Vụ tượng đài 25 tỷ đồng bị sét đánh: Sớm muộn cũng lộ diện

Google News

(Kiến Thức) - Việc tượng đài 25 tỷ đồng  bị sét đánh vỡ chóp ở Đông Triều, Quảng Ninh không làm PGS.TS Trần Chủng bất ngờ.

Việc tượng đài 25 tỷ đồng bị sét đánh vỡ chóp ở Đông Triều, Quảng Ninh không làm PGS.TS Trần Chủng bất ngờ. Ông cho rằng, đó là chuyện “sớm muộn cũng sẽ lộ diện” bởi hiện nay, dù là công trình xây dựng nhưng người làm xây dựng vẫn đứng ngoài lề nên tượng đài kém chất lượng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Phải trường tồn theo thời gian
Để xây dựng tượng đài cần có những yêu cầu, đòi hỏi gì, thưa ông?
Tượng đài trước hết là công trình có ý nghĩa về mặt văn hóa, mỹ thuật, là biểu tượng thiêng liêng của cả một dân tộc, một cộng đồng. Đồng thời, theo định nghĩa của Luật Xây dựng thì tượng đài đặt ngoài trời là một công trình xây dựng “được tạo thành bởi vật liệu xây dựng, sức lực con người, làm theo thiết kế và gắn liền với đất”. Nó phải tuân thủ tất cả các nguyên tắc liên quan đến khảo sát, thiết kế và thi công. Trong các quá trình đó đều có sự kiểm tra, đánh giá và đặc biệt đòi hỏi người tham gia các công đoạn phải có năng lực.
Khác với các công trình xây dựng thông thường, công trình tượng đài thường mang ý nghĩa về mặt giá trị thiêng liêng liên quan đến sự tưởng niệm, thậm chí là tâm linh cho nên cần được truyền từ đời này sang đời kia. Do đó, nó phải có yêu cầu là bền vững theo thời gian, thậm chí qua nhiều thế kỷ như Kim tự tháp ở Ai Cập.
Yếu tố nào quyết định sự bền vững của tượng đài?
Ngoài giá trị về lịch sử, biểu tượng, hội họa là những tiêu chí quan trọng nhất của mỗi tượng đài thì nó cần phải được lựa chọn rất công phu không chỉ ở vị trí, thế đất đảm bảo phong thủy mà còn phải tính toán đến những tác động bất lợi như gió bão, động đất, từ đó đưa ra giải pháp về kết cấu, vật liệu, công tác bảo trì. Yếu tố vật liệu đặc biệt quan trọng để tạo ra được tượng đài bền vững.
Theo ông, trong việc xây dựng tượng đài thì điều gì là khó nhất?
Với những người làm về kết cấu như chúng tôi thì bài toán kết cấu của công trình tượng đài là một thách thức lớn, cực kỳ phức tạp, không dễ một cá nhân có thể làm được. Tiếp đó là việc lựa chọn vật liệu không chỉ phù hợp với yêu cầu mỹ thuật mà phải bền vững theo thời gian và có khả năng bảo trì thuận lợi nhất trong quá trình tồn tại.
Vu tuong dai 25 ty dong  bi set danh: Som muon cung lo dien
PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói về việc sét đánh vỡ tượng đài. 
Có tượng đài là nơi hút chích
Ở Việt Nam hiện nay, ông thấy các công trình tượng đài có đảm bảo theo những tiêu chí như ông nói?
Rất tiếc nhiều công trình được làm thời gian qua chưa thỏa mãn những yêu cầu, đòi hỏi của việc xây dựng tượng đài, từ việc thi tuyển phương án, lựa chọn thiết kế, thi công xây dựng đến bảo trì.
Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Nguyên nhân có nhiều, chẳng hạn như thời gian thi công gấp cũng ảnh hưởng đến chất lượng tượng đài. Lý do kinh tế cũng có vì nếu ít tiền thì chúng ta không thể đầu tư tượng đài tốt được. Nhưng tôi cho rằng, việc đầu tiên ngành văn hóa cần rà soát hoàn chỉnh quy hoạch về tượng đài. Từ quy hoạch, chúng ta có kế hoạch đầu tư hoặc huy động xã hội cùng đầu tư để có những tượng đài xứng tầm. Đầu tư tượng đài mà dàn trải thì dễ cho ra đời những tượng đài kém chất lượng, lem nhem làm mất giá trị cần có của nó.
Ngoài ra, khâu vô cùng quan trọng là chăm sóc bảo trì, duy tu bảo dưỡng tượng đài cũng chưa được quan tâm đúng mức khiến cho nhiều tượng đài nhếch nhác, thậm chí có nơi còn là chỗ để hút chích.
“Nhờ trời” mới biết chất lượng
Việc tượng đài 25 tỷ đồng ở Quảng Ninh vừa mới khánh thành đã bị sét đánh vỡ chóp có khiến ông bất ngờ?
Với những gì đã và đang xảy ra trong việc xây dựng tượng đài thì tôi không thấy bất ngờ.
