Tại sao buôn lậu xăng dầu "khủng" dễ xảy ra ở VN?

Google News

(Kiến Thức) - Hàng loạt vụ buôn lậu xăng, dầu được phát hiện thời gian qua không khỏi khiến dư luận choáng váng bởi quy mô, khối lượng khổng lồ và những thủ đoạn tinh vi của nó. 

Ngày 31/12/2013, tin từ cơ quan tố tụng cho hay, cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can về hành vi buôn lậu đối với Nguyễn Trường Sơn (SN 1954, biệt danh Sơn “Sắt”, trú tại số 9 Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa), Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn.
Qua khai thác những người liên quan, bước đầu cơ quan điều tra xác định chủ mưu vụ buôn lậu dầu là vợ chồng Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Thanh Phương. Trước đó, vợ chồng Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thanh Phương thông qua một đối tượng người nước ngoài và thống nhất nhập lậu dầu với số lượng khoảng 2.600 m3 dầu DO, đặt cọc trước số tiền 26 tỷ đồng và giao hàng vào ngày 16 và 17/12/2013.
 Cơ quan chức năng t
iến hành bắt giữ "ông trùm" Sơn sắt tại biệt thự gia đình.
Quá trình điều tra đã làm rõ các đối tượng nhập lậu dầu DO với giá 20.000 đồng/lít, đưa về Việt Nam bán với giá 21.000 đồng/lít.
Trước đó, hồi đầu tháng 10/2013, Công an tỉnh Kiên Giang đã hoàn thành chuyên án điều tra về hành vi buôn lậu dầu trên biển lớn nhất nhì tại tỉnh này. Theo đó, lực lượng PC46 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng, gồm: Trần Văn Sua (48 tuổi), Châu Phát (43 tuổi, cùng ngụ xã Mỹ Ðức, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Ðoàn Ðức Ðẩu (32 tuổi), Phan Tấn Phúc (32 tuổi, cùng có nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cùng hành vi buôn lậu.
Hệ thống bơm hút dầu trên tàu An Binh 126 của Công ty TNHH Hoàng Sơn.
Riêng Lương Hoàng Nam (31 tuổi, ngụ khu phố Ba Hòn, thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương) bị khởi tố về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, tuy nhiên được áp dụng biên pháp tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú vì bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, năm 2010, Đoàn Đức Ðẩu đã sang Phnômpênh (Campuchia) gặp một người tên là Năm Phì (còn có tên khác là ông Năm, Bảo, Hai) – đối tượng chuyên bán dầu lậu trên biển cho các tàu cá Việt Nam với giá rẻ hơn giá thị trường tại Việt Nam từ 2.000 đến 5.000 đồng/lít, để đặt vấn đề mua dầu của người này phục vụ cho việc khai thác hải sản của gia đình.
Hai bên thống nhất phương thức mua bán và thanh toán tiền như sau: Khi Đẩu có nhu cầu mua dầu trên biển thì điện thoại cho Năm Phì cung cấp số tàu, số lượng dầu cần mua, Năm Phì sẽ báo giá dầu và cho tọa độ tàu dầu nước ngoài đang neo đậu (quanh vùng biển lịch sử giữa Việt Nam và nước khác – PV) để Đẩu báo lại cho tài công đến vị trí lấy dầu. Sau khi lấy dầu xong khoảng 2-3 ngày, Năm Phì cho người lại nhà Đẩu lấy tiền dầu hoặc Đẩu tự mang tiền lên Hà Tiên đưa cho người của Năm Phì.
Cơ quan điều tra xác định, tổng doanh thu mà Ðẩu, Phúc mua dầu lậu và làm môi giới là hơn 72,4 tỷ đồng, trong đó, Ðẩu mua với doanh số hơn 32 tỷ đồng, môi giới hơn 6,4 tỷ đồng; Phúc mua lậu dầu doanh số hơn 9 tỷ đồng, làm môi giới hơn 25 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, Đẩu và Phúc đã chuyển trả cho Năm Phì.
Các đối tượng đã tích cực giúp sức cho Đẩu và Phúc trong việc chuyển tiền cho Năm Phì, gồm: Châu Phát, Lương Hoàng Nam và Trần Văn Sua. Theo lời khai nhận của các đối tượng, mỗi khi điện thoại, chỉ đạo Nam, Phát đi nhận tiền của bên mua dầu, Năm Phì sẽ cho số điện thoại của các chủ tàu hẹn địa điểm giao tiền. Nam, Phát thường chọn nơi nhận tiền tại khu vực biên giới Hà Tiên.
Khi đã gặp bên trả tiền, Nam, Phát gọi điện thoại lại cho Năm Phì để hai bên xác nhận số tiền phải trả, nhận. Sau khi nhận được tiền, Nam và Phát giao lại cho Sua cất giữ. Và trong ngày, sẽ có người của Năm Phì sang gặp Sua, nhận lại tiền mang về Campuchia giao cho Năm Phì. Mỗi lần giúp như thế, Nam, Phát và Sua được Năm Phì “bồi dưỡng” từ 100 – 400.000 đồng.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Trưởng phòng PC46 Công an Kiên Giang, sau vụ buôn lậu dầu quy mô (với tổng lượng dầu lên đến 24,274 triệu lít, trị giá trên 330 tỷ đồng) do Võ Hoàng Dũng, tức Dũng "quế” (43 tuổi, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cầm đầu bị phát hiện vào cuối năm 2010, đây là vụ buôn lậu dầu quy mô thứ hai mà đơn vị phát hiện, bóc gỡ.
Ngày 13/8/2012, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 10 người trong vụ án buôn lậu hơn 1.000 tấn xăng A92 tại vùng biển giáp Nam Định và Thanh Hóa.
Trong đó có 2 người Trung Quốc là Chen Xing Chun (thuyền trưởng tàu Giang Châu 1) và Long Guang Kun (máy trưởng tàu Giang Châu 1). 8 người Việt Nam gồm Hoàng Biên Cương, Nguyễn Đình Tý, Lê Văn Lâm, Nguyễn Thế Thanh, Nguyễn Ngọc Thạch, Ngô Văn Chung, đều là thuyền trưởng hoặc máy trưởng các tàu Minh Châu 08, Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02; Khiếu Văn Anh và Nguyễn Trọng Đăng là nhân viên Công ty Hoàng Sơn.
Ngày 28/7/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã bắt quả tang tàu Giang Châu 1 (quốc tịch Campuchia) đang bơm bán xăng trái phép cho 3 tàu Việt Nam là Hoàng Sơn 08, Hoàng Sơn 09 và Minh Châu 08. Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT làm rõ.
Ngày 27/7/2013, Công ty TNHH một thành viên xăng dầu hàng không mở tờ khai xuất, tái xuất 1.350 tấn xăng A92 cho Công ty TNHH Hồng Phát, Trung Quốc. Sau đó, tàu Giang Châu 1 cập cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh nhận số xăng nói trên để vận chuyển tái xuất đi cảng Phòng Thành, Trung Quốc. Sáng 28/7, tàu Giang Châu 1 rời cảng Vũng Áng nhằm hướng Phòng Thành nhưng sau đó “bẻ ghi” vào vùng biển Thanh Hóa, Nam Định để bán lại số xăng nói trên cho tàu Việt Nam. Đáng chú ý, vào thời điểm bị bắt quả tang, cơ quan chức năng phát hiện trên tàu Giang Châu 1 có tới 1.650 tấn xăng A92 thay vì 1.350 tấn như trong tờ khai.
Không chỉ cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia vào đường dây buôn lậu xăng dầu, mà một số công ty, đơn vị nhà nước cũng bị đồng tiền làm cho mờ mắt nên cũng bị cuốn vào vòng xoáy này.
Ngày 29/11/2012, Bộ Tài chính đã thông tin chính thức về vụ buôn lậu hơn 422.000 lít xăng RON 92 xảy ra tại Công ty TNHH MTV xăng dầu Hàng không (Vinapco). Theo đó, Bộ xác nhận vụ buôn lậu xăng trị giá 8 tỷ đồng tại Vinapco và nhận định "vụ việc vi phạm trên có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức". Ngoài ra, vi phạm quy định về tạm nhập tái xuất tại Vinapco là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc bình ổn thị trường xăng dầu. Bộ Tài chính nhận định vụ việc vi phạm tại Vinapco có dấu hiệu hoạt động tội phạm có tổ chức. 
Trước đó, cuối tháng 7/2012, hải quan đã phát hiện, thu thập chứng cứ liên quan đến lô hàng 422.000 lít xăng RON 92, trị giá 8 tỷ đồng do Vinapco làm thủ tục tạm nhập - tái xuất cho Công ty TNHH Cung ứng dầu và thủy sản thành phố Bắc Hải (Trung Quốc). Nhưng thực tế, lô hàng này được chuyển tiêu thụ nội địa. Cùng thời điểm, lô hàng 2.330 tấn xăng tái xuất qua đường biển do Vinapco làm thủ tục cũng bị bắt quả tang khi đang chuyển tiêu thụ nội địa. Qua xác minh, công ty Bắc Hải không hề tồn tại. Trong khi đó, Vinapco vừa có văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định không sai trong mở tờ khai tái xuất xăng dầu qua đường bộ nhưng không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa. 
Theo Tổng giám đốc Vinapco, ông Hoàng Mạnh Tuấn, trong hợp đồng với Công ty TNHH Cung ứng Dầu và Thủy sản Bắc Hải có nêu rõ, bên mua hàng không được tiêu thụ tại Việt Nam. Nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phát hiện việc tiêu thụ hàng hóa theo hợp đồng tại Việt Nam thì bên mua phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đại diện công ty cũng cho biết, ngày 26/11 Vinapco đã làm việc với Cục Điều tra chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan và được biết một số đối tượng là cá nhân đã lợi dụng quá trình vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng đi Cao Bằng để thực hiện hành vi gian lận. Khi có dấu hiệu bị lộ, các đối tượng đã tìm cách xin nhập hàng lại vào kho.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)