“Rùa là thủy quái, không phải biểu tượng thiêng liêng”

Google News

Liên quan đến chuyện đúc tượng rùa, GS Trần Lâm Biền cho rằng, rùa trong nghệ thuật của Việt Nam nằm ở tầng dưới, tầng dưới thì không thể tạo ra sinh lực. 

Mới đây, ông Tạ Hồng Quân - một công dân Thủ đô vừa trình UBND Hà Nội đề án chi tiết “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm”.
Theo đề án, một bức tượng rùa được đúc nguyên khối bằng đồng và dát vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Vị trí đặt tượng rùa là tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn.
“Rua la thuy quai, khong phai bieu tuong thieng lieng”
Hình tượng phác họa tượng rùa Hồ Gươm không giống với rùa truyền thống. 
Xung quanh vấn đề này, GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa cổ Việt Nam cho rằng, rùa trong nghệ thuật của Việt Nam nằm ở tầng dưới, tầng dưới thì không thể tạo ra sinh lực. Mà chỉ những con ở tầng trời như rồng, lân, phượng… mới tạo ra được sinh khí dồi dào để tràn về trần gian tạo hạnh phúc.
Thậm chí, trong các nghiên cứu văn hóa, rùa còn là đại diện của thế lực ác tà, cùng với rắn luôn dâng nước làm lụt lội khiến người dân khiếp sợ.
“Suy cho cùng, rùa là kẻ thù. Rùa đưa về những cơ quan gắn với sinh vật thì được, chứ khoa học xã hội và văn hóa tôn trọng rùa nhưng không chấp nhận nó là biểu tượng thiêng liêng”, GS Biền nói.
Theo GS Biền, tại đền Quán Thánh hoặc đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, hình ảnh ông thần cắm kiếm xuống lưng con rùa chính là để trị thủy quái. Hay người xứ Huế, họ chỉ coi rùa như là “mu” của người phụ nữ. Những con rùa đội bia ở Huế cũng dày gấp 2-3 lần rùa đất Bắc.
Ý tưởng đúc tượng rùa của ông Quân bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử như rùa giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa; Lê Lợi sau khi đánh đuổi giặc Minh đã hoàn trả gươm thần cho thần Kim Quy.
GS Biền cho rằng, cũng có lúc, rùa có biểu tượng tích cực song không đáng bao nhiêu.
Trả lời ý kiến, tượng rùa vàng chính là hình ảnh của “cụ” rùa mới chết ở Hồ Gươm, GS Biền cho hay, Hồ Gươm không có “cụ” rùa nào cả mà chỉ có con rùa hoặc rùa nổi. “Cụ” rùa chỉ do người dân thêu dệt lên. Nhiều nhà khoa học cũng đã chứng minh, đó chỉ là rùa thường chứ không phải "cụ" rùa như trong truyền thuyết.
Phóng viên đặt câu hỏi, liệu đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” có giúp Việt Nam tạo một biểu tượng nhận diện, giống như Singapore có biểu tượng sư tử hoá rồng, Pháp có biểu tượng tháp Eiffel, Mỹ có biểu tượng nữ thần tự do…?
GS Biền trả lời: “Chúng ta còn bao nhiêu thứ khác có thể nhận diện được, sao tự nhiên lại lấy con rùa trong khi bao đời nay người ta coi trọng con rồng, con phượng. Thế sao chúng ta là văn minh lúa nước, không lấy hình ảnh con trâu, con bò đi?”.
GS Biền cũng nhấn mạnh, Hồ Gươm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt, muốn đưa thứ gì thuộc lĩnh vực văn hóa cần được sự cho phép của Thủ tướng. Đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm” chỉ là ý kiến cá nhân, không dựa trên nền văn hóa truyền thống nên khó mà thực hiện được.
Cùng quan điểm, họa sỹ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, qua những hình ảnh trên báo chí, ông không thấy vẻ đẹp của hình tượng rùa vàng. Thậm chí, mẫu phác thảo tượng rùa vàng còn đang làm thay đổi nghiêm trọng hình tượng rùa truyền thống.
Ông cho biết thêm, xưa nay, rùa thường gắn liền với hình tượng đội bia. Rùa nằm bẹp và cõng thứ gì đó trên lưng nên rất khó để tạo nên một hình tượng mỹ thuật đẹp mắt.
“Hiện trong đền Ngọc Sơn đã có một tiêu bản rùa. Không gian ở đó đã có tượng Vua Lê, Tháp Rùa, Tháp Bút… cá nhân tôi cho rằng, không nên đặt bất kỳ một bức tượng nào ở Hồ Gươm nữa.”, họa sỹ Khánh Chương cho biết.
Theo Triệu Quang/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)