Trong trường hợp này, có người bảo “cháy nhà mới ra mặt chuột” khi nhờ “ông trời” mới biết chất lượng tượng đài?
Với một công trình xây dựng khi xuất hiện các hư hỏng thì phải tìm cho được đâu là nguyên nhân chính của sự cố. Một khi tìm được nguyên nhân kỹ thuật chính gây sự cố, chúng ta mới có phương pháp khắc phục hiệu quả và trở thành bài học cho những người làm xây dựng để không tái lập trong tương lai. Với công trình này thì rõ ràng nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố sớm là không có thiết kế thu sét cho tượng đài. Đây là lỗi không thể chấp nhận được của người thiết kế các công trình trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như nước ta. Nguyên nhân chính cùng các nguyên nhân khác, cơ quan quản lý sẽ điều tra nhưng tôi tin, với cách làm hiện nay thì sớm hay muộn chất lượng công trình kém sẽ lộ diện.
Ngành xây dựng liệu có vô can?
Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng phải có trách nhiệm chứ. Nhưng rõ ràng, lâu nay công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình tượng đài của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp vẫn chưa được thường xuyên, hiệu quả.
Cần huy động trí tuệ tập thể
Theo ông, tiền có tỷ lệ thuận với chất lượng tượng đài không?
Có chứ, nếu ít tiền chúng ta sẽ không thể xây được tượng đài chất lượng. Nhưng ở ta, ngoài các nhà văn hóa, nếu chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng, của các nhà khoa học, nhà chuyên môn về xây dựng thì đôi khi tiền nhiều không có nghĩa là tượng đài tốt.
Phải chăng những người làm xây dựng chưa tạo được niềm tin trong việc xây dựng tượng đài nên người ta đã không mời tham gia?
Cái này tôi không bình luận. Ngành văn hóa cũng có nhiều người làm xây dựng. Nếu coi công trình tượng đài là công trình xây dựng thì trước khi xây dựng phải chọn địa điểm, khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn, khí hậu, vùng gió bão, động đất... Phải thiết kế để tượng đài chịu đựng được tất cả các tải trọng và tác động tác dụng lên tượng đài. Công tác thi công cũng cần tuân thủ các trình tự kiểm tra, nghiệm thu. Tôi thiết nghĩ, những người tham gia xây dựng tượng đài thời gian qua đã tuân thủ các yêu cầu như vậy. Nhưng với tình trạng chất lượng các công trình tượng đài vừa qua thì đây là câu hỏi cần đặt ra cho mỗi tổ chức và cá nhân đã tham gia xây dựng và chỉ họ mới tự trả lời được. 
Bây giờ, để cho ra đời tượng đài chất lượng thì đâu là yếu tố then chốt?
Phải có quy hoạch tổng thể về các công trình tượng đài trong phạm vi toàn quốc. Trong bản quy hoach hoàn chỉnh này cần chia ra ở các cấp độ (Trung ương và địa phương) chứ không thể dàn đều và có lộ trình thực hiện. Thứ nữa, phải huy động được trí tuệ của những nhà chuyên môn liên quan chứ không thể để họ đứng ngoài lề. Ngoài ra, cần huy động được nguồn lực xã hội để có những công trình xứng tầm. 
Liệu chúng ta có làm được tượng đài đúng nghĩa của nó, là biểu tượng và niềm tự hào của quốc gia?
Chúng ta đã từng làm được tượng đài như thế và với cơ sở vật chất, nhân lực hiện nay, chúng ta hoàn toàn làm được. Những công trình văn hóa lớn như Lăng Bác Hồ, tượng Bác Hồ và nhiều công trình văn hóa lớn như chùa Bái Đính... đã, đang là biểu tượng tự hào của mỗi người Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Mới đây, công trình biểu tượng văn hóa của Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cao 18m, tổng đầu tư 25 tỷ đồng, được hoàn thành 7/2014 bị sét đánh làm vỡ chóp vì không được thiết kế hệ thống chống sét. Đây không phải lần đầu tiên chất lượng tượng đài “có vấn đề”.
“Mỗi khi có sự cố xảy ra với tượng đài, đừng vội vàng đổ lỗi cho đơn vị nào mà phải tìm nguyên nhân kỹ thuật là gì, lỗi ở đâu... Muốn vậy, cần có một đơn vị tư vấn kỹ thuật độc lập đánh giá”. 
PGS.TS Trần Chủng
Vũ Thủy (Thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)