Đổi mới GD: Mục tiêu vẫn là chuẩn kiến thức, kỹ năng

Google News

(Kiến Thức) - Điểm cơ bản của việc đánh giá chất lượng giáo dục là xem xét việc nắm chuẩn kiến thức, kỹ năng người học đã được xác định trong mục tiêu giáo dục. 

 Ảnh minh họa.
Hiện nay, một vấn đề được cả xã hội quan tâm đến ngành giáo dục là chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” do Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất. Về vấn đề này, tôi cũng xin nêu một vài ý kiến nhỏ say đây.
Trong phạm vi những điều mà tôi tìm hiểu được, tôi chưa thấy rõ những căn cứ của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa là gì. Hay nói khác đi là xuất phát từ những nguyên nhân nào dẫn đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở nước ta hiện nay? Để trả lời câu hỏi này, theo tôi cần làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất phải đánh giá xem chất lượng giáo dục các cấp trong những năm qua của nước ta so với mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục cụ thể đã được xác định trong Luật Giáo dục cũng như trong các văn bản pháp quy của Nhà nước. Chất lượng giáo dục đó có chỗ nào được và chưa được? 
Theo tôi, điểm cơ bản của việc đánh giá chất lượng giáo dục là xem xét việc nắm chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học đã được xác định trong mục tiêu giáo dục. Chuẩn kiến thức, kỹ năng trong giáo dục là mức tối thiểu về kiến thức và kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình. Chuẩn kiến thức phải bảo đảm các yêu cầu: Đáp ứng mục tiêu giáo dục đối với trình độ đào tạo của từng cấp học, lớp học, môn học. Thể hiện kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn nước ta và hội nhập quốc tế.
Chuẩn kiến thức, kỹ năng được xác định trong mục tiêu giáo dục là căn cứ chủ yếu để xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, cũng như việc đánh giá kết quả của việc dạy và học trong nhà trường.
Thứ hai, từ việc đánh giá chính xác chất lượng giáo dục theo mục tiêu giáo dục mà rà soát lại chương trình, sách giáo khoa hiện hành có chỗ nào bất cập, có điểm nào lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội ta hiện nay, cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, nhất là trên lĩnh vực giáo dục.
Thứ ba, căn cứ vào việc đánh giá chất lượng giáo dục trên đây, nhất là ở những mặt còn hạn chế, mới tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tức là việc đổi mới này cần được xuất phát từ những nguyên nhân thực tế, dựa trên những căn cứ xác đáng. 
Nếu những vấn đề trên đây được làm rõ, thì việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới đúng hướng, mới phù hợp với thực thực tiễn giáo dục cũng như thực tiễn xã hội hiện nay của nước ta.
PGS.TS Vũ Văn Dân (02/60 An Dương Vương, Quy Nhơn, Bình Định)

Bình luận(0)