Kinh hãi nước máy Hà Nội cạnh bãi tha ma, luộc thịt đỏ hồng

Google News

(Kiến Thức) - Người dân thôn Trường Xuân (Xuân Dương, Thanh Oai, HN) nghi ngại nguồn nước máy cạnh bãi tha ma, bãi rác luộc thịt có màu hồng như chưa chín.

Thời gian gần đây, thông tin về nguồn nước máy cung cấp cho các hộ dân tại xã Xuân Dương (Thanh Oai, HN) “có vấn đề” khiến thịt luộc xong có màu hồng như máu, rau xanh đen thâm lại, dùng nước pha trà thì thấy nước trà đặc quánh từ sáng tới chiều, khiến không ít người hoang mang, lo lắng. Điều gì uẩn khúc phía sau câu chuyện đáng lo ngại này?

Hãi hùng khi thực phẩm chuyển màu vì luộc bằng nước máy

Tìm đến thôn Trường Xuân, nơi được phản ánh về màu lạ của thực phẩm sau khi luộc bằng nước máy, những gì phóng viên Kiến Thức ghi nhận được là cái lắc đầu, lè lưỡi và cái phẩy tay ngán ngẩm của nhiều hộ dân tại đây. Cả đoạn đường làng dài 500m với 30 hộ dân, số hộ dùng nước máy đếm trên đầu ngón tay. Nhà nào còn dùng nước máy thì chủ yếu để tắm, giặt… thậm chí tắm cho lợn, tưới rau, chứ nấu ăn thì nhất định không dùng. Nhiều hộ rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi lắp công tơ nước mà phải xếp xó.

Bác T.N. (người dân địa phương) cho biết: “Được lắp nước sạch thì ai chả phấn khởi, nhưng khổ nỗi cứ nấu ăn mà như thế thì sợ lắm, biết được độc hay không. Trong khi đó, lắp đường ống và công tơ cũng mất không ít tiền, chỉ riêng công tơ không đã 1,5 triệu đồng”. 
Cũng lo lắng về chất lượng nước máy, bác M. (người dân tại thôn) chia sẻ: “Luộc thịt mà có khách đến thì ngại chết, có khi tưởng lợn bệnh hoặc luộc không kỹ. Có hôm con dâu tôi với chồng nó cãi nhau chỉ vì tưởng thịt chưa chín. Nước máy mà chẳng bằng nước giếng khoan, ăn vào có làm sao mình cũng chả biết được”.
Miếng thịt có màu hồng kì lạ sau khi luộc bằng nước máy tại thôn Trường Xuân. Ảnh: Mạnh Hưng.  

Để kiểm chứng thông tin từ người dân, PV Kiến Thức thử dùng miếng thịt lợn tươi, cắt riêng thành hai mảnh, một phần luộc bằng nước máy lấy tại nhà người dân, một phần luộc bằng nước lọc (từ nước lavie đóng chai) trong thời gian 30 phút. Theo quan sát, toàn bộ bì lợn của thịt luộc bằng nước máy thôn Trường Xuân chuyển sang màu nâu đỏ giống như thịt nướng hoặc hun khói, thịt bên trong tuy đã chín nhưng có màu hồng sẫm như tẩm hóa chất tạo màu. Trong khi đó, miếng thịt được luộc bằng nước lọc có màu sắc hoàn toàn bình thường.

