Vụ nổ xưởng phân bón TP HCM: Chuyên gia nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Theo chuyên gia, trong kho nguyên liệu sản xuất phân bón thường có nhiều chất nguy cơ gây cháy nổ cao, vì vậy không được để gần khu dân cư.

Vụ cháy nổ kinh hoàng vừa qua tại Công ty sản xuất phân bón Đặng Huỳnh (số 66/2 đường Lê Thị Riêng, quận 12, TP HCM) đã gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản và ảnh hưởng đến môi trường. Đáng báo động là đơn vị sản xuất phân bón bất chấp luật pháp, chứa vật liệu dễ cháy nổ trong khu dân cư. 
Tiền chất chế thuốc nổ dùng sản xuất phân bón
Tại TP HCM, 3 ngày trôi qua sau khi vụ cháy nổ xảy ra tại Công ty sản xuất phân bón Đặng Huỳnh (quận 12, TP HCM), toàn khu vực nơi xảy ra vụ cháy nổ tan hoang, xơ xác, không khí đặc quánh mùi hăng nồng, khét lẹt của nhựa cháy. Nhiều hộ dân quanh đó vẫn chưa hết bàng hoàng, mọi người dân vẫn tụ tập bàn tán không ngớt. 
Chị Minh Hồng, sống trọ gần công ty sản xuất phân bón Đặng Huỳnh khoảng vài trăm mét, thất thần kể lại: “Khi nghe tiếng nổ rung trời, khói bụi mịt mù, cửa kính của nhiều nhà tự nhiên đổ xuống vỡ vụn. Tôi như thấy nhà sụp xuống, chân không còn có thể đứng vững”. Tại hiện trường, vụ nổ tạo hố sâu diện tích 2x3m, có nhiều chai nhựa, thùng phuy đựng hóa chất ngổn ngang. Lực lượng chức năng vẫn bảo vệ nghiêm ngặt, việc thu thập chứng cứ để điều tra nguyên nhân vụ nổ vẫn đang được triển khai. 
Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ hơn 500 kg tiền chất của thuốc nổ để sản xuất phân bón tại công ty sản xuất phân bón Đặng Huỳnh. Được biết, những hoá chất bị thu giữ được dùng để sản xuất phân bón vô cơ nhưng cũng là "tiền chất" chế thuốc nổ gồm: Kali Clorat (KClO3), Potassium Nitrate (KNO3), Amoni Hydroxyt (NH4OH)…
Tan hoang sau vụ nổ tại công ty sản xuất phân bón Đặng Huỳnh ở số 66/2 đường Lê Thị Riêng, quận 12, TPHCM.  
Kho hóa chất nguy cơ cháy nổ
TS Nguyễn Hữu Tuyến, Phó giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ cho biết, trong kho nguyên liệu sản xuất phân bón thường có nhiều chất nguy cơ gây cháy nổ cao. Trong đó có gốc nitrat nguồn nguyên liệu chính sản xuất phân bón nhưng là loại dễ gây cháy nổ khi gặp nhiệt độ cao, ma sát mạnh và pha trộn với chất gây phản ứng mạnh. 
Đặc biệt, khi pha chế gốc này tạo thành nitrat kali gặp chất gây phản ứng mạnh sẽ nổ như. Đó cũng là nguồn nguyên liệu chế tạo thuốc nổ, đạn dược. Có thể là gốc của các hợp chất khác nhau nhưng khi kết hợp tạo ra nitrat kali là dễ gây cháy nổ, ví dụ cho nitrat canxi kết hợp với clorua kali sẽ tạo ra nitrat kali. Hoặc khi pha trộn 15 % bột than + 10% lưu huỳnh và 85% clorat cũng gây nổ.
Quá trình pha chế, có khi kỹ thuật viên không nắm vững công thức, tính chất hóa lý của các hóa chất khi phối hợp các thành phần với nhau. Với nitrat kali thì chỉ cần một hàm lượng nhỏ phối trộn với chất dễ phản ứng là gây nổ. Bảo quản phân bón lỏng trong thùng kín, quá trình bốc hơi ammoniac gây áp suất quá lớn cũng tạo sức nổ. Khi tồn trữ dưới dạng nguyên liệu chưa pha chế dễ thăng hoa nitrat ra môi trường, chỉ cần tác động của nhiệt tàn thuốc lá, hoặc ma sát mạnh  sẽ lập tức cháy nổ. 
Theo các chuyên gia, khi phân bón các loại có gốc nitrat thành phẩm thì không đáng lo ngại về cháy nổ, chỉ cần bảo quản đúng theo hướng dẫn nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng trồng trọt. Điều đáng bàn là các cơ sở chưa thực hiện đúng quy định sản xuất,  hiện nay có tới 60% cơ sở sản xuất phân bón không an toàn. Nhiều cơ sở hệ thống sản xuất phân bón quá đơn giản, công nhân, kỹ thuật pha chế không được đào tạo, điều kiện an toàn vệ sinh môi trường, chống cháy nổ lại quá kém dù đã có các quy định chặt chẽ. Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cần khống chế các điều kiện về sản xuất an toàn một cách nghiêm ngặt hơn nữa đối với các công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Nguyên liệu sản xuất phân bón hoàn toàn dưới dạng hóa chất, khi cháy nổ sẽ phát tán ra không khí một lượng khí rất độc hại nguy hiểm cho sức khỏe về cả trước mắt và lâu dài. Khi cháy nổ, do hóa chất gây áp suất lớn, khí độc sẽ phân tán mạnh trong không gian rộng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người. 
GS.TSKH Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TN&MT, trường Đại học Công nghiệp TPHCM)
Quỳnh Hương

Bình luận(0)