TQ mưu đồ làm điều xấu, phi pháp gì nữa ở Hoàng Sa của VN?

Google News

(Kiến Thức) - Xây trường học phi pháp, thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng 83 căn hộ cho thuê, mở ngư trường cho 9.000 tàu cá đánh bắt... là những hành động phi pháp, vô đạo của TQ tại Hoàng Sa. 

Xây trường học phi pháp ở Hoàng Sa
Tân Hoa xã cho biết ngày 14/6, chính quyền của cái gọi là "thành phố Tam Sa" (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) đã động thổ dự án xây dựng trường học và các công trình đồng bộ liên quan trên đảo “Vĩnh Hưng”, tức đảo Phú Lâm thuộc quần Hoàng Sa của Việt Nam, mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép bằng vũ lực năm 1974.
Đây là hành vi nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Nguồn tin dẫn lời Bí thư Thành ủy, Thị trưởng “Tam Sa” Tiêu Kiệt cho biết trường học và các công trình đồng bộ liên quan là một trong những dự án dân sinh trọng điểm trong năm 2014 của "thành phố Tam Sa”, dự án này có tổng diện tích quy hoạch là 7.924 m2, tổng diện tích xây dựng là 4.650 m2, tổng vốn đầu tư là 36 triệu NDT.
Các công trình đồng bộ liên quan gồm thư viện, phòng hồ sơ tài liệu, phòng đa năng, sân chơi, nhà văn hoá…
 Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được chụp từ trên cao, đẹp như thiên đường. 
Nguồn tin cũng cho biết, dự án sẽ hoàn công và đưa vào sử dụng sau 1 năm rưỡi thi công. Trường có thể mở các lớp mẫu giáo, vỡ lòng, tiểu học và triển khai các hoạt động giáo dục khác, nhằm tiếp nhận khoảng 40 con em phù hợp các lứa tuổi đến trường của cư dân và quân nhân đóng trên đảo.
Việt Nam có chủ quyền lâu đời và không thể chối cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc thành phố Đà Nẵng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc tại quần đảo này.
Thành lập "thành phố Tam Sa"
Hồi tháng 7/2012, trong hơn một tháng ròng, Trung Quốc liên tiếp có các hành động trên nhiều mặt trận nhằm xây dựng thế lực quanh cái gọi là thành phố Tam Sa bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng.
Về mặt chính trị, cuối tháng 6/2012, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. "Tam Sa" sau đó được chính quyền Trung Quốc nâng cấp lên thành thành phố cấp khu vực, tổ chức họp "Hội đồng Nhân dân Khóa I" và tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Thị trưởng, với tham vọng quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi Việt Nam đã khẳng định chủ quyền.
Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc và làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam.
Thành lập quân đồn trú Tam Sa
Song song với việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, Trung Quốc cũng có những động thái công khai quân sự hóa hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 20/7/2012, Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập và triển khai quân đồn trú tại "Tam Sa". Đơn vị này tương đương cấp phân khu, có nhiệm vụ quản lý các hoạt động quốc phòng, quân bị và thực hiện các hoạt động quân sự. Chưa đầy một tuần sau, các vị trí chỉ huy của cơ sở quân đồn trú, gồm tư lệnh và chính ủy, được chỉ định, và bị Việt Nam cũng như Philippines phản đối gay gắt.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó còn xác nhận một quân đồn trú khác ở Hoàng Sa trực thuộc hạm đội Nam Hải, phụ trách tác chiến hải quân trong khu vực Biển Đông mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Trong tháng 7/2012, hải quân Trung Quốc cũng tăng cường sự hiện diện tại Trường Sa. Trước đó, một tàu đổ bộ của Trung Quốc trang bị súng hạng nặng, cần cẩu và bãi đáp trực thăng, bị phát hiện neo đậu tại cảng mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa.
Mở ngư trường Tam Sa cho 9.000 tàu cá đánh bắt phi pháp ở Biển Đông
Hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc năm nay cũng được chính quyền tạo điều kiện tổ chức với quy mô chưa từng có.
Trung Quốc bắt đầu thành lập "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ tháng 7/2012, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.  
