Sáng hồng Nhất Nhất quảng cáo thô tục: Xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) -  Quảng cáo sản phẩm Sáng hồng Nhất Nhất bằng bài thơ tục tĩu trên tạp chí, Công ty Dược phẩm Nhất Nhất sẽ bị xử lý như thế nào?

Dư luận đang bức xúc khi một tờ tạp chí mới đây đăng bài “Sáng hồng Nhất Nhất được Bộ Y tế tặng cho 323 cán bộ phụ nữ nhân ngày 20/10”, trong đó có sử dụng một bài thơ với ngôn ngữ tục tĩu. Trên trang web của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế nhận định, bài viết trên có sử dụng nhiều câu chữ được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt, đặc biệt trong bài viết còn đăng bài thơ của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực thực phẩm
Ngày 28/11 vừa qua, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu bác sĩ Nguyễn Văn Dũng báo cáo, giải trình về sự việc này. Theo báo cáo của ông Dũng, tạp chí trên đã tự ý đăng bài thơ này mà chưa được sự đồng ý của ông Dũng. “Cục An toàn thực phẩm đang tiếp tục liên hệ với thanh tra Bộ thông tin và truyền thông cũng như công ty cổ phần Dược phẩm Nhất Nhất để làm rõ và xử lý sự việc theo quy định của pháp luật” - Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
 Bài thơ phản cảm được một tờ tạp chí đăng tải nhằm mục đích quảng cáo khiến dư luận bức xúc.
Vậy với việc quảng cáo sản phẩm bằng bài thơ có ngôn từ không phù hợp với thuần phong mỹ tục trên, doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo trên có phải chịu trách nhiệm liên đới hay không? 
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc này, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân đánh giá, việc công ty dược phẩm Nhất Nhất quảng cáo sản phẩm có bài thơ với ngôn từ không lành mạnh là vi phạm quy định tại Luật Quảng Cáo. Quảng cáo nội dung phải có văn hóa, đảm bảo phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục.
“Trong Luật Quảng Cáo tại điều 8 quy định về Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo nêu rõ tại khoản 3 “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”, Luật sư Trần Đình Triển cho hay.
Luật sư Trần Đình Triển dẫn giải, về việc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo, tại khoản 1, điều 11 của Luật Quảng Cáo nêu rõ: “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, với việc sử dụng bài thơ có ngôn ngữ không hợp thuần phong mỹ tục nhằm mục đích quảng cáo, doanh nghiệp trên đã vi phạm một số quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo ban hành và có hiệu lực ngày 12/11/2013.
Tại khoản 4, điều 51 về vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được nêu tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP chỉ rõ: "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: c) Quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em; d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam". 
 Luật sư Nguyễn Hồng Thái.
“Về phía Công ty có sản phẩm quảng cáo trên, cần xem xét có vi phạm hay không, mức độ vi phạm như thế nào để xử phạt hành chính. Nếu quảng cáo không đúng, nói quá sự thật…, công ty có thể bị thu hồi giấy phép, bị cấm sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm đó. Nếu gây ảnh hưởng đến người khác, công ty còn phải bồi thường”, Luật sư Thái nhận định.
Liên quan đến vụ việc trên, PV Kiến Thức sẽ có cuộc trao đổi với đại diện Công ty dược phẩm Nhất Nhất và các cơ quan chức năng liên quan để tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hải Ninh

Bình luận(0)