Đổi mới toàn diện GD: Phải thực hiện từ gốc vấn đề

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, càng đặt trách nhiệm cao với sự nghiệp "trồng người" bao nhiêu, xã hội càng phải xem xét cẩn trọng về sách lược giáo dục. 

 Ảnh minh họa.
Xung quanh những ý kiến của dư luận về biên soạn, thay đổi một số nội dung sách giáo khoa (SGK) thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật TPHCM cho rằng: "Suy cho cùng gốc rễ vấn đề là khả năng về trình độ, tầm nhìn và trách nhiệm của ngành giáo dục nói chung, người đứng đầu ngành nói riêng". 
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh phân tích: Thứ nhất là vụ 34.000 tỷ đồng cho công tác biên soạn SGK, đến việc nhiều phụ huynh lên tiếng về nội dung bài khoa học trong SGK khoa học lớp 5, học sinh phải học thuộc lòng về cách chăm sóc sức khoẻ, quá trình thai kỳ, quá trình thụ thai... rồi lỗi câu chữ trong văn phạm thơ khiến người đọc hiểu lầm, hoặc biên soạn lại nhưng không hay, không dễ học, ý nghĩa bài học chẳng có gì mới so với chương trình sách cũ... 
Đầu tư tiền tỷ biên soạn SGK tại sao vẫn để những chuyện đáng buồn xảy ra? Đã có ban biên soạn, kiểm duyệt trước nội dung phát hành sao vẫn có những sai sót không đáng. Không có tầm nhìn, lại thiếu nhiệt tình, thiếu trách nhiệm là gốc dễ, bản chất của vấn đề. 
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, những năm 60 của thế kỷ trước đã có Ban Nghiên cứu để viết SGK trực thuộc Bộ GD&ĐT, nhưng bị giải tán. Tại sao người ta để đơn vị đó tồn tại như một tất yếu trong bộ máy quản lý thuộc Bộ GD&ĐT? Nhà nước nếu muốn giải quyết vấn nạn giáo dục một cách căn cơ thì phải thành lập Hội đồng Giáo dục cấp Nhà nước (HĐGDNN) như một cơ quan lập pháp trực thuộc Quốc hội, để làm lại Luật Giáo dục, theo đó phải thành lập Hội đồng Thẩm định cấp Nhà nước (HĐTĐNN) để xem xét Bộ luật Giáo dục do HĐGDNN soạn thảo trước khi trình Quốc hội thông qua. Thành viên của HĐGDNN và HĐTĐNN phải là các chuyên gia có kiến thức triết học phát triển vững vàng, có đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, tự giác tham gia. 
Thiết nghĩ, càng đặt trách nhiệm cao với sự nghiệp "trồng người" bao nhiêu, xã hội càng phải xem xét cẩn trọng bấy nhiêu về sách lược giáo dục. Việc khắc phục những căn bệnh kinh niên trong ngành giáo dục không còn nằm trong phạm trù cải cách mà đã thực sự cần thiết chuyển sang phạm trù cách mạng. 
Quỳnh Hương

Bình luận(0)