Phó Thủ tướng nói gì về vụ vỡ đập thủy điện?

Google News

Trao đổi với báo giới chiều nay (13/6) bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhận định: "Không phải mùa lũ mà đập bị vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu. May là vụ vỡ đập đã không gây ra thảm họa".

Khoảng 5h ngày 12/6, đập thủy điện Ia Krel 2 của Công ty Thủy điện Bảo Long tại làng Bi, xã Ia Dom (Đức Cơ, Gia Lai) đã bị vỡ. Thân đập đã bị cuốn trôi chừng vài chục mét; một phần cống dẫn nước bị cuốn đứt phăng bị hất lên thềm đá. Hàng trăm hecta hoa màu của người dân dọc hai bên suối bị nước cuốn phăng.

Trả lời báo giới về vụ việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện Chính phủ đang cho kiểm tra về thiết kế, thi công có đảm bảo chất lượng hay không. Việc này phải kiểm tra kỹ vì đây không phải là mùa lũ mà lại bị vỡ, chứng tỏ thi công rất ẩu.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời báo chí.

“Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm xảy ra. Dù là đập đất, nhưng vẫn đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Đúng là rất may là không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra vào ban ngày. Chứ nếu vào mùa lũ, khi hồ tích nước đầy thì đúng là chết. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được.

Thông thường các đập nhỏ thì đáng lo ngại hơn vì nhiều khi chủ đầu tư chủ quan. Còn các đập lớn có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn. Cần phải lưu ý đặc biệt các đập nhỏ, vì những mùa lũ qua cũng đã có một vài đập nhỏ bị vỡ. Đây là kinh nghiệm quan trọng để không lặp lại sự cố tương tự", Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết.

Chúng ta đã có những giải pháp căn cơ nào trong thời gian qua để tránh xảy ra những sự cố tương tự như một vài sự cố vỡ đập thủy điện xảy ra thời gian qua, thưa ông?


- Thực tế trong những năm qua, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, Quốc hội thường xuyên hỏi thăm về vấn đề an toàn đập thủy điện, không có kỳ họp nào là không có báo cáo về thủy điện. Năm nay Bộ Công thương vừa có báo cáo liên quan tới thủy điện.

Cuối năm ngoái, Bộ Xây dựng cũng có một báo cáo về chương trình kiểm tra tất cả các công trình xây dựng thủy điện, an toàn hồ, đập thủy điện. Sang năm, Chính phủ lại đang lấy ý kiến ĐBQH về việc thực hiện công tác giám sát về thủy điện.

Như vậy, thực tế an toàn thủy điện đã được tất cả các cấp từ Quốc hội, Chính phủ đến các bộ ngành quan tâm. Các địa phương vừa rồi cũng rà soát lại các quy hoạch thủy điện thuộc diện quản lý của mình (tức là các thủy điện nhỏ và vừa).

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp làm gian, làm ẩu thì ở đâu cũng có, nếu chúng ta không thường xuyên kiểm tra kiểm soát thì nó vẫn có thể xảy ra. Cái chính là chúng ta phải phát hiện trước được những cái đó để tránh xảy ra những thảm họa. Những sự cố công nghiệp rất dễ gây ra các thảm họa. Nếu không thường xuyên kiểm tra thì đến khi đã xảy ra sự cố thì không còn điều kiện để sửa chữa nữa.

Tới đây có chế tài gì hoặc biện pháp gì mạnh để xử phạt người đứng đầu các địa phương để xảy ra sự cố như vậy?


- Biện pháp mạnh mẽ hay chế tài thì mình có hết rồi. Còn vụ này, Cục Giám định Bộ Xây dựng, Cục An toàn Bộ Công thương, địa phương cũng đã vào cuộc. Về trách nhiệm, thứ nhất phải tính tới sai sót thiết kế là do đơn vị nào, rồi thi công, nghiệm thu, vận hành… Sau đó phải xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc. Chứ không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý hết trách nhiệm. Đây là may chứ nếu không đã trở thành thảm họa rồi. Vì thế nếu không xử lý nghiêm thì sẽ rất nguy hiểm. Bởi xử lý còn để làm gương cho các công trình khác, răn đe các chủ đầu tư khác.

Phải chăng do thủy điện phát triển ồ ạt vượt ra khỏi kiểm soát của chúng ta nên công tác kiểm tra, giám sát chất lượng bị buông lỏng, thưa Phó Thủ tướng?

- Cũng có thể đúng đối với một số địa phương nào đó. Cũng có thể liên quan tới sự quá tải trong quản lý. Cái chính, việc phát triển hồ thủy lợi, thủy điện cũng là tất yếu. Như tôi đã nói, chúng ta là một quốc gia thiếu nước, việc xây dựng các hồ chứa nước là việc phải làm nếu không chúng ta lấy đâu ra nước cho nông nghiệp. Sự đe dọa của thế giới là vấn đề thiếu nước và chúng ta cũng không nằm ngoài điều đó.

Vì thế, nếu như ta có thể xây dựng được hồ chứa thì phải tận dụng tối đa để đảm bảo nguồn nước bền vững. Tuy vậy, không có nghĩa là mình làm bừa, làm lấy được vì nếu một khi xảy ra thảm họa, hậu quả sẽ rất đau xót. Vì thế khi xem xét xây dựng Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Quốc hội phải xem xét rất kỹ, 4 năm thẩm định mới thông qua chứ không phải đơn giản.

Còn trong trường hợp này, các cơ quan hữu trách sẽ kiểm tra, làm rõ. Nếu phát hiện sai sót thì sẽ phải xử lý nghiêm để làm gương cho các trường hợp khác. Cần thì cũng rất cần nhưng nếu làm kiểu này thì chúng ta cũng không cần, bởi như vậy thì rất nguy hiểm.

Xin cám ơn Phó Thủ tướng!


TIN LIÊN QUAN:


ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Dân Việt

Bình luận(0)