổi biểu diễn lô tô tận Long An. Với ước mơ được làm con gái và trở thành một diễn viên múa, Dung từng học qua một trường múa bài bản.
Nhưng vừa ra trường, Dung quyết định dùng hormone và sống với ngoại hình một cô gái. Đó là lý do cô không thể trở thành diễn viên múa, bởi: “Kể từ ngày quyết định lộ hẳn ngoại hình là gái, nhiều lần, đồng nghiệp không cho em múa chung. Họ gọi em là pê-đê. Họ bảo, nếu có pê-đê trong show, họ sẽ không diễn nữa. Thế là ông chủ đoàn múa đành gạt em ra. Em phải hát múa thêm ở các hội chợ, lô tô, đám ma, đám cưới mới đủ tiền sống. Có lúc ở Sài Gòn ít show quá, chúng em phải nhận show tận Long An, Tiền Giang” – Dung chia sẻ.
Cay dang so phan nguoi chuyen gioi tren hanh trinh muu sinh
Bóng Mén - người chuyển giới nữ làm tóc cho đàn chị trước buổi biểu diễn (ảnh ICS). 
“Tôi và nhiều người bạn dù học hành đàng hoàng nhưng khi đi xin việc đã rớt từ vòng… gửi xe. Ngoài sự khác biệt giữa giới tính ghi trong hồ sơ và ngoại hình thì nhà tuyển dụng nghĩ chúng tôi chỉ được cái sống ồn ào, thích se sua mà không cho chúng tôi cơ hội được chứng tỏ mình cũng nỗ lực, cũng có trình độ” – Nghi, một người chuyển giới nữ bộc bạch.
Nghi cho biết, Nghi từng học Đại học Bách khoa TPHCM: “Thời đi học, tôi cố tỏ ra mình là trai thẳng để khỏi bị kì thị. Nhưng khi ra trường, tôi không chịu nổi nữa và bắt đầu tiêm hormone. Lúc này, khát khao được sống là mình khiến tôi phải đánh đổi quá nhiều. Đến nỗi, cái bằng Đại học không còn giá trị nữa”.
“Được trả tiền là may”
23 tuổi, Sam – một người chuyển giới nữ cũng đã phải trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh, lo cho gia đình. Sam cho biết, cô chỉ có mẹ là người thân duy nhất, hai mẹ con chuyển từ Ninh Thuận về Sài Gòn sống từ gần chục năm nay: “Em học hết lớp 11 thì nghỉ học. Hồi đó, do em bộc lộ giới tính quá sớm nên khi xin đi làm phục vụ, công nhân, người ta không chịu nhận. Em đi học nghề trang điểm và ban đầu chỉ trang điểm cho những người bạn của mẹ giới thiệu với giá vừa đủ để mua mỹ phẩm, son phấn. Sau, khi tay nghề lên, em mới đi trang điểm cô dâu thì thu nhập ổn định hơn”.
Sam dã dùng hormone chuyển giới nữ được gần 2 năm nay. Ước mơ của Sam là kiếm đủ tiền để lo cho mẹ và dành dụm để đi Thái Lan phẫu thuật chuyển giới: “Em không tự tin với ngoại hình hiện tại. Nhiều lần em đi trang điểm cô dâu, cô dâu thì không nói gì nhưng gia đình họ nhìn thấy em là xì xào, chỉ trỏ. Họ tỏ ra cảnh giác em vì nghĩ người chuyển giới không đàng hoàng. Bởi vậy, để lấy khách, em phải lấy giá rẻ hơn rất nhiều so với những thợ trang điểm bình thường khác”.
Người chuyển giới thường có xu hướng bộc lộ giới tính thật từ rất sớm. Bóng Mén (14 tuổi, người chuyển giới nữ) từ bé đã nghĩ mình là một cô gái, em có năng khiếu trang điểm, làm tóc và thường đi theo những người chị lớn để vừa phụ vừa học việc. “Đôi khi em được các anh chị trả tiền công. Được trả tiền là may rồi. Được bao nhiêu, em về đưa cho mẹ. Em nghỉ học rồi vì nhà khó lắm” – Bóng Mén thổ lộ.
Từng chia sẻ với Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE), Bóng Bảy (một người chuyển giới nữ) cho biết, đang sống cùng gia đình trên một cái ghe neo gần cầu Chánh Hưng (Q.8, TPHCM). Bóng Bảy không có nghề nghiệp ổn định với lý do ngoại hình “chỏi nhau” với giới tính thật trong giấy chứng minh. Buổi tối, Bóng Bảy thường trang điểm và loanh quanh ở những quán nhậu, quán hát với nhau ở gần khu Bảy sống. Ai thuê gì, Bảy làm nấy, ai thuê hát, Bảy cũng hát để được cho tiền: “Tối có gì để làm thì mai có cái ăn, tối nào đi vòng vòng hoài mà không được ai thuê thì mai nhịn”.
Bị gia đình không chấp nhận vì là người chuyển giới, Jes – một người chuyển giới nữ đã trải qua một thời gian dài khủng hoảng và sốc. Thời gian không có sự chu cấp của gia đình, cô phải đi hát show, đi biểu diễn và tìm cách buôn bán mưu sinh và kiếm tiền để phẫu thuật chuyển giới. Sau này, bằng mồ hôi nước mắt, Jes gây dựng được một cửa hàng thời trang và nhận những người chuyển giới có hoàn cảnh tương tự mình vào làm việc: “Mới đây, tôi từng đau đớn vì phải từ chối một vài bạn chuyển giới vào làm. Bởi lẽ, tiệm làm ăn nhỏ, để trả lương cho các bạn nhân viên cũ đã là cả vấn đề với tôi. Giờ phải nhận thêm vài người nữa tôi chẳng biết phải làm thế nào”.
Người chuyển giới nam dễ tìm việc hơn chuyển giới nữ
Theo một kết quả nghiên cứu “Việc làm của người chuyển giới nữ - thực trạng và thách thức” của iSEE, kết quả khá bất ngờ. Cũng là người chuyển giới nhưng người chuyển giới từ nữ sang nam (chuyển giới nam) thường được học hành và có công việc ổn định hơn người chuyển giới từ nam sang nữ (chuyển giới nữ). Công việc chủ yếu mà người chuyển giới nữ có thể làm thường là các công việc tự do như dịch vụ làm đẹp (trang điểm, làm đầu…), hay biểu diễn nghệ thuật.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 21,5% số người chuyển giới nữ có việc làm toàn thời gian; 8,72% có công việc nhưng không thường xuyên; 18,6% vừa đi học vừa đi làm. Số người chưa từng đi làm chiếm tới 15,7% và đặc biệt, hiện có 24,4% người chuyển giới nữ đang thất nghiệp.
Cũng theo nghiên cứu này, trong số những người chuyển giới có việc làm thì đa phần, đó là những công việc tự do, bấp bênh: 12,4% tự kinh doanh; 15,7% không có công việc ổn định, đang phụ giúp gia đình; 6,7% là thợ làm tóc, trang điểm. Có đến 5,6% đi hát hội chợ, đám ma và 7,9% đi ca hát, biểu diễn thời trang.
Đáng chú ý, có 2,2% người chuyển giới nữ tham gia khảo sát thừa nhận họ đang phải “đứng đường” để kiếm sống. Tuy nhiên, đây chỉ là sự thừa nhận mang tính tự giác. Nhóm tác giả cho rằng, con số người chuyển giới nữ làm công việc này phải lớn hơn 2,2% rất nhiều. Bởi có rất nhiều người chuyển giới tham gia khảo sát bỏ lửng câu trả lời về công việc hiện tại của họ.
“Một thời gian dài khiến tôi thấm thía rằng, người chuyển giới nữ muốn có một cuộc sống như bao người thì phải nỗ lực gấp nhiều lần một người bình thường trong xã hội. Ngoài những nỗ lực tự thân, chúng tôi cần xã hội hiểu, tôn trọng người chuyển giới, nhất là tạo cơ hội bình đẳng trong vấn đề việc làm” – Jes bày tỏ.
Theo Vũ Quỳnh/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)