"Ép" 4.000 sinh viên dùng mạng Vinaphone: Vi phạm luật cạnh tranh

Google News

(Kiến Thức) - ĐH Ngoại ngữ Huế ban hành văn bản "ép" 4.000 sinh viên dùng mạng Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến học tập đã vi phạm luật cạnh tranh.

Liên quan đến việc trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) ban hành văn bản "ép" 4.000 sinh viên dùng mạng Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến học tập, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định, việc trường rõ ràng đã vi phạm pháp luật mà ở đây là vi phạm luật cạnh tranh.
Trường Đại học Ngoại ngữ Huế (Ảnh: hucfl.edu.vn
“Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định: Cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”, Luật sư Nguyễn Hồng Thái dẫn giải.
“Thứ nhất, khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam, kích cầu là một tư tưởng tốt tuy nhiên nếu chỉ đích danh 1 thương hiệu hay một sản phẩm thì có phần thái quá. Điều nay vi phạm luật cạnh tranh và làm ảnh hưởng đến các sản phẩm khác. Thứ hai, môi trường giáo dục nên là môi trường trong sạch và tuân thủ các quy định của pháp luật. Bản thân các trường nên có phòng pháp chế để ra soát các văn bản và các vấn đề trước khi đưa ra. Điều này đã và đang triệt tiêu tính sáng tạo của người học thay vi khuyến kích và khơi gọi các ý tưởng thắp lên ngọn lửa sáng tạo hơn là áp đạt mệnh lệnh hành chính”, Luật sư Thái phân tích.
Trước đó, dư luận xôn xao vì vụ việc trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) ban hành văn bản yêu cầu sinh viên dùng sim Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến việc học tập. Mặc dù Vinaphone tặng miễn phí hơn 4.000 sim cho sinh viên trường này nhưng văn bản nêu trên không khác gì "ép" sinh viên phải sử dụng mạng Vinaphone. Nhiều sinh viên rất bức xúc trước sự việc này.
Lùm xùm tại trường ĐH Ngoại ngữ Huế chẳng khác nào vụ việc cách đây ít tháng, UBND TP Hải Phòng gửi văn bản “ưu tiên” Techcombank với mục đích “chỉ đạo” các sở, ban ngành, đơn vị quận huyện…mở tài khoản, gửi tiền, thực hiện giao dịch qua hệ thống Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Hay câu chuyện UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh phải uống bia Sài Gòn khi tiếp khách, nhằm kích cầu cho doanh nghiệp. 
Trên thực tế, các sinh viên là khách hàng nhà mạng, khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ, họ có quyền sử dụng nhà mạng nào mà họ tin cậy. Dù văn bản của Trường ĐH Ngoại ngữ Huế không mang tính bắt buộc nhưng những câu từ thể hiện trong văn bản chẳng khác nào "ép" sinh viên phải sử dụng nhà mạng Vinaphone nếu muốn nhận thông báo liên quan đến việc học tập. Bởi việc trao đổi thông tin học tập giữa nhà trường và sinh viên là rất cần thiết nên buộc các sinh viên phải dùng thêm sim Vinaphone dù họ đã sử dụng các dịch vụ của các nhà mạng khác.
Hải Ninh

Bình luận(0)