Xe biển xanh đi lễ hội: Hiểu thế nào cho đúng?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều xe biển xanh đi lễ hội để làm nhiệm vụ nhưng với những công chức đi xe biển xanh đến lễ hội để cầu danh lợi, may mắn thì không nên…

“Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao”.
Đó là một phần nội dung trong Công điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Xe bien xanh di le hoi: Hieu the nao cho dung?
 Xe biển xanh đi lễ hội (Ảnh NLĐ)
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng nhiều bộ ngành, tỉnh thành cũng ra văn bản nghiêm cấm công chức đi lễ hội trong giờ hành chính nếu không có nhiệm vụ được giao, sử dụng xe công đi lễ hội, đền chùa, du lịch đầu năm. Xe đi kiểm tra lễ hội phải có biển của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thế nhưng, tại nhiều lễ hội đầu xuân như hội xuân Yên Tử, lễ khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội khác, người dân dễ dàng bắt gặp các hình ảnh xe biển xanh đi lễ hội nườm nượp, dù nhiều xe không có biển xe đại biểu, cũng như biển kiểm tra lễ hội. Nhiều xe biển xanh đến dự hội cũng đồng nghĩa với nhiều quan chức, công chức đến các lễ hội.
Qua những hình ảnh này, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xe biển xanh đổ xô về các lễ hội mà không có biển đại biểu, hay biển xe kiểm tra giám sát lễ hội, đồng nghĩa, công chức trên xe không phải nhiệm vụ công chức được giao gây hình ảnh phản cảm.
Hơn nữa, không phải lễ hội nào cũng thu hút đông đảo xe biển xanh dự hội, trong khi lễ hội Yên Tử, khai ấn Đền Trần, Bà Chúa Kho nườm nượp xe biển xanh thì những lễ hội khác như lễ hội Minh Thề (Thề chống tham nhũng) lại không có bóng xe biển xanh nào đến dự. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, việc các xe biển xanh đua nhau trẩy những lễ hội mang nhiều yếu tố tâm linh thiên về cầu danh, lộc, chức quyền hay vì lý do nào khác, khi thì xe biển xanh trật như nêm cối, nơi thì vắng như chùa Bà Đanh?
Ngược lại, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc các xe biển xanh đến dự các lễ hội là bình thường vì các cán bộ công chức trên xe biển xanh đến lễ hội vì được mời để làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động các lễ hội.
Một điều có thể nhìn thấy, năm nay lượng giấy mời của ban tổ chức phát ra cho các đại biểu tương đối lớn như Hội xuân Yên Tử có đến 1900 giấy mời, Khai ấn đền Trần cũng đến 1000 giấy mời. Dù công chức đến lễ hội để làm nhiệm vụ hay đi vui chơi nhưng điều quan trọng mà người dân quan tâm, lễ hội mùa xuân được tổ chức dày đặc, công chức đi lễ hội thì thời gian ở công sở chắc chắn không được nhiều và người dân khi đến làm việc sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu các cơ quan ban ngành không bố trí thời gian phù hợp.
Với những ý kiến trái chiều trên hiểu thế nào cho đúng!
Trao đổi với PV Kiến Thức, đại biểu Quốc hội, Lê Như Tiến cho biết, để nhìn nhận đúng công chức và xe biển xanh đi lễ hội thì phải tìm hiểu xem họ đến lễ hội để làm gì.
“Có rất nhiều xe biển xanh, công chức được lãnh đạo các tỉnh mời với danh nghĩa đi kiểm tra, giám sát hoạt động lễ hội. Cứ nhìn thấy xe biển xanh đi lễ hội mà phê phán họ là không chính xác. Như bản thân tôi, thời gian gần đây phải thường xuyên đi kiểm tra, giám sát các hoạt động lễ hội như lễ hội Gióng vừa qua”, đại biểu Lê Như Tiến cho biết.
Xe bien xanh di le hoi: Hieu the nao cho dung?-Hinh-2
 Đại biểu QH Lê Như Tiến.
Ngược lại, theo đại biểu Lê Như Tiến, những công chức đi làm nhiệm vụ thì được nhưng công chức mà đi lễ hội để cầu may, cầu tài là không được.
Nói về việc, người dân thắc mắc tại sao chỉ lễ hội thiên về cầu may, cầu tài, cầu lộc… như Khai ấn Đền Trần, Hội bà Chúa Kho…mới thu hút nhiều xe biển xanh và công chức dự hội. Những lễ hội khác như hội Minh Thề với ý nghĩa thề chống tham nhũng, xe biển xanh, công chức lại vắng như chùa Bà Đanh, đại biểu quốc hội Lê Như Tiến nhìn nhận: “Lễ hội nào cũng có ý nghĩa riêng, giá trị văn hóa riêng, công chức đi kiểm tra thì nên đi nhiều lễ hội khác nhau, không nên chỉ tập trung ở các lễ hội như khai ấn đền Trần. Các công chức, quan chức được mời dự lễ hội để hiểu giá trị truyền thống, văn hóa ở các địa phương, hiểu người dân và tiếng nói của người dân chứ không nên đến lễ hội chỉ để cầu may, cầu tài”.
Hải Ninh

Bình luận(0)