Đề xuất xóa nợ thuế: Lại câu chuyện “độc quyền”

Google News

(Kiến Thức) - Theo TS Đỗ Đức Định, việc xóa nợ thuế vừa thể hiện sự không công bằng, thiếu minh bạch vừa là gánh nặng đối với ngân sách. 

Nguy hiểm là nếu đồng ý việc xóa nợ thuế thì doanh nghiệp sẽ càng ỉ lại vào ngân sách để làm ăn không hiệu quả.
Lỗ trong báo cáo, lãi trên thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính vừa có báo cáo trình Chính phủ đề xuất Quốc hội cho xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp thuế cho một số đơn vị. Đồng thời đề xuất cho sửa đổi bổ sung điều 65 Luật Quản lý thuế theo hướng bổ sung việc xóa nợ cho các trường hợp đặc thù, đó là nợ thuế của các doanh nghiệp nhà nước. Tổng số tiền phạt chậm nộp thuế và tiền nợ thuế được đề nghị xóa, theo thống kê của Bộ Tài chính lên tới khoảng 10.000 tỷ đồng. Việc ưu đãi cho doanh nghiệp để đảm bảo phát triển, hẳn là cần thiết?
Việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, ở đâu cũng có. Xét về tinh thần, chủ trương này là đúng. Nhưng xét về cụ thể thì không thể làm như thế. Thứ nhất, đây là số tiền quá lớn. Thứ hai, tại sao doanh nghiệp nhà nước thì được miễn, mà doanh nghiệp tư nhân thì lại không được ưu đãi? Nếu đã là chính sách thì phải được thực hiện chung cho mọi doanh nghiệp. Nếu kinh doanh mà thua lỗ, cần được trợ giúp thì nhà nước hay tư nhân đều phải đối xử công bằng như nhau.
Ông đang nói đến những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước?
Tôi thấy không công bằng. Khi nói đến nợ công thì Nhà nước bỏ khoản nợ của các doanh nghiệp nhà nước ra để lấy số nợ công nhỏ cho an toàn. Nhưng khi doanh nghiệp nhà nước nợ nước ngoài đến lúc phải trả, lại lấy ngân sách nhà nước ra để giải quyết, thế là khoản nợ công không còn nhỏ nữa. Lúc khác coi doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân, thực hiện kinh tế thị trường. Nhưng khi làm ăn thua lỗ thì lại bằng mọi cách cứu vớt cho nó sống. Còn doanh nghiệp tư nhân nếu làm ăn không hiệu quả thì kệ nó chết.
Ý ông là nếu thực hiện “cứu” doanh nghiệp thì không được phân biệt doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước?
Đúng thế, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bằng ngân sách, bằng tiền thuế của dân. Thực hiện kinh tế thị trường, phải cạnh tranh sòng phẳng. Các tập đoàn của ta vẫn độc quyền. Việc đề xuất xóa nợ thuế doanh nghiệp nhà nước không khác gì “bảo kê độc quyền”.
Câu chuyện các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh lỗ hay lãi vẫn là khúc mắc của dư luận, ông có đồng tình quan điểm đó?
Đúng thế. Khi doanh nghiệp muốn xin xóa nợ thuế thì doanh nghiệp nói là làm ăn thua lỗ. Nhưng khi muốn thu tiền của người khác trên thị trường chứng khoán thì lại nói rằng làm ăn có lãi, số lãi rất khủng. Thậm chí cùng thời gian làm công văn xin xóa thuế lại làm công văn có lãi trên thị trường chứng khoán. Đó là tính minh bạch. Vừa rồi có công ty không họp hội đồng quản trị vì sắp vỡ nợ, tổng giám đốc đưa ra báo cáo công ty làm ăn tốt. Lập tức trong vòng 1 tuần, giá cổ phiếu tăng vọt, họ liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu. Tuần sau đó, chính ông ấy ký công văn thông báo công ty đã vỡ nợ và phá sản.
De xuat xoa no thue: Lai cau chuyen “doc quyen”
TS Đỗ Đức Định, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội nói về đề xuất xóa nợ khoảng 10.000 tỷ đồng thuế. 
Hỗ trợ “đi đêm”
Ví dụ như giá điện, giá xăng dầu, dù đã được nói nhiều nhưng bài toán minh bạch vẫn là bài toán khó. Vì sao lại khó vậy thưa ông?
Vì bởi không minh bạch, chưa thể minh bạch được nên mới có tình trạng hỗ trợ “đi đêm”. Giống như việc bây giờ có những gia đình thuộc hộ nghèo nhưng không muốn thôi hộ nghèo vì sợ mất tiền hỗ trợ. Xã nghèo đấu tranh để được giữ danh hiệu xã nghèo vì mỗi năm được 700 triệu đồng chẳng phải làm gì. Nên cần thiết thì chia khoản tiền ấy ra, mỗi nơi một ít để được hộ nghèo. Nên cũng không loại trừ việc đấu tranh để được là công ty thua lỗ, dù có phải “đi đêm”.
Ông đánh giá tác động của việc xóa nợ hay không xóa nợ cho các doanh nghiệp này đến nền kinh tế như thế nào?
