Sự thật đáng bàn sau Bộ trưởng ăn bánh mỳ... tiếp dân

Google News

(Kiến Thức) - Ăn trưa nhanh với bánh mỳ, Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp dân có phải là điểm đột phá?

Ngày 22/7, lần đầu tiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cùng Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh dành gần trọn 1 ngày ở Ban Tiếp công dân Trung ương. Ăn trưa nhanh với bánh mỳ, Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp dân đến gần hết buổi chiều. Dư luận hồ hởi với điều này, từ nay mỗi tháng, mỗi bộ trưởng sẽ đều tiếp dân.
Tiếp dân cũng là một công việc
Theo ông, việc tiếp dân như vậy có phải là điểm đột phá trong công tác tiếp công dân?
Thực ra từ lâu trong luật tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đã có rồi. Theo đó thì người đứng đầu cơ quan nhà nước phải dành thời gian tiếp công dân. Thế nhưng lâu này, chủ tịch UBND hay thậm chí là các bộ trưởng thường ủy quyền cho người khác để tiếp dân, thường là chánh văn phòng, thanh tra bộ, tỉnh, hoặc cấp phó. Giờ chúng ta quy định cụ thể bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh mỗi tháng phải tiếp dân 1 ngày là một quy định đúng, hợp lòng dân. Đây là những người đứng đầu ngành, địa phương, hiểu được chế độ chính sách, hiểu được vấn đề, là những người có thể trả lời đầy đủ và có trách nhiệm nhất.
Nghĩa là quy định này đã có từ lâu, nhưng chúng ta chưa thực hiện?
Đúng thế, đây chỉ là quy định lặp lại các quy định đã có trước đây của nhiều văn bản pháp luật thôi. Điều đó làm cho lãnh đạo gần gũi với dân hơn, hiểu dân hơn. Qua quá trình tiếp dân thì cũng sẽ nhìn thấy thực tế cuộc sống để mà gắn bó với nhân dân hơn. 
Ở vị trí là bộ trưởng hay chủ tịch UBND tỉnh thì thường rất bận rộn, nhiều công việc phải giải quyết, dành một ngày để tiếp dân liệu có ảnh hưởng đến công việc đó?
Nếu xác định tiếp công dân cũng là công việc thì nó đâu ảnh hưởng gì, đó là công việc giống như bao nhiêu việc khác để giải quyết cơ mà. Khi dân khiếu nại, đề đạt nguyện vọng thì chỉ có người đứng đầu mới đủ thẩm quyền để giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết. Anh làm việc vì ai, cho ai, suy cho cùng thì anh cũng làm việc vì dân, cho dân mà thôi. Đại biểu Quốc hội vẫn dành thời gian tiếp dân, lắng nghe nguyện vọng của dân, giải quyết kiến nghị của dân. Thế thì không cớ gì cơ quan hành chính lại không làm được điều đó.
Những vấn đề gì người dân thắc mắc nhiều nhất và có thể giải quyết ngay trong buổi tiếp dân?
Thường là vấn đề đất đai, đền bù, bồi thường nhà cửa, bất cập về chính sách người có công, người lao động... thì những người đứng đầu có thể giải quyết được. Đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, nhưng cũng là quyền lợi của lãnh đạo. 
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội. 
Gần dân để không làm chính sách "trên trời"
Vậy theo ông 1 ngày có đủ giải quyết được hết những bức xúc, thắc mắc của người dân?
Thực ra thì chưa đủ đâu, nhưng qua đó để nắm được các vấn đề chính. Thu nạp thông tin từ người dân, sau đó chỉ đạo các cơ quan cấp dưới trực thuộc thẩm quyền của mình như đất đai thì giao cho tài nguyên môi trường, đóng thuế thì giao ngành thuế, thiếu trường thiếu lớp thì giao cho giáo dục... Bản thân người đứng đầu đó có quyền điều phối các công việc này, chỉ đạo thực hiện các đơn vị xử lý những công việc cụ thể rồi báo cáo lại. Nên tôi khẳng định, người đứng đầu cao nhất của địa phương, của ngành mà tiếp công dân là rất đúng đắn.
Theo hiểu biết của ông thì có đơn vị nào chủ động để người đứng đầu cơ quan đơn vị tiếp công dân không?
