Rượu rắn, rượu Ama Kông... rượu Tết: Uống đủ thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - "Rượu thuốc cũng có thể giết người. Rượu cúc cũng có thể phàm tục. Rượu rắn mà 3 ông xực 3 lít thì không chết là may. Rượu Ama Kông uống một mình 1 chai 65cc thì đi bệnh viện là cái chắc...".

Nhâm nhi chén rượu, chúc nhau chén ruợu ngày Tết là thói quen từ xưa đến nay của dân tộc Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thực tế đã xuất hiện tình trạng một số người lợi dụng dịp này dịp nọ, nhất là ngày Tết để uống bia rượu vô tội vạ dẫn đến những hệ lụy đau lòng. Theo đó, uống rượu cũng cần có văn hóa, để ý nghĩa của chén rượu khai xuân ngày Tết không bị lệch chuẩn với ý nghĩa nguyên bản của nó.

Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên Văn học dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội về câu chuyện uống rượu ngày Tết và văn hóa uống rượu.

-  Xin ông cho biết uống rượu như thế nào là có văn hóa? 

- Khái niệm “văn hóa” trong đó có một nội hàm là “tính giá trị”. Có nghĩa là tất cả những hành động có ý thức của con người cũng như những thành quả vật chất, tinh thần đem đến hạnh phúc cho nhân loại thì nằm trong phạm trù “văn hóa”. Còn vô giá trị, phản giá trị thì nằm ngoài phạm trù đó.

 Uống rượu ngày Tết là phong tục của người Việt từ đời xưa nhưng cần
phải có chừng mực văn hóa. Ảnh minh hoạ

Rượu có trước cả nhân loại và nếu nhân loại diệt vong mà sinh vật hãy còn thì vẫn còn rượu. Khi rượu do con người sản xuất ra, nếu được sản xuất, tiêu thụ và sử dụng có giá trị thì đó gọi là “văn hóa rượu”. Sử dụng cho đúng thì nó cũng tốt đẹp như các thực phẩm, dược phẩm khác: sức khỏe, quan hệ, nhân phẩm, sáng tạo, sự tôn trọng lẫn nhau…

Văn hóa uống rượu cần có những điều chú ý: Uống rượu gì? Uống với ai? Uống lúc nào? Uống như thế nào? Hiểu và hành động đúng các điều đó thì rất tốt. Rượu thuốc cũng có thể giết người. Rượu cúc cũng có thể phàm tục. Rượu rắn mà 3 ông xực 3 lít thì không chết là may. Rượu Ama Kông mà một mình 1 chai 65cc thì đi bệnh viện là cái chắc. Rượu ngon thì phải có bạn hiền. Bạn ba vạ mà chén chú chén anh dễ xảy chuyện đau lòng. Ngày mai thi đấu hoặc vào dây chuyền làm việc mà 3 giờ đêm còn thù tạc say sưa thì chuyên nghiệp cái nỗi gì. Tôi chứng kiến cả rồi, đến sức voi cũng chịu không thấu. 
 Nhà nghiên cứu
Nguyễn Hùng Vĩ,


- Người Việt xưa uống rượu ngày Tết thế nào? Có tình trạng uống rượu vô tội vạ rồi kéo theo những hệ lụy như hiện nay không, thưa ông?

- Người xưa uống rượu và người nay uống rượu có mặt giống nhau và có mặt khác nhau. Xưa cũng có người thất trận, mất nước, thân bại danh liệt vì rượu. Nhưng ngày nay, rượu dởm và độc hại nhiều mênh mông, chính quyền các cấp biết cả nhưng nó vẫn thịnh hành. Rượu bây giờ nhiều, giá cả rẻ hơn (so với thu nhập - PV) nên người sử dụng cũng nhiều hơn. Ngoài ra, con người bây giờ dễ bức xúc hơn, khó giải tỏa hơn nên dùng rượu vô độ hơn… Trong khi đó, tình trạng giao thông phức tạp với những phương tiện lớn, tốc độ cao khiến tai nạn giao thông do rượu bia gấp nhiều lần so với trước kia.

- Việc biếu rượu bia ngày Tết liệu có tác động đến tình trạng uống rượu bia vô tội vạ?

- Hai chuyện này khác nhau. Biếu nhau rượu bia làm quà tặng, lễ viếng là phong tục có từ đời xưa. Vấn đề là mục đích của việc tặng biếu. 

Uống rượu vô tội vạ là thuộc về ý thức, nhận thức của người uống. Có người thường xuyên đi biếu rượu, được biếu rượu, sản xuất rượu hoặc thường xuyên uống rượu nhưng chưa bao giờ quá chén. Những người này họ biết được uống như thế nào là đủ, đến đâu phải dừng. Đây chính là uống rượu có văn hóa vì nó không bị thái quá, không lệch chuẩn.

- Ngày nay, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ có quan niệm đi chúc Tết là phải uống rượu. Đây có phải nét truyền thống của người Việt và có nên duy trì quan niệm này không thưa ông?

- Đi chúc Tết uống vài chén rượu cũng là chuyện thường tình. Nói là “phải uống” cũng không sai nhưng vấn đề không ở chỗ “quan niệm” hay không “quan niệm” mà ở chỗ người uống. Mời, nài, thậm chí ép là thịnh tình của bạn bè, cần tôn trọng. Nhưng từ chối hoặc điều độ là hoàn cảnh của mình. Tôi có ông anh kết nghĩa làm Giám đốc một Sở nhưng ông ấy không uống được rượu và không ai ép được ông ấy uống. Có sao đâu. Phải có cách gìn giữ mà vẫn lịch lãm, vẫn vui vẻ. Điều đó hoàn toàn làm được, chả ai trách ai cả.

- Vậy theo ông, cần làm gì để mọi người có ý thức khi uống rượu, uống rượu có văn hóa?

- Với từng con người, phải ngấm thật kĩ câu tục ngữ “Khôn thì sống, vống thì chết”, phải giữ lấy mình, biết dừng trước khi quá muộn. Làm trai, ai chẳng trong đời dại một lần vì rượu. Ngay tôi cũng vậy. Nhưng từ lần trót dại ấy, bản thân mỗi người phải rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh. Làm như thế là vì mình và vì mọi người.

Với thể chế thì phải nghiêm minh đối với người sản xuất, tiêu thụ và sử dụng. Toàn bộ hệ thống chính trị từ thôn xã đến trung ương biết cả đấy nhưng các làng làm rượu độc hại vẫn ra hàng đều đặn thì khác nào “nối giáo cho giặc”. 

Các nhà giáo dục, nhà truyền thông … thì tăng cường tuyên truyền có nghĩa lí để người dân hiểu ra vấn đề.


Khánh Tường (thực hiện)

Bình luận(0)