Hôm 1/8 Trung Quốc chấm dứt lệnh đánh bắt cá đơn phương trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, mở đường cho gần 9.000 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam và hàng chục nghìn ngư dân các tỉnh khác tiến ra đánh bắt ở Biển Đông. Chính quyền tuyên bố mở rộng phạm vi khai thác nghề cá trong khu vực của cái gọi là "ngư trường Tam Sa", hướng dẫn ngư dân đóng tàu lớn hơn, ra vùng nước sâu hơn ở khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam và bãi đá ngầm Macclesfield mà Bắc Kinh gọi là "quần đảo Trung Sa".
Hoạt động rầm rộ này diễn ra ngay sau khi một nhóm gồm 30 tàu cá của ngư dân tỉnh Hải Nam vừa trở về từ Trường Sa. Các tàu này đều đánh bắt trái phép hoặc trú ẩn gần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc đưa các tàu cá đến Trường Sa và tổ chức hoạt động khai thác hải sản ở đây là hoàn toàn phi pháp.
Xây dựng 83 căn hộ cho thuê ở Hoàng Sa
Sau khi ngang nhiên thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố xây dựng 83 căn hộ cho thuê mức giá thấp ở đây. Nhân dân Nhật Báo mô tả rằng có 159 cư dân hiện sống trong những căn nhà gỗ bấp bênh trước thời tiết khắc nghiệt ở đảo. Do đó, dự án nhà ở này được hoàn thành trong hai năm để tạo điều kiện sinh sống cho người dân. Họ còn quyết định đặt tên con phố chính trên đảo Phú Lâm là Bắc Kinh, nhằm đặt dấu ấn của người Trung Quốc trên đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Thăm dò tiềm năng khai mỏ, cát, thủy sản, du lịch ở Hoàng Sa
Đầu tháng 7/2012, Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố nghiên cứu toàn bộ hệ sinh thái Biển Đông. Theo đó, nước này sẽ tổ chức chương trình nghiên cứu kéo dài trong một tháng để bảo tồn môi trường xung quanh các đảo trên Biển Đông. Chương trình này bao gồm điều tra, khảo sát các đối tượng động vật biển, chim, động vật lưỡng cư trên các đảo và khu vực xung quanh.
Ngày 31/7/2012, cơ quan giám sát biển của cái gọi là thành phố Tam Sa tuyên bố đưa các tàu hải giám đến các đảo không người ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thăm dò tiềm năng khai mỏ, khai thác cát, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch, bất chấp việc Việt Nam đã nhiều lần đưa ra đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo này.
Mới đây nhất, ngay trước hành động xây trường học phi pháp ở Hoàng Sa, ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nhằm hạ đặt khoan thăm dò. Vị trí giàn khoan nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Vị trí này nằm trong vùng biển giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển miền Trung của Việt Nam. 
Đây là sự xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải. 
Tính đến nay, đã gần 1 tháng rưỡi giàn khoan trái phép của Trung Quốc vẫn lì lợm án ngữ trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Để bảo vệ giàn khoan phi pháp này, Trung Quốc đã điều hàng trăm tàu chiến, hải cảnh, vỏ sắt, thậm chí cả tàu và máy bay quận sự, tiêm kích để uy hiếp, đâm va tàu của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của mình. Không những vậy, tàu Trung Quốc còn hung hãn tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam, mà hành động đỉnh điểm tố cáo sự vô đạo và ngang ngược của nước này là đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng khiến chiếc tàu hư hỏng nặng, hơn 10 ngư dân suýt mất mạng.
Lúc cao điểm, Trung Quốc điều động đến gần 140 tàu bảo vệ các loại. Trong đó đáng kể nhất là tàu chiến, tàu hộ vệ tên lửa, tấn công nhanh. Không chỉ vi phạm vùng biển Việt Nam, các tàu của Trung Quốc còn hung hãn, uy hiếp, tấn công các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư và cả ngư dân của ta.
“Khác hẳn với bản chất, hành động của Trung Quốc, Việt Nam chỉ có các tàu thực thi pháp luật và ngư dân trên biển. Mức độ, các hành vi xâm phạm của Trung Quốc ngày một căng thẳng, leo thang, nhưng chúng tôi đang hết sức kiềm chế, giữ vững bản lĩnh, linh hoạt đối phó”, Đại tá Thái Minh Dũng, Phó chỉ huy trưởng về pháp luật Cảnh sát biển vùng 2, cho biết..
Đại tá Dũng cho hay, Việt Nam có lực lượng, phương tiện đủ sức để đáp trả lại những hành vi ngang ngược của phía Trung Quốc và có những lúc cán bộ chiến sĩ bức xúc trước hành vi của Trung Quốc nhưng chúng tôi phải hết sức kiềm chế.
Minh Hiếu

Bình luận(0)