Tôi được biết có những nơi tự đề ra quy định là người đứng đầu cao nhất của đơn vị, địa phương đó phải dành một buổi tiếp công dân. Tôi đi các nước thì thấy rằng trách nhiệm tiếp công dân là công việc thường xuyên của người đứng đầu quận, huyện, tỉnh nào đó. Chúng ta cũng nên mở rộng hơn nữa, không chỉ có chủ tịch UBND tỉnh hoặc bộ trưởng mà chủ tịch phường, xã, quận, huyện là những người sát dân hơn ai hết, cũng phải thực hiện tiếp công dân thường xuyên. Đó là kênh để nắm rõ hơn các vấn đề xảy ra.
Lợi ích của việc "gần dân" như ông vừa nói là gì ạ?
Để không đưa ra những chính sách trên trời trên mây, sát với cuộc sống của nhân dân hơn. Chỉ có tiếp dân thì mới hiểu dân, mới thấy được tâm tư nguyện vọng của dân. Còn nếu cứ đóng cửa phòng, bật máy lạnh để suy nghĩ chính sách thì chính sách ấy khó hợp với lòng dân. 
Và đó chính là quyền lợi của người tiếp dân?
Lâu nay mọi người chỉ quan niệm tiếp dân là trách nhiệm, nghĩa vụ, chứ ít người nghĩ rằng đó là quyền lợi. Đó là cơ hội để gắn bó với dân, hiểu được dân, đồng cảm chia sẻ với dân. Nếu không có những cơ hội như thế thì dễ quan liêu, xa dời nhân dân. Từ quan liêu thì sẽ dẫn đến những quyết định chính sách không sát, không hợp với lòng dân, xa dời thực tế.
Dân không ngại!
Có người lo lắng rằng chủ tịch UBND tỉnh, bộ trưởng mà tiếp công dân thì dân sẽ ngại không dám tiếp xúc, ông nghĩ sao?
Không có chuyện đó đâu. 
Ý ông là...?
Công dân rất muốn tiếp xúc với những người trực tiếp giải quyết được những vấn đề khúc mắc. Lâu nay chúng ta chưa làm được điều này là bởi những người đứng đầu hay đùn đẩy, "ủy quyền" cho cấp phó hoặc cấp thấp hơn nữa. Mà những người đó không đủ quyền năng để giải quyết các vấn đề mang tính chất mệnh lệnh hành chính, nên họ chỉ hứa thôi. Mà người dân thì không muốn nghe những người không có thẩm quyền hứa. Còn lời hứa của người đứng đầu thì sẽ khác.
Ý ông mấu chốt trong việc tiếp dân là vấn đề có được giải quyết thỏa đáng không, chứ không phải gặp ai?
Đúng thế và đương nhiên phải là người có thẩm quyền, có trách nhiệm thì mới giải quyết được. Chính sách sai thì sửa chính sách, các trường hợp cá biệt thì có thể giải quyết ngay, ví dụ, cho một giáo viên nghỉ hưu mà không đúng chế độ chính sách thì người đó có thể sửa ngay được, chứ người không có thẩm quyền thì không thể ra quyết định ngay lúc đó được. 
Đây chính là mối quan hệ tác động qua lại, người dân nói được bức xúc, lãnh đạo thì tìm ra những thiếu sót trong quản lý điều hành?
Có những vấn đề mà chính người dân làm lãnh đạo thức tỉnh đấy! Nên tiếp dân là cơ hội, cơ may để lãnh đạo hiểu dân. Tôi tin là trong thời gian tới, khi chúng ta thực hiện việc này thường xuyên, những bức xúc của người dân sẽ được giải quyết thấu đáo, việc xây dựng các chủ trương chính sách cũng sát với thực tiễn, đi vào lòng dân, được người dân ủng hộ nhiều hơn.
Có người lo lắng quy định này nếu chỉ làm hình thức thì cũng sẽ cho ra một kết quả hình thức, ông nghĩ sao?
Đúng thế, nếu người tiếp công dân coi việc tiếp dân là việc phải làm chứ không muốn làm thì sau khi tiếp dân, cũng sẽ lại giao hết cho phía dưới giải quyết, không tự mình quyết định vấn đề gì thì nó sẽ chỉ là hình thức. Nhưng thời đại ngày nay, tôi tin, các vị lãnh đạo không dại gì mà làm thế! Bởi ai cũng thấy rằng, tiếp dân, được nhiều hơn mất.
Xin cảm ơn ông!
Theo Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần. Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ... cũng sẽ tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Những người đứng đầu các cơ quan này sẽ thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong trường hợp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia; vụ việc nếu không xem xét, chỉ đạo kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản nhà nước...
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)