Nó có một vấn đề là các doanh nghiệp đã sống bằng bao cấp, lại tiếp tục sống bằng bao cấp thì chỉ có hại cho nền kinh tế. Cách tốt nhất nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không cạnh tranh được thì phải xóa sổ. Xóa sổ đi là xóa được “một thằng ăn tàn phá hại”. Còn nếu vẫn cứ để như thế rồi lại tiếp tục xóa nợ, thì doanh nghiệp sẽ lại tiếp tục ăn tàn phá hại, tiếp tục mua tàu rách mà báo cáo thành tàu mới hiện đại. Sẽ lại xuất hiện những Giang Kim Đạt phẩy khác.
Đó là cơ chế bao cấp?
Đúng, cơ chế đó, không vỡ đường ống sông Đà 15 lần mới là lạ. Bởi vì cái loại doanh nghiệp đó chỉ làm như thế thôi, mua loại rẻ báo cáo thành đắt, đường ống vỡ lại bỏ tiền ra sửa. Xây tượng đài sập lại bỏ tiền ra sửa. Thế là tăng trưởng đầu tư tăng nhưng một phần rất lớn là đầu tư để sửa cái hỏng của đầu tư. Thế nên bây giờ thấy doanh nghiệp đã “hỏng” rồi mà không tính toán để minh bạch, tái cơ cấu, mà lại cứ hỗ trợ thì càng thảm hại.
Cơ chế thị trường đúng nghĩa sẽ là cạnh tranh?
Dù là doanh nghiệp nào thì cũng phải cạnh tranh để tồn tại, trừ những doanh nghiệp mang tính công ích như quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế. Còn kinh doanh bất cứ thứ gì khác đều phải cạnh tranh. Các nước khác đều khẳng định nếu để tồn tại doanh nghiệp nhà nước độc quyền ở những lĩnh vực kinh doanh đơn thuần thì khó mà hiệu quả. Doanh nghiệp càng được bao cấp thì càng tai hại. Hiện, sự canh tranh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân là chưa sòng phẳng, chưa công bằng theo đúng nghĩa của nền kinh tế thị trường.
Theo ông thì có thể tư nhân hóa các ngành như điện, than, xăng dầu ở Việt Nam không?
Có thể quốc doanh khi chưa phát triển tư nhân hóa, chưa phát triển kinh tế thị trường. Ví dụ như ngành giấy, trước đây chỉ có nhà máy giấy Bãi Bằng thì nhà máy đó là quốc doanh, nhưng khi có nhiều doanh nghiệp khác cùng kinh doanh được thì không còn độc quyền nữa. Có hỗ trợ nhưng vẫn có cạnh tranh.
Chúng ta chưa làm được, phải chăng chưa đủ điều kiện?
Có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa nhưng tại sao mình không làm? Người ta lo tư nhân thì làm ăn gian dối, kém chất lượng, nhưng đó là vì quản lý không tốt, để người ta “bôi trơn” thì mới như thế.
Chỉ có giá “bôi trơn” không giảm 
Nếu ưu đãi tất cả các doanh nghiệp thì ngân sách nhà nước sẽ thâm hụt nặng?
Nếu vậy thì đừng ưu đãi nữa, để doanh nghiệp tự “bơi” đi. Doanh nghiệp tư nhân đâu có tiêu tiền ngân sách, tiêu tiền thuế của dân. Ở các nước phát triển, người dân đấu tranh rất ghê về việc đó. Nông dân làm ra sản phẩm mà không bán được, trong khi vẫn phải đóng thuế nên họ kiện. Thế là nhà nước phải bỏ ra hàng triệu Euro để hỗ trợ người dân có đầu ra cho sản phẩm. Họ là tư nhân đấy, họ vẫn nộp thuế thì họ cần được hỗ trợ. Còn ở ta, vì sao lại để cho doanh nghiệp tư nhân muốn chết thì chết. Thậm chí nộp đơn xin được “chết” còn phải “bôi trơn” mới được “chết cơ”.
Trong câu chuyện này, minh bạch, công bằng là mấu chốt?
Để làm được như thế thì phải kiểm soát được doanh nghiệp, người quản lý phải tìm ra sự thật trong các báo cáo. Chứ không thể doanh nghiệp cứ kêu lỗ là lại đề nghị xin miễn giảm thuế. Đừng để người ta cứ nói mãi rằng nhiều hàng hóa có mức giá lúc tăng lúc giảm, nhưng riêng giá “bôi trơn” thì không bao giờ giảm, chỉ có tăng (cười).
Giá “bôi trơn” tăng thì doanh nghiệp khó cạnh tranh?
Trước đây người ta “bôi trơn” bằng cái phong bì, giờ ngoài phong bì còn có nhiều chiêu trò khác như mời đi ăn, mời đi chơi. Bữa tiệc khởi đầu bằng bát súp vây cá mập cả triệu đồng. Thế thì doanh nghiệp cạnh tranh thế nào được.
Như ông vừa nói, nếu xóa nợ thuế cho doanh nghiệp thì sẽ tạo thành “tiền lệ xấu”, doanh nghiệp sẽ ỉ lại?
Đúng thế, và cũng rất tai hại nếu chúng ta thực hiện kinh tế bao cấp cho doanh nghiệp.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Để tháo gỡ khó khăn cho DN và giảm gánh nặng cho cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội cho phép xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của những DN gặp khó khăn khách quan. DN phải nộp đủ nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2015. Để được xóa nợ, Bộ Tài chính cũng cho rằng, DN phải đáp ứng một trong các tiêu chí là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)