Nhắn tin đe dọa Chủ tịch tỉnh, TP: Vì sao tội danh khác nhau?

Google News

(Kiến Thức) - Đối tượng nhắn tin đe dọa Chủ tịch TP Đà Nẵng đang bị điều tra hành vi “đe dọa giết người” trong khi đối tượng đe dọa Chủ tịch Bắc Ninh bị truy tố tội “Khủng bố”.

Nhắn tin đe dọa như thế nào được coi là tội phạm?
Vụ việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị đối tượng Đào Tấn Cường (trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng) – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng nhắn tin đe dọa đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trước đó, vào tối 19/8, C45 (Bộ Công an) đã tiến hành bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường để điều tra hành vi "Đe dọa giết người" khi ông Cường được cho là nhắn tin với nội dung đe dọa gửi đến số điện thoại của ông Huỳnh Đức Thơ, UBND thành phố Đà Nẵng. Ngày 20/8, Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành di lý nghi can Đào Tấn Cường ra Hà Nội, để phục vụ công tác điều tra.
Nhan tin de doa Chu tich tinh, TP: Vi sao toi danh khac nhau?
 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh VNN
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã đưa ra những phân tích về việc nhắn tin đe dọa như thế nào được coi là tội phạm?
Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác.
“Hành vi đe dọa giết người thể hiện bằng lời nói, hành động như tuyên bố bằng lời, viết thư, gửi tin nhắn qua điện thoại, thư điện tử hoặc đe dọa bằng dao, gậy, súng… Hành vi đe dọa giết người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đối với người bị đe dọa. hành vi dù là trực tiếp hay gián tiếp đe dọa nhưng phải làm cho người bị đe dọa tin rằng người phạm tội sẽ thực hiện hành vi giết người. Căn cứ để xác định mức độ đe dọa nguy hiểm đến tính mạng với nạn nhân phụ thuộc vào sự đánh giá qua các tiêu chí: nhân thân của người đe dọa và người bị đe dọa, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn khi có hành vi đe dọa giết người,…”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
Luật sư Thơm cho biết thêm: “Đối với việc đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc lý do công vụ của nạn nhân được thể hiện việc thi hành công vụ hay lý do công vụ đó có ảnh hưởng trực tiếp đến người phạm tội nên đối tượng đã chủ động đe dọa giết nạn nhân. Động cơ mục đích nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ được giao. Tội đe dọa giết người được qui định tại Điều 103 BLHS 1999 với hình phạt cao nhất đến 07 năm tù khi thuộc 1 trong các trường hợp: Đối với nhiều người; Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân,…”.
Tại sao cùng nhắn tin đe dọa lại có những tội danh khác nhau?
Việc Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bị nhắn tin đe dọa không phải là vụ việc duy nhất lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố bị nhắn tin đe dọa, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – ông Nguyễn Tử Quỳnh cũng bị một số đối tượng nhắn tin đe dọa. Trong khi đối tượng Đào Tấn Cường đang bị điều tra hành vi "Đe dọa giết người" thì trước đó đối tượng Nguyễn Trọng Phương (SN 1980, ở Ba Đình, Hà Nội) – kẻ nhắn tin đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị truy tố tội “khủng bố”. Vì sao cùng nhắn tin đe dọa lại bị điều tra truy tố những tội danh khác nhau?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm lý giải, trong trường hợp người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần, xâm phạm tự do thân thể của người khác, nhưng không nhằm gây sự hoảng sợ trong công chúng, không nhằm chống chính quyền nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng như Tội đe dọa giết người theo Điều 103 BLHS.
Nhan tin de doa Chu tich tinh, TP: Vi sao toi danh khac nhau?-Hinh-2
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
“Về mặt khách quan đều có hành vi giống nhau nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng đến người có chức vụ quyền hạn đang thực thi công vụ. Nhưng động cơ mục đích phạm tội là khác nhau”, Luật sư Thơm cho hay.
“Đối với Tội khủng bố theo Điều 84 BLHS mà các đối tượng phạm tội ở Bắc Ninh đã bị đưa ra xét xử thì thấy việc các đối tượng phạm tội nhắn tin đe dọa xâm phạm tính mạng Cán bộ, Công chức nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân vì giữa đối tượng phạm tội với Cán bộ, công chức không có quan hệ hay mâu thuẫn cá nhân. Chỉ vì những chủ trương chính sách do lãnh đạo Tỉnh ban hành theo qui định của pháp luật đã bị cho rằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng nên đã đe dọa ngăn cản thực thi các qui định đó”, Luật sư Thơm phân tích.
“Đối với việc xảy ra ở Đà Nẵng, nếu kết quả điều tra xác định do mâu thuẫn trong việc điều hành quản lý hành chính của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến đối tượng phạm tội nên đã thù tức đe dọa giết người thì hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của Tội đe dọa giết người. Hành vi phạm tội được xác định do mâu thuẫn cá nhân, không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”, Luật sư Thơm nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem video Bắt 2 đối tượng nhắn tin đe doạ Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh - Nguồn VTC16:
Điều 103. Tội đe dọa giết người
1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Đối với nhiều người;
b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
c) Đối với trẻ em;
d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)