Sự thật "gây sốc" về "công chúa thuốc lào" chữa bách bệnh

Google News

Theo chính quyền địa phương, "công chúa thuốc lào" thực ra làm nghề buôn bán cát, việc chưa bệnh này thực chất chỉ là phương pháp kinh doanh, đánh bóng tên tuổi.

Chữa bệnh bằng cách kéo, bẻ, vặn tay, dẫm chân?
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện những clip ghi lại cảnh một người phụ nữ được mệnh danh là “công chúa thuốc lào” chữa bệnh miễn phí cho người dân.
 
Theo mô tả trong đoạn clip, giữa sân nhà văn hóa thôn Cán Khê, Nguyên Khê (Đông Anh, Hà Nội), trước sự chứng kiến của hàng trăm người, “công chúa thuốc lào” trải chiếu giữa sân chữa bệnh cho từng người. Bệnh nhân tìm đến là những người bị tai nạn, câm điếc, tai biến… đều được nữ “thần y” khám, chữa bằng những động tác như bẻ, kéo tay, vặn, dẫm chân…, thỉnh thoảng cô Nhung lại cầm điếu cày, hút thuốc lào rất điêu luyện.
Gần đây nhất, ngày 2/12, người phụ nữ này tiếp tục xuất hiện tại thôn Cán Khê để hành nghề. Theo người dân, cô Nhung đã về chữa bệnh tại thôn 3 lần, bệnh nhân hầu hết là người ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, còn trong làng rất ít người đến chữa.
Bà N.T.H - một người dân thôn Cán Khê - cho biết: “Cô Nhung về đây chữa bệnh, sau đó quay lại clip đưa lên mạng, bệnh nhân đến chữa toàn ở các tỉnh xa, có người đi máy bay ra để chữa bệnh, người trong làng này hầu như không ai chữa cả. Tôi thấy cô Nhung dùng các động tác nắn bóp, rút chân để chữa, cũng chẳng hiểu có khỏi được bệnh hay không”.
“Công chúa thuốc lào” chỉ là người bán… cát sỏi?
Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Khê cho biết, hai tuần trước, người phụ nữ tên Nhung có tổ chức khám chữa bệnh ở nhà văn hóa, sau khi xã biết có việc đó đã mời cô này lên làm việc.
“Qua kiểm tra, cô Nhung không xuất trình được giấy phép hành nghề, giấy phép kinh doanh. Cô này khi khám bệnh có nhiều hình thức quảng cáo trên facebook, zalo khiến người dân từ xa cũng tìm về chữa bệnh. Nhóm chữa bệnh của cô Nhung mới hình thành nên làm thế chỉ để đánh bóng tên tuổi chứ không thể chữa khỏi được bệnh”.
Ông Hồng nói thêm, xã đã can thiệp kịp thời, yêu cầu không được chữa bệnh khi chưa được phép của cơ quan y tế, nếu lần sau cô Nhung tiếp tục hành nghề thì sẽ có hình thức cưỡng chế. Xã cũng đã tuyên truyền đến người dân, nếu có bệnh không được cả tin mà nên khám ở những bệnh viện uy tín.
“Khi mời lên làm việc, cô Nhung khai rằng, trước kia làm nghề buôn bán cát sỏi, cho nên việc chữa bệnh này thực chất chỉ là phương pháp kinh doanh, hành nghề để đánh bóng tên tuổi” - ông Hồng cho biết.
Nắn, bóp xong đi vài bước... rồi đâu lại vào đó
Mặc dù “công chúa thuốc lào” đã bị đình chỉ việc khám chữa bệnh từ ngày 2/12, nhưng những clip lan truyền trên mạng xã hội và lời truyền miệng của người dân vẫn khiến nhiều bệnh nhân tin tưởng, đến nhà văn hóa Cán Khê tìm cô Nhung chữa bệnh.
Theo ghi nhận của PV, sáng 5.12 tại khu vực nhà văn hóa thôn, vẫn có một số người tìm đến. Chị P.T.D (ở thôn Bắc Hồng, Đông Anh) cho biết, con trai chị năm nay 6 tuổi bị thần kinh từ khi mới 8 tháng, gia đình phải chạy chữa khắp nơi nhưng cháu vẫn thường xuyên co giật, đến tuổi đi học rồi mà cháu chưa thể đến trường như bạn bè.
“Tôi có hỏi người dân xung quanh thì mọi người đều nói, dân thôn không ai đến chữa. Có người nói, có cháu bé bị liệt nhiều năm sau khi được cô nắn, bóp và giật vài cái thì cháu đi được vài bước, nhưng về nhà thì vẫn thế không có gì thay đổi. Nghe vậy tôi từ bỏ ý định tìm cô này chữa bệnh cho con." - chị D nói.
Một người dân ở đây chứng kiến cô này chữa bệnh cho 1 bé trai bị liệt kể: Sau khi bóp, nắn, vặn chân...cậu bé đứng dậy đi 1-2 bước, mọi người vỗ tay tán thưởng. Nhưng sau đó, đứa bé không thấy đứng lên được nữa. Tôi nghĩ, cách chữa bệnh này không có cơ sở khoa học, người dân cứ tìm đến với tâm lý "vái tứ phương", rồi lại thất vọng mà thôi.
Theo Nguyễn Hà-Phạm Dung/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)