Chiếc ôtô và phẩm giá cán bộ

Google News

Cái sai trong việc vụ xe Lexus gắn biển xanh này thì đã rõ rồi. Nhưng âu cũng là nó thể hiện cho tình tùy hứng và dẫn đến tùy tiện của không ít cán bộ khác.

Chuyện chiếc ôtô Lexus biển trắng bỗng nhiên được đeo biển xanh trở thành chuyện thời sự trong những ngày đầu tháng 6 này. Dư luận nóng lên bởi nhiều lẽ. Tại sao cái biển xe công lại dễ dàng gắn cho xe tư nhân dễ dàng như thay áo?
 Rất nhiều xe biển xanh từ các tỉnh chở người đi hành hương trong ngày khai hội Yên Tử
Cái sai trong việc vụ xe Lexus gắn biển xanh này thì đã rõ rồi. Nhưng âu cũng là nó thể hiện cho tình tùy hứng và dẫn đến tùy tiện của không ít cán bộ khác. Chả thế mà gần đây, Bộ Công an đã phải ra lệnh “truy quét” việc cấp biển xanh không đúng đối tượng.
Chắc chắn rằng, sau việc này, rất nhiều người đang sử dụng xe, biển xe sai quy định sẽ phải đắn đo, mỗi khi mở cửa xe…
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh việc ông Trịnh Xuân Thanh và tới đây khi các cơ quan kiểm tra vào cuộc thì “cái gì là thật chắc chắn không thể giả”.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã thẳng thắn khẳng định sẽ chấp hành nghiêm chỉ thị của Tổng Bí thư.
Còn rất nhiều câu hỏi tại sao nữa. Nhưng thôi ta hãy bàn về người sử dụng ôtô, bởi cái ôtô chẳng có tội lỗi gì.
Nhiều vị giám đốc các công ty, doanh nghiệp tư nhân ăn nên làm ra họ đi cái xe từ hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng là để thể hiện sự giàu có, thể hiện “đẳng cấp” đại gia… và dĩ nhiên, chả ai động đến họ.
Nhưng chuyện xe công và sử dụng xe công mới là điều đáng nói. Có lẽ trên thế giới, chẳng có quốc gia nào mà cán bộ, công chức lại được sử dụng xe công thoải mái như ở Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Cục quản lý Công sản, Bộ Tài chính, hiện nay cả nước có gần 40 nghìn xe công. Mỗi năm chi phí để “nuôi” xe công ngốn mất khoảng 12.800 tỷ đồng. Do siết chặt việc sử dụng xe công cho nên cả nước hiện dư khoảng 7.000 chiếc xe, dự kiến số xe này sẽ được đấu giá. Nhưng sợ rằng, con số xe công này là chưa đúng với thực tế bởi vì có không ít đơn vị sử dụng xe công hiện nay là khá tùy tiện, kể cả trong các thuộc lực lượng vũ trang, trong đó dĩ nhiên là có công an. Không quá khó để thấy có lãnh đạo cấp cục phó, phó giám đốc cũng đã có xe đưa đón, và gần như sở hữu riêng.
Mấy năm trước, báo chí đưa tin một ông Phó chủ nhiệm văn phòng QH hàng ngày đi xem ôm đến công sở, rồi bí thư quận ủy đi xe buýt đi làm; rồi ba bốn ông cán bộ tỉnh về huyện họp thì bảo nhau đi chung một xe cho tiết kiệm. Dư luận hoan nghênh lắm. Bà con bảo nhau rằng, toàn Đảng đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, đang học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ, cho nên các vị lãnh đạo gương mẫu như thế là dân được nhờ.
Nay Đảng vừa phát động đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đang được các đảng bộ trong cả nước triển khai tích cực. Người dân bảo, học Bác là lẽ tự nhiên, nhưng Bác là vị Thánh của dân tộc. Bác gần gũi nhưng cao vời vợi. Đảng viên và nhân dân muốn được học các cán bộ ngay ở cơ quan, đơn vị mình, xã mình, huyện mình. Tại sao không thấy ông nào là Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng được nêu gương là cán bộ đức độ, liêm khiết, tài ba để cho toàn Đảng, toàn dân học tập?
Tại sao trong phong trào Học tập là làm theo Tấm gương Đạo đức Hồ Chí Minh, cấm thấy có cán bộ cao cấp nào “điển hình tiên tiến”. Phải chăng cán bộ cao cấp của ta tất cả đều “học tập và thấm nhuần tư tưởng của Bác”?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng định nghĩa cực kỳ giản dị về vai trò của người Đảng viên "Đảng viên không gương mẫu, nói ai nghe”. Càng ngẫm, càng thấy chí lý. Là người Đảng viên, chưa nói đến giữ chức vụ cao thấp, mà chỉ Đảng viên thường, nếu không gương mẫu thì rõ là còn “xấu hơn quần chúng”. Chả thế mà gần đây, người ta hay đàm tiếu, nói một câu đầy cay đắng rằng: “Tay ấy là Đảng viên, nhưng tốt lắm”.
Về vụ ông Thanh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban Kiểm tra T.Ư phố hợp các cơ quan hữu quan khẩn trương vào cuộc và coi đây là việc cần làm ngay, kết luận rõ ràng, báo cáo Ban Bí thư.
Chỉ đạo của Tổng Bí thư được dư luận hết sức hoan nghênh. Nhiều đồng chí lão thành cách mạng coi đây là việc tuyên chiến với tham nhũng, lãng phí một cách cụ thể, thiết thực nhất. “Tuyên” phải đi liền với “chiến”. Với những “ông vua con” không có cách nào khác là phải xử lý, khuyết điểm tới đâu xử lý tới đó, liên quan đến cá nhân, tổ chức nào đều phải kiểm tra, xử lý nghiêm minh để làm bài học giáo dục chung.
Đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, thời gian qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ án trọng điểm, góp phần làm trong sạch bộ máy nước, đem lại niềm tin cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; tạo điều kiện để mọi người dân tham gia phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Điểm mới trong chỉ thị này là, xây dựng và ban hành quy trình giám định chuẩn trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhất là các vụ tham nhũng ở các ngành có nhu cầu giám định ngày càng nhiều, như: tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường…
Sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của Người đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước là tín hiệu mạnh mẽ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, được đông đảo nhân dân ta hoan nghênh và bày tỏ niềm tin vào thành công trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm”. Rất mong có sự chuyển động mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Rất mong không chỉ có vụ xe tư biển công ở Hậu Giang, mà còn nhiều vụ việc cần làm ngay như thế!
Theo petrotimes

Bình luận(0)