Sự tương phản màu sắc rõ ràng giữa hai miếng thịt được luộc từ nước máy ở thôn Trường Xuân (bên trái) và thịt luộc bằng nước lọc (phải).
Ảnh: Mạnh Hưng. 
Theo tìm hiểu của Kiến Thức, người dân “tẩy chay” và nghi ngại chất lượng nước máy còn do nguồn nước tại đây được lấy ngay khu vực bãi rác, nghĩa địa. 
“Bao nhiêu nơi không chọn, lại chọn nơi chôn người chết để lấy nước. Không biết quy trình xử lý có đảm bảo không, chứ cảm quan thấy thế này còn ai dám dùng nữa chứ. Lúc nhà tôi ngừng dùng nước máy, phản ánh với nhân viên thu tiền nước, họ bảo nếu sợ nước ở bãi tha ma bẩn thì sẽ không hút nước ở nguồn đó, nguồn sạch còn lại đã thừa cung cấp cho cả vùng rồi. Tóm lại là tôi không dùng nước máy nữa, sợ lắm”, bác N.V.Q (người dân Trường Xuân) nói.
Nguồn khoan nước cách nhà tang lễ và khu nghĩa địa 30 - 50m. Ảnh: Ngọc Linh.
Ghi nhận thực tế của Kiến Thức cũng cho thấy, nhà máy cung cấp nước sạch trên địa bàn xã có 3 vị trí nguồn nước, trong số đó một “tọa lạc” cách bãi tha ma chừng 30 – 50 m, một yên vị dưới bãi rác khu dân cư. 
Với những lý do đáng lo ngại trên thì sự hoài nghi, lo lắng của người dân Trường Xuân về nguồn nước bẩn là có cơ sở. 

Nhà máy nước và chính quyền địa phương nói gì?

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Bích, quản lý nhà máy nước, cho biết: “Hàng tháng đơn vị vẫn làm kiểm tra mẫu nước theo quy định, bởi khu vực này có rất nhiều asen, kết quả cho thấy nguồn nước sạch và đảm bảo... Khi nghe thông tin mới phản ánh này, nhà máy tiếp tục lấy mẫu nước tại nhiều hộ trong toàn xã để làm xét nghiệm”.

Hiện tượng luộc thịt chuyển sang màu hồng từng xảy ra tại nhiều hộ, trong đó đã có phản ánh của người dân với nhân viên thu tiền nước của đơn vị vào tháng 3 âm lịch. Cho đến giờ, tức là sau 4 tháng, khi tiếp tục có phản ánh, đơn vị vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng, và tất cả vẫn chỉ mới đang làm công tác… xét nghiệm. Trong khi đó, các hộ dân lại quay về sử dụng nước giếng khoan và nước mưa như bình thường, bỏ phí tiền bạc đầu tư đường ống dẫn, công tơ điện. 
Nếu là nước sạch như thông báo của nhà máy thì nguyên nhân gì khiến rau, thịt khi nấu lại chuyển màu? Nếu không thể trả lời câu hỏi này thì sự lo lắng của người dân khó có thể dừng lại.
Khi được hỏi về tình trạng nước quá bẩn, không thể dùng đun nấu, ông Phùng Tiến Dũng, đại diện UBND xã Xuân Dương, cho biết: “Về vấn đề tại sao thịt chuyển màu như vậy rất khó giải thích, chỉ có thể chờ kết quả xét nghiệm lần này để rõ. Địa phương đã nhận chỉ đạo của cấp trên và thực hiện công tác này”. 
Ông cũng cho rằng: “Nước của bãi rác, bãi tha ma không thể thẩm thấu xuống nước nguồn, vì thế không ảnh hưởng gì. Người dân không dùng nước máy vì họ không quen mùi chất tẩy, quen dùng nước mưa rồi. Ngay khi kết quả xét nghiệm mẫu nước được đưa về, chính quyền sẽ tuyên truyền và giải thích để người dân hiểu rõ tính chất vấn đề, nếu có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì sẽ yêu cầu nhà máy nước phải điều chỉnh hợp lý”.
Mặc dù, phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước lần này, nhưng đây phải là câu trả lời giải thích được hiện tượng thực phẩm có màu kì lạ? Nếu vẫn là kết quả "nước sạch" như mọi lần nhà máy nước đưa ra, người dân sẽ vẫn trở lại dùng nước giếng khoan truyền thống, vì những nghi ngại vẫn còn nguyên đó.
Nhà máy nước sạch ở xã Xuân Dương, Thanh Oai, Hà Nội được đầu tư xây dựng với số vốn gần 10,2 tỷ đồng theo chương trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội. Nhưng vẫn chưa đủ kinh phí, nhà thầu là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Vietcom. 

 


Mạnh Hưng -Ngọc Linh

Bình luận(0)