Cặp tình nhân “đôi đũa lệch” nhất thế gian

Google News

Cách đây 8 năm, một chàng thanh niên trẻ cao 1,65m, nặng gần 70kg sánh duyên cùng cô gái hơn mình 5 tuổi, chỉ cao 0,9m, nặng không đến 30kg.

Họ là đôi vợ chồng anh Trần Ngọc Trung (SN 1984) và chị Trần Thị Xuân Thu (SN 1979), trú tổ 1, thôn 5, xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Người dân nơi đây hay ví von họ là cặp tình nhân “đôi đũa lệch” nhất thế gian.
Sau vài lần quá giang, tình yêu lên tiếng
Về xã nông thôn mới Tam Phước, hỏi đến cái tên Trần Ngọc Trung và Trần Thị Xuân Thu ai cũng biết. Họ biết đến vợ chồng anh không chỉ là tấm gương khuyết tật giàu nghị lực đã tự vươn lên trong cuộc sống để trở thành bông hoa giữa đời thường mà trên hết là câu chuyện tình diệu kỳ từ trong nỗi đau.
Anh Trung, người ở xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, sinh ra đã bị dị tật ở cánh tay trái nên mỗi lần lao động, nhất là lao động chân tay rất khó khăn đành bỏ giữa chừng công việc học tập. Nhưng với lòng quyết tâm “tàn nhưng không phế”, đến giữa năm 2005, anh Trung xin cha mẹ để theo học nghề sửa chữa điện tử ở ngã ba Kỳ Lý, xã Tam An, huyện Phú Ninh. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ngày nào anh Trung cũng phải cuốc bộ hàng chục cây số xuống Kỳ Lý đi học.
Vượt qua mọi rào cản anh Trần Ngọc Trung và chị Trần Thị Xuân Thu đã đến với nhau. 
Kém may mắn hơn anh Trung, chị Thu có một số phận bất hạnh và lận đận. Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, chị Thu chỉ cao có 0,9m, cân nặng không đến 30kg. Thân hình thấp bé đã làm cuộc sống của chị gặp không ít khó khăn, thậm chí bị cả những lời dị nghị của bà con, hàng xóm.
Nhưng cũng như anh Trung, chị quyết tâm không muốn bị coi là “kẻ thừa” của gia đình và xã hội. Sau khi nghỉ học, chị xin phép gia đình được tự ra đời mưu sinh để sống qua ngày. Chị đã chọn cái nghề bán vé số dạo trên chiếc xe lăn. Ban đầu, chị bán ở dưới TP.Tam Kỳ, sau này ra Đà Nẵng rồi lặn lội vào tận TP.HCM để bán. Dần dà qua thời gian, chị cũng gom góp được tiền mua một chiếc xe gắn máy 3 bánh tự chế. Có xe máy, chị nghỉ hẳn nghề bán vé số và chuyển sang đi học nghề may vá ở dưới TP.Tam Kỳ với khát vọng kiếm cái nghề nuôi thân sau này.
Nhà chị Thu nằm ở xã dưới nên mỗi lần đi xuống Tam Kỳ, anh Trung đều đi ngang qua nhà chị Thu. Cũng tiện cùng đường và thương cho hoàn cảnh của anh Trung ngày nào cũng phải đi bộ chục cây số xuống thành phố để học nên lần nào đi cũng cho anh Trung quá giang xe. Rồi cho đến một ngày, tình yêu đã lên tiếng. Không qua hẹn hò, không qua thử thách nhưng họ vẫn đến với nhau. Một tháng sau, anh chị đã mạnh dạn xin phép hai gia đình để đến với nhau.
Khi nghe tin anh Trung có ý định kết hôn với chị Thu, không chỉ riêng cha mẹ mà cả bà con dòng họ anh Trung đã kịch liệt phản đối. Họ cho rằng, chị Thu không thể đem lại hạnh phúc cho anh Trung với tạng người tí hon, không có nghề nghiệp ổn định. Hơn nữa, anh Trung cũng bị tật nguyền, cha mẹ thì già yếu nuôi anh Trung đã vất vả nay lại gánh thêm chị Thu.
Ngày đó, cha mẹ anh có lần có ý định từ anh nếu như anh cứ một mực đòi lấy chị Thu. Họ bảo là Thu sẽ không thể nào đem lại hạnh phúc cho anh khi thấp người nhỏ con như vậy, rồi họ còn tính cả đến chuyện nếu lỡ con cái sinh ra cũng như chị Thu thì khổ. Nhưng anh quả quyết và cứng rắn quyết định sẽ lấy Thu, vượt qua sự ngăn cấm của mẹ cha. Anh đã nói với cha mẹ: “Nếu lấy nhau, tụi con sẽ tự xây dựng tổ ấm cho riêng mình mà không làm phiền đến bố mẹ, tụi con sẽ tự bám víu nhau mà sống cho hết cuộc đời này”, anh Trung kể. Lòng tin và sức mạnh của tình yêu đã thuyết phục được cha mẹ gật đầu đồng ý cho anh chị đến với nhau trong niềm vui khôn xiết.
Hạnh phúc đến từ những hy sinh gian khổ
Mỗi khi đi đâu vợ chồng anh cũng đèo nhau trên chiếc xe gắn máy 3 bánh. 
Cũng trong năm đó, chị Thu lên xe hoa về nhà chồng trước sự ngỡ ngàng và hiếu kỳ của dòng họ, bạn bè và bà con chòm xóm.
Chị Thu cho biết: “Ngày đó cả hai gia đình cũng nghèo nên ngày cưới không có chụp nhiều hình. Chỉ có vài tấm hình này mà thôi. Anh chị quý trọng những tấm hình này như là báu vật của mình. Ngày trước, hôm nào anh chị cũng mang ra xem, bây giờ lâu lâu cũng ngắm lại như để nhớ những phút giây hạnh phúc cách đây hơn 7 năm. Ngày cưới, khi đứng làm lễ hay chụp hình, chị phải nhờ sự trợ giúp của chiếc ghế đẩu và người bồng lên mới có thể đứng sánh vai cùng anh Trung. Nhiều lúc đứng không tới, anh Trung phải khom người xuống cho bằng. Giờ nghĩ lại thấy xấu hổ lắm”.
Đám cưới xong, anh Trung và chị Thu mở một tiệm may và quán bán tạp hóa để kiếm sống qua ngày. Hai năm sau, vợ chồng anh chị sinh hạ liên tiếp được hai đứa con bụ bẫm (một trai, một gái) trong niềm vui khôn tả của hai gia đình. Cả hai lần sinh con là hai lần chị Thu phải lên bàn mổ vì cơ thể chị quá nhỏ không đủ sức để sinh thường. Thật may mắn, cả hai lần lên bàn mổ đều “mẹ tròn con vuông”. Đến hiện tại cả hai cháu đều lớn lên bình thường, không có dị tật hay khiếm khuyết nào như anh chị. Đứa lớn là Trần Ngọc Bình đang chuẩn bị vào lớp 2 và đứa bé đang chuẩn bị vào lớp 1.
Mặc dù bị tật nguyền, đi lại khó khăn, nhưng ngày nào anh chị cũng đều đặn đưa hai con nhỏ đi đi về về trên chiếc xe máy ba bánh. Nhiều người già trong làng vẫn thường lấy tấm gương của anh chị để giáo dục con cháu học tập và noi theo.
Theo Dân Việt

Bình